Tương lai nào cho người di cư Rohingya?
(Cadn.com.vn) - Người Rohingya - nhóm dân tộc Hồi giáo không quốc tịch - đã chạy trốn khỏi Myanmar trong nhiều thập kỷ qua. Hàng ngàn người kẹt trong chiếc thuyền ọp ẹp ngoài khơi bờ biển Thái Lan, Malaysia và Indonesia với nguồn thức ăn và nước uống đang cạn kiệt. Không nước nào trong khu vực muốn tiếp nhận họ. Vì sao vậy?
Theo Cơ quan tị nạn LHQ, trong 3 năm qua, hơn 120.000 người Rohingya lên thuyền trốn ra nước ngoài. Một báo cáo của LHQ hồi tháng 5 cho biết, 25.000 người di cư rời Myanmar và Bangladesh trong quý đầu tiên năm nay, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Khoảng 40-60% trong số này đến từ bang Rakhine, Myanmar.
Cảnh sát Malaysia phát bánh mì cho những người tị nạn Bangladesh và Rohingya. |
Tại sao họ bị mắc kẹt trên biển?
Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho biết, 8.000 người di cư từ Bangladesh và Myanmar đang bị mắc kẹt trên biển. Ước tính, hiện có khoảng 200.000 người Rohingya sống trong các trại tị nạn với điều kiện bẩn thỉu.
Chính phủ Thái Lan gần đây bắt đầu triệt phá đường dây những kẻ buôn lậu đưa người di cư đến các trại ở miền nam đòi tiền chuộc. Kết quả là những kẻ buôn lậu bỏ rơi họ trên biển. Vì các nước trong khu vực không muốn họ đi vào vùng đất của mình, họ được trả lại nơi xuất phát. Hải quân Thái Lan tuyên bố đã hỗ trợ các thuyền chở người di cư trong vùng biển của mình, và đã chuẩn bị các trại tị nạn trên bờ biển. Tuy nhiên, Bangkok không muốn họ định cư lâu dài, và rất ít người Rohingya muốn định cư tại Thái Lan dù phải ở lại trên những chiếc thuyền chật chội.
Malaysia là điểm đến được nhiều người Rohingya lựa chọn vì đất nước này chủ yếu là người Hồi giáo và thiếu lao động. Tuy nhiên, Malaysia cho biết không chấp nhận thuyền chở người di cư và ra lệnh cho hải quân đẩy lùi các thuyền ra khỏi bờ biển. Giống như Malaysia, Indonesia là một quốc gia Hồi giáo và cũng tuyên bố rõ ràng, không chào đón người Rohingya. Hải quân nước này đẩy thuyền chở người di cư ra biển. Một nhóm người di cư cập vào bờ hồi đầu tháng 5 đã bị trục xuất.
Trong 20 năm qua, chỉ có Bangladesh là quốc gia "cam chịu" dòng người Rohingya di cư. Nước này thỉnh thoảng cho phép họ sống trong các trại trên biên giới đông nam nhưng đôi khi gửi họ trở lại Myanmar.
Ai chịu trách nhiệm?
Hầu hết các cơ quan viện trợ và các tổ chức phi chính phủ cho rằng, các nước như Thái Lan, Malaysia và Indonesia phải có trách nhiệm nếu người tị nạn ở vùng lãnh hải của họ.
Dù các nước này đã nỗ lực cung cấp thức ăn nước uống cho người Rohingya, giới chuyên gia cho rằng, họ không tích cực tham gia vào các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn bờ biển. Các chuyên gia pháp lý chỉ ra, có thể có một số quốc gia không muốn hành động vì nếu làm như vậy, họ không biết xử lý như thế nào với người tị nạn. Họ không thể buộc người tị nạn trở về nơi mà cuộc sống và quyền tự do bị đe dọa.
Mới đây, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi các chính phủ trong khu vực ghi nhớ nghĩa vụ phải mở cửa đối với những người bị bỏ rơi trên biển.
Vậy liệu vấn đề Rohingya có được giải quyết? Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là trách nhiệm của Myanmar. Các nhà phê bình chỉ ra, những gì đang xảy ra là kết quả của sự thất bại của các nước Đông Nam Á trong việc hành động dứt khoát. Họ lập luận rằng, trong nhiều năm qua, các nước này đã lặng lẽ phớt lờ hoàn cảnh của người Rohingya khiến họ rơi vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo sâu sắc.
An Bình
(Theo BBC)