Báo Công An Đà Nẵng

Tương lai Syria, 6 năm sau nội chiến

Thứ sáu, 17/03/2017 09:33

(Cadn.com.vn) - Syria hiện đang phải đối mặt với một tình huống được cho là giống quốc gia Lebanon láng giềng trong giai đoạn cuộc nội chiến 1975-1997 và phảng phất hình ảnh một Iraq trong Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất.

Đã 6 năm trôi qua kể từ khi bắt đầu cuộc nổi dậy chống lại Tổng thống Bashar al-Assad. Bất chấp nỗ lực lật đổ của phe nổi dậy và liên minh phương Tây do Mỹ dẫn đầu, nhà lãnh đạo này đã giành nhiều chiến thắng quan trọng trên chiến trường và từng bước củng cố vị thế của mình. Nhưng cuộc nội chiến Syria vẫn chưa thể chấm dứt, trong khi đất nước vẫn đang bị chia cắt thành những vùng cực trị do phe nổi dậy và các nhóm khủng bố cai trị.

Cuộc nội chiến ở Syria đã khiến hơn 320.000 người thiệt mạng. Ảnh: Reuters

Khó có thể sớm kết thúc

Các chuyên gia cho rằng, dù bàn đàm phán hòa bình cho Syria đang diễn ra tại thủ đô Astana của Kazakhstan, thực tế cho thấy cuộc xung đột này khó có thể sớm kết thúc. Nhiều chuyên gia cũng nhận định, dù cuộc chiến có chấm dứt, Tổng thống Assad cũng khó có thể giành lại quyền kiểm soát toàn bộ đất nước. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này sẽ có những lợi thế quan trọng.

Trong 5 năm đàm phán khó khăn giữa chính phủ và phe đối lập, vốn được LHQ, Mỹ và Nga đứng trung gian và gần đây nhất là dưới sự hỗ trợ của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, điểm gây tranh cãi là liệu Tổng thống Assad có ra đi hay không. Nhưng giờ đây, điểm khởi đầu lại là vấn đề ông sẽ ở lại nắm quyền như thế nào. Thật sự, kể từ khi Nga tham chiến chống khủng bố ở Syria, vị thế của Tổng thống Assad ngày càng vững chắc.

Syria hiện có thể đang phải đối mặt với một tình huống giống với quốc gia Lebanon láng giềng trong nhiều giai đoạn của cuộc nội chiến 1975-1997. Cuộc chiến này cũng có một số đặc điểm giống Iraq sau Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, khiến chính quyền Tổng thống Saddam Hussein khi đó buộc phải tuyên bố rút quân khỏi Kuwait.

Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế đang cùng nhìn về một hướng trong việc ủng hộ lực lượng chính phủ của ông Assad. Tất cả các nước bên ngoài tham gia giải quyết vấn đề Syria đã điều chỉnh điều kiện tiên quyết (trước đây nhiều nước buộc ông Assad từ chức) để có thể sớm đi đến một thỏa thuận hòa bình cho quốc gia Trung Đông này.

Một nửa dân số tị nạn

Nội chiến Syria bắt đầu vào tháng 3-2011 với những cuộc biểu tình trên khắp Syria, chủ yếu là người Hồi giáo Sunni đa số chống lại Tổng thống Assad và 40 năm nắm quyền của gia tộc Assad bao quanh cộng đồng Alawite thiểu số, một nhánh của Hồi giáo Shiite.

Cũng vào thời điểm đó, các cuộc biểu tình “Mùa xuân Arab” đã lật đổ chính quyền ở Tunisia và Ai Cập và sau đó là Libya và Yemen, hai quốc gia hiện vẫn còn đang khốn đốn trong các cuộc nội chiến kéo dài 6 năm qua. Lúc đó, các nhà lãnh đạo phương Tây bao gồm cả Tổng thống Mỹ Barack Obama dự đoán, chính quyền Tổng thống Assad sẽ nhanh chóng sụp đổ. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này vẫn nắm quyền cho đến nay và đang giành nhiều chiến thắng quan trọng.

Nhưng rồi, thiệt hại do cuộc chiến này gây ra là quá lớn. Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) mới đây ra báo cáo cho biết, cuộc chiến kéo dài 6 năm qua tại Syria khiến 321.358 người thiệt mạng. Trong số này có hơn 96.000 dân thường gồm hơn 17.400 trẻ em và gần 11.000 phụ nữ. Theo Giám đốc SOHR Rami Abdel Rahman, số người thiệt mạng ở Syria không dừng lại nhưng đã ít hơn trong 3 tháng kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn trên toàn quốc Syria do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ có hiệu lực.  Trong khi đó, một nửa dân số Syria phải trốn chạy, gây ra cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất thế giới.

Khả Anh