Báo Công An Đà Nẵng

Tương lai nào cho hậu thượng đỉnh Trump-Kim?

Thứ bảy, 09/03/2019 12:01

Hội nghị thượng đỉnh lần 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã kết thúc với nhiều tiếc nuối khi không đạt được thỏa thuận nào. Vì vậy, điều bây giờ cần bàn đến là liệu những gì tiếp theo sẽ xảy ra với hai nước và liệu có triển vọng cho hội nghị Mỹ - Triều lần 3 hay không?

Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong lần hội đàm lần 2 tại Hà Nội.  Ảnh: AP

Vẫn là một ẩn số

Tất cả các dấu hiệu trước khi kết thúc hội nghị đều chỉ ra một kết thúc “có hậu”: Mỹ - Triều sẽ đi đến một thỏa thuận - có thể không phải là một thỏa thuận lớn, nhưng dù sao cũng là một thỏa thuận.

Khi ông Kim Jong-un tham dự hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với ông Trump ở Singapore vào tháng 6-2018, truyền thông nhà nước ở Triều Tiên đã đợi đến sau khi hội nghị kết thúc mới thông báo cho người dân về sự kiện này. Lần 2 thì không như vậy. Hãng thông tấn KCNA của nhà nước Triều Tiên đã phá vỡ thông lệ khi đưa tin về sự kiện ở Hà Nội vài ngày trước khi diễn ra và sau đó liên tục cập nhật. Truyền thông Triều Tiên có thể đang đi theo con đường về triển vọng cho một bước đột phá, mô tả đất nước này “sôi sục như một lò luyện kim với sự kỳ vọng rất lớn”. Trước thềm chuyến đi gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên, Tổng thống Trump cũng tự tin, cuộc gặp gỡ thứ hai này sẽ là một hội nghị thượng đỉnh rất lớn.

Nhưng rồi trước sự ngạc nhiên và bối rối của cả thế giới, hội nghị thượng đỉnh lần 2 đã không dẫn đến một thỏa thuận nào. Dù đã có nhiều lý giải, nhưng điều gì thật sự đã phá vỡ bầu không khí đang rất nồng ấm trên bàn hội nghị ở Hà Nội vẫn là một ẩn số. Nhưng những bài học sau thất bại này sẽ rất hữu ích cho việc đạt được kết quả tốt hơn trong tương lai.

Rất nhiều kế hoạch

Tổng thống Trump liên tục nhắc lại việc sẵn sàng tiếp tục đàm phán với Triều Tiên về phi hạt nhân hóa. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng đưa ra thông điệp tương tự, làm dấy lên những kỳ vọng sẽ sớm tổ chức một hội nghị Mỹ - Triều lần 3.

Tuy nhiên, hiện nay đang nảy sinh vấn đề lớn khi các nguồn tin tình báo Hàn Quốc xác nhận, thông tin Bình Nhưỡng đã xây dựng lại các bãi phóng tên lửa là đúng. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, đây có thể là một phần trong “kế hoạch 1” của ông Kim Jong-un trong “cuộc đấu” với Mỹ. Theo đó, “kế hoạch 1” được nói đến ở đây là việc ông Kim Jong-un có thể dùng đến một số hành động gây hấn để tạo cho Washington cảm giác cấp bách và cần phải “làm một cái gì đó”. Nhưng giới quan sát lo ngại, đây là một lựa chọn tồi và có thể phản tác dụng vì sự gây hấn quá mức sẽ chỉ khiến Mỹ thêm tức giận và gia tăng các biện pháp trừng phạt.

Vì vậy, “kế hoạch 2” cũng đã được nhắc đến nhiều. Đó là việc nhà lãnh đạo Triều Tiên giữ cam kết không tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo tiếp theo nhưng có thể vẫn bí mật làm giàu kho vũ khí để tạo áp lực buộc Mỹ nhượng bộ nhiều hơn trong tương lai. Trong khi đó, “kế hoạch 3” cũng được nhiều chuyên gia nhấn mạnh sẽ giúp ông Kim Jong-un “thoát hiểm” hiện nay. Theo đó, nhà lãnh đạo này quay sang các cường quốc khu vực khác ở Đông Bắc Á, cắt giảm các thỏa thuận riêng với Hàn Quốc và Nhật Bản và đưa ra các ưu đãi cho Trung Quốc và Nga để gây áp lực với Mỹ. Ông Kim Jong-un đã theo đuổi con đường này với Hàn Quốc và có thể là Trung Quốc và Nga, nhưng cho đến nay nó ít có tác dụng đối với các lệnh trừng phạt. Nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể mở rộng sự quyến rũ của mình đến Nhật Bản, nhưng cho đến khi chương trình vũ khí hạt nhân vẫn còn nguyên vẹn, Bình Nhưỡng ắt hẳn sẽ vẫn phải hứng chịu các lệnh trừng phạt từ Mỹ, các nước phương Tây và LHQ. Mặc dù chương trình vũ khí hạt nhân không ảnh hưởng trực tiếp đến các lệnh trừng phạt, con đường này có thể đóng vai trò gián tiếp để liên lạc và xây dựng niềm tin với Mỹ.

Một lựa chọn nữa được nhắc đến là “kế hoạch 4”. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ chờ đợi thời điểm tốt hơn để ông Trump hoặc một Tổng thống Mỹ khác sẵn sàng chấp nhận đề nghị hiện tại của ông. Rủi ro lớn liên quan đến kế hoạch này là không biết chờ đến bao giờ mới đến “thời gian vàng” này. Với một Hạ viện do đảng Dân chủ thống trị và bóng ma của vụ bê bối “Watergate hiện đại” đang hiện ra lờ mờ, Tổng thống Trump đang đối mặt với áp lực trong nước ngày càng tăng. Đáng lo hơn, năm 2020 sẽ chứng kiến một cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ. Và ông Trump sẽ có ít thời gian dành cho Triều Tiên và ông có thể không mạo hiểm với một cuộc gặp không có kết quả với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Chờ đợi thời điểm sau năm 2020 là một canh bạc lớn thực sự bởi vì cơ hội của một Tổng thống Trump tự tin hơn hoặc một tổng thống Mỹ khác, có thể đã sẵn sàng nhượng bộ, là không nhiều.

Lựa chọn kế hoạch nào?

Giới quan sát cho rằng, rất có thể ông Kim Jong-un sẽ thực hiện theo “kế hoạch 1” và sau đó là “kế hoạch 4”. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, có vẻ như thời gian đã đứng về phía Mỹ khi Washington luôn dành thời gian để vắt kiệt nhiều nhượng bộ hơn từ Triều Tiên. Trên thực tế, đây chính xác là cách tiếp cận của Mỹ trong nhiều thập kỷ.

Nhưng giới phân tích cho rằng, đây là một chiến lược tồi. Nhiều thập kỷ qua đã cho thấy, việc kéo dài thời gian hơn không giúp tình hình an ninh được cải thiện hơn hoặc mang lại nhiều lợi thế hơn cho Mỹ. Ngược lại, thời gian đã giúp Triều Tiên có thêm vũ khí hạt nhân. Hội nghị thượng đỉnh lần 2 bị hủy bỏ cũng chính là bài học lớn. Thứ nhất, nếu Mỹ không nhận ra thời gian không đứng về phía mình, hoặc vẫn bất ổn chính trị ở Washington, thế bế tắc vẫn tiếp tục và vòng luẩn quẩn khó thay đổi. Thứ hai, một cách tiếp cận tập trung vào hội nghị thượng đỉnh, tập trung rất nhiều vào các cuộc họp giữa hai nước, các nhà lãnh đạo hàng đầu của cả hai, chắc chắn sẽ  không thành công. Một cách tiếp cận tốt hơn là tăng cường các cuộc đàm phán ở các cấp thấp hơn, tiến lên dần dần và mở đường cho những đột phá nhỏ ở các cấp thấp hơn.

Chấm dứt sự thù địch giữa Mỹ - Triều, phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên là một quá trình lâu dài. Nhưng nó không phải là quá dài, và nó có thể được rút ngắn bằng cách học hỏi từ những thất bại trong quá khứ.

KHẢ ANH