Báo Công An Đà Nẵng

Tượng Mẹ Âu Cơ - người đàn bà và bọc trứng

Thứ tư, 24/08/2022 18:56
Tượng "Mẹ Âu Cơ".

Trên bãi biển tuyệt đẹp này, nơi công viên Biển Đông, từ cầu quay Sông Hàn thẳng ra biển rộng, nhiều du khách trầm trồ với cụm tượng đài màu trắng sáng. Quả trứng khổng lồ và hai bầu ngực căng sữa hiến dâng của người mẹ Việt Nam! Những hình khối đơn giản nhưng được chạm khắc tỉ mỉ, mang biểu tượng về sự sinh sôi nảy nở và cũng mang đậm ý nghĩa về lịch sử, nguồn cội! Đó là tác phẩm hiện đại "Mẹ Âu Cơ" hay "Người đàn bà và bọc trứng" của điêu khắc gia nổi tiếng Lê Công Thành (1932-2019), người con của quê hương Quảng Nam- Đà Nẵng, dựng lên từ năm 2007, nơi đường Phạm Văn Đồng gặp đường Hoàng Sa.

Nhớ lại chuyện 15 năm trước. Như một sự tích. Đúng nửa đêm 30-6-2007, các khối đá trắng tinh khôi được đặt đúng vị trí. Tượng Người đàn bà và bọc trứng- Mẹ Âu Cơ hiển hiện uy nghi bên biển Đông. Trước giờ khắc đó, lúc 18 giờ 30 chiều ngày 30-6-2007 một áng cầu vồng rực rỡ đã xuất hiện vắt ngang biển từ núi - bán đảo Sơn Trà đến Ngũ Hành Sơn!
Tác giả kể rằng, từ nhiều năm trước ông đã vẽ một bức sơn dầu với cảnh trí y hệt như cảnh trí ở đây. Và, bức tượng này, ông cũng sáng tác từ lâu, giữa những năm 80. Một số bạn nước ngoài có yêu cầu phóng lớn bằng đồng để đem về đặt ở Pháp hay Ý. Nhưng ông tin rằng, có một sự linh báo huyền nhiệm là chỉ có thể dựng bức tượng này ở nơi ông sinh ra, dù đất tổ Phú Thọ, Hải Phòng và Vũng Tàu cũng đã đề nghị đặt tượng này.

Điêu khắc gia Lê Công Thành.

Nhà điêu khắc Lê Công Thành sinh năm 1932 tại Hải Châu, Đà Nẵng. Nhập ngũ năm 18 tuổi, viết bài và vẽ minh họa cho báo Quân đội đến năm 1954, sau đó tập kết ra Bắc.

Lê Công Thành thuộc thế hệ thứ hai, sau thế hệ Trường cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương. Từng được cử đi học mỹ thuật cùng khóa với danh họa Tô Ngọc Vân (1955-1957), rồi trở thành sinh viên duy nhất trong lớp Ðiêu khắc khóa I của Trường cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1957-1962). Sau đó, ông làm giảng viên Trường Trung cấp Mỹ thuật Công nghiệp (Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp). Thực tập điêu khắc tại Học viện Nghệ thuật Surikov (Moscow, Liên Xô) từ 1968-1970. Năm 1975, ông thôi công việc dạy học, chuyển về sáng tác tự do và sinh hoạt trong tổ sáng tác của Hội Mỹ thuật.

Là nhà điêu khắc lớn của đất nước, sớm nổi tiếng tài năng từ thập niên 70 của thế kỷ trước, những tác phẩm đặc sắc trong thời kỳ ấy của ông như Nữ dân quân (1969); Bác Hồ và các cháu (1972); Hồ Xuân Hương (1972); Bầu trời Hà Nội tháng 12-1972; Vân dại (1973); Bà má nghiền trầu (1973);...

Với quê nhà Quảng Nam- Đà Nẵng, năm 2007, nhà điêu khắc Lê Công Thành trở về quê hương, tự khảo sát vị trí, mặt bằng kiến trúc, tự lên kế hoạch và thi công thực hiện tượng đài "Mẹ Âu Cơ", hoàn thành chỉ trong một tháng rưỡi. Trước đó, năm 1987, nhà điêu khắc Lê Công Thành thực hiện một công trình lớn tại Quảng Nam: Tượng đài Chiến thắng Núi Thành - một sự kiện lịch sử có ý nghĩa lớn. Tượng đài được đặt trên một ngọn đồi cao 43 mét so với mặt nước biển, với những hình khối được chạm trổ công phu. Năm 2010, công trình này được tôn tạo thêm một số hạng mục khác để hoàn thiện hơn.

Ngoài điêu khắc, ông cũng dành thời gian cho hội họa. Năm 2017, triển lãm Tranh giấy Lê Công Thành tại Hà Nội cũng thu hút được sự quan tâm của nhiều khán giả, người trong nghề.

Trung tuần tháng 7-2018, một triển lãm khác của nhà điêu khắc Lê Công Thành cũng được tổ chức tại Hà Nội với tên gọi 3.3.3. Nhà tổ chức chọn 3 phác thảo điêu khắc bằng kim loại để thể hiện thành 9 tác phẩm theo kích thước từ nhỏ đến trung bình và lớn, thể hiện đậm đặc tinh thần sáng tạo của ông. Tuy nhiên, nhà điêu khắc không thể có mặt trong triển lãm này vì sức khỏe yếu.

Điêu khắc gia tài năng Lê Công Thành đã tham gia nhiều triển lãm Quốc tế: Riga, Latvia 1979, Hong Kong 1991, Pháp 1997 và 2004, Hàn Quốc 2007, ngoài triển lãm với họa sĩ Nguyễn Kim Thái, vợ của ông năm 2008 và hai triển lãm tranh cá nhân 2017, 2018 tại Hà Nội. Ông được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật đợt một…

Nhà điêu khắc từng chia sẻ về đề tài người phụ nữ trong sáng tác của ông: "Tôi không biết nói, chỉ biết nặn mà thôi. Tôi chỉ biết dùng đôi bàn tay ra hiệu, đôi bàn tay chân thật để vỗ về. Tôi chỉ có thể nói một câu: Tôi không phải là một nghệ sĩ đi nặn vẽ đàn bà khỏa thân trần trụi. Mà vì nhờ đàn bà mà tôi trở thành một con người nghệ sĩ theo nghĩa làm Người".

Đây là một đoạn trong bài thơ tâm sự của tác giả Lê Công Thành viết về công trình dựng bức tượng đặc biệt này: "Ngày 30 tháng 6/Con về đây xây tượng Mẹ/Lưng Mẹ tựa vào con/Mắt Mẹ nhìn ra biển/Ôm một bọc trứng tròn/Chờ đến ngày sinh nở…"!

Lê Hoành Phò