Tương lai thành phố trên vai của thanh niên
(Cadn.com.vn) - Ngày 26-3, Sở Ngoại vụ phối hợp với Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức chương trình “Đối thoại tháng Ba” giữa lãnh đạo thành phố với đại biểu các tổ chức thanh niên trên địa bàn thành phố. Với chủ đề “Vai trò của thanh niên trong phát triển kinh tế - xã hội”, buổi đối thoại đã diễn ra thẳng thắn và cởi mở, đề cập đến không ít vấn đề nóng của thành phố Đà Nẵng.
Đồng chí Trần Thọ - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng trao đổi với các bạn trẻ trong buổi đối thoại. |
CỐ GẮNG LÀM VÀ LÀM THẬT NHIỀU
* Kết thúc chương trình “Đối thoại tháng Ba”, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng tặng các đại biểu thanh niên 2 cuốn sách: Hồi ký “Gia đình, bạn bè và đất nước” của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và sách “Kỷ yếu Hoàng Sa” của UBND H. Hoàng Sa với thông điệp: Tuổi trẻ thành phố hãy biết quý trọng những giá trị lịch sử và sự hy sinh của thế hệ đi trước; biết khát vọng và đặt khát vọng của mình trong mục tiêu phát triển chung của thành phố; không ngừng sáng tạo, cầu tiến, phát triển bản thân, khẳng định vai trò của mình trong hành trình vừa đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương vừa xây dựng và phát triển của thành phố. |
Tham dự buổi đối thoại, có đồng chí Trần Thọ - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng; đồng chí Võ Công Trí – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, đồng chí Văn Hữu Chiến – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng Nguyễn Bá Cảnh và sự tham gia của lãnh đạo các Ban thuộc Thành ủy, đại diện lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành của thành phố, đại diện lãnh đạo các Quận, Huyện ủy, Đảng ủy trực thuộc Thành ủy và 83 đại biểu thanh niên đến từ tổ chức Đoàn các cấp, các cơ quan tham mưu thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác thanh niên và các tổ chức thanh niên trên địa bàn thành phố.
Mở đầu buổi đối thoại, đồng chí Trần Thọ nói - “Gặp mặt các bạn hôm nay có cả Ban Thường vụ thành phố, giám đốc các sở ban, ngành quan trọng, vì vậy các bạn hỏi thoải mái và chúng tôi trả lời thoải mái”.
Chính sự cởi mở đó của lãnh đạo thành phố đã làm buổi đối thoại trở nên hào hứng và thú vị, khi thanh niên không ngại ngần đề cập đến những chủ trương, chính sách lớn của thành phố. Đỗ Thị Nga – Phó Bí thư đoàn khối chính quyền thành phố bày tỏ sự quan tâm đến chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI), khi Đà Nẵng vừa trở lại vị trí số 1, vậy thành phố phải làm gì để giữ vững thứ hạng này? Đồng chí Trần Thọ kể, lãnh đạo thành phố nhận được nhiều lời chúc mừng, khi Đà Nẵng quay trở lại dẫn đầu CPI cả nước. Thế nhưng cùng với sự phấn khởi thì nỗi lo rất lớn là làm sao giữ được chỉ số CPI trong những năm tiếp theo.
“Năm 2012, chỉ số CPI của Đà Nẵng tuột xuống vị trí 12. Lúc đó lãnh đạo thành phố rất tự ái, mà tự ái ở đây là tự ái cách mạng vì thế thành phố tìm cách khắc phục những điểm yếu kém. Hằng tuần tôi và anh Chiến đều có buổi làm việc với doanh nghiệp và các sở, ban, ngành để lắng nghe và thấu hiểu những khó khăn của doanh nghiệp. Sự thành công của doanh nghiệp chính là sự thành công của thành phố, xác định như vậy nên thành phố luôn hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động. Chỉ số CPI năm 2013 đã ghi nhận những nỗ lực đó. Tuy nhiên, xếp hạng CPI không phải là thắng thua mà quan trọng là giúp doanh nghiệp hoạt động tốt hơn. Hiểu như vậy để biết rằng mình đang ở đâu, để tiếp tục cố gắng và làm- làm thật nhiều” – đồng chí Trần Thọ chia sẻ.
Tuổi trẻ Đà Nẵng nêu câu hỏi với lãnh đạo thành phố tại buổi đối thoại. |
THỔI BÙNG NGỌN LỬA KHÁT VỌNG
Nguyễn Văn Thanh – Bí thư đoàn Q. Hải Châu nêu câu hỏi “Mọi người vẫn thường nói Đà Nẵng là thành phố đáng sống vậy đó chỉ là khẩu hiệu hay là mục tiêu để thành phố phấn đầu?. Trăn trở về vấn đề này, đồng chí Trần Thọ cho rằng, Đà Nẵng chưa thể trở thành thành phố đáng sống. Theo đồng chí Bí thư, thành phố đáng sống là phải làm sao từ trẻ con đến người già được chăm lo chu đáo từ cái ăn, chỗ ở, đi lại, học hành, chữa bệnh, vui chơi giải trí.
Thành phố đáng sống không chỉ là thành phố thanh bình mà phải là thành phố thái bình. “Từ những tiêu chí đó, mình đối chiếu coi Đà Nẵng đã đạt các ngưỡng đó chưa?. Tôi nói là chưa. Trong khi Thái Lan thu nhập bình quân đầu người là 3.900 USD, Philippines là 1.800 USD, thu nhập bình quân đầu người ở Đà Nẵng là 2.600 USD, cao gấp 1,6 lần so với cả nước. Thu nhập của người dân còn thua xa các nước trong khu vực. Về nhà ở, Đà Nẵng vẫn còn 818 ngôi nhà đang xuống cấp, đến mùa mưa cũng lo, nắng cũng lo, bão đến lại càng lo. Nói thành phố đáng sống nhưng vẫn còn có người nghiện ma túy. Thành phố đáng sống không thể có ma túy, không thể có người bỏ học, đói nghèo, ăn xin, tối ngủ lo trộm cắp, còn có người vứt rác bừa bãi. Như thế thì không phải là thành phố đáng sống” – đồng chí Trần Thọ thẳng thắn nhìn nhận.
Rồi ông nhắn nhủ - “Tôi vẫn thích Đà Nẵng trở thành thành phố sống tốt, nhưng muốn được thế thì phải dựa vào thanh niên. Tôi mong các bạn nhân lên sức mạnh, khát khao đóng góp vào những công việc cụ thể để phát triển thành phố. Tương lai của thành phố nằm trên đôi vai của thế hệ trẻ hôm nay”.
Tại buổi đối thoại, tuổi trẻ Đà Nẵng cũng quan tâm đến những chính sách của thành phố để phát huy được sức mạnh thanh niên trong công cuộc xây dựng và phát triển thành phố?. Đà Nẵng có những chính sách hỗ trợ gì cho doanh nghiệp trẻ, cũng như tạo điều kiện để biến ý tưởng kinh doanh trở thành hiện thực?. Trả lời các vấn đề trên, đồng chí Văn Hữu Chiến cho biết, những năm qua các bạn trẻ có nhiều ý tưởng sáng tạo, táo bạo để xây dựng và phát triển thành phố nhưng không phải ý tưởng nào cũng ứng dụng ngay và có hiệu quả được. Để ý tưởng trở thành hiện thực thì ý tưởng phải đi song song với giải pháp để ứng dụng hiệu quả, thiết thực.
Thành phố luôn hỗ trợ, khuyến khích những ý tưởng hay, hiệu quả. Về vấn đề này, đồng chí Võ Công Trí cho biết, thành phố hiện có Quỹ đầu tư phát triển thành phố với vốn ban đầu 120 tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả vay lãi suất thấp hoặc không lãi suất. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng đã lập Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp biến ý tưởng thành hiện thực.
Với những gì diễn ra, buổi đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với thanh niên thật sự hữu ích, trở thành cầu nối để lãnh đạo thành phố và các cơ quan chức năng chia sẻ, lắng nghe, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng và những kiến nghị, phản ánh của thanh niên trong việc tham gia phát triển KT-XH của thành phố. Buổi đối thoại còn mang thông điệp kêu gọi thanh niên tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của thành phố về phát triển KT-XH.
Hoàng Anh