Báo Công An Đà Nẵng

Tuyên án các bị cáo trong đường dây “tín dụng đen” hơn 20.000 tỷ đồng do người Trung Quốc cầm đầu

Thứ sáu, 26/04/2024 08:05
3 bị cáo người Trung Quốc tại phiên tòa.

Theo cáo trạng, năm 2018, Lu Wang, Li Xiao Hu, Wu Jian Chao và nhiều đối tượng quốc tịch Trung Quốc khác (hiện đã xuất cảnh khỏi Việt Nam) đến Việt Nam để tổ chức hoạt động cho vay lãi nặng thông qua các app (ứng dụng) trên điện thoại di động hoặc các đường link website do chúng tạo ra.

Để điều hành đường dây, nhóm đối tượng chủ mưu người Trung Quốc thuê và chỉ đạo Nguyễn Chánh Thiên (1993, trú TP HCM) thu mua nhiều công ty hoạt động trên lĩnh vực cầm đồ, sau đó nhờ Lý Xương Bành (1995), Phạm Xuân Trường (1995), Lý Ngọc Ngân (1999, cùng trú TP Hồ Chí Minh) đứng tên hoạt động “tín dụng đen”. Ngoài ra, Thiên cấu kết với Cao Văn Trung (1987, trú TP Tam Kỳ, Quảng Nam), Trần Văn Lượng (1988, trú TP HCM) làm việc trong các công ty trung gian thanh toán gồm: Công ty CP thanh toán G (G PAY), Công ty CP Thanh Toán Điện Tử VNPT (VNPT EPAY), Công ty CP AppotaPay (APPOTA PAY) để ký kết các hợp đồng thu hộ, chi hộ tiền vay trái với quy định của pháp luật nhằm che giấu hành vi phạm tội.

Trong quá trình hoạt động, các đối tượng sử dụng hàng ngàn tài khoản ngân hàng để luân chuyển dòng tiền qua lại nhằm mục đích rửa tiền, sau đó chuyển tiền trái phép ra khỏi lãnh thổ Việt Nam bằng “tiền ảo” mua USDT trên sàn giao dịch Binance và kênh chuyển tiền bất hợp pháp. Qua điều tra xác định, từ năm 2018 đến tháng 7-2023, các đối tượng đã tổ chức cho hơn 1 triệu người trên toàn quốc vay lãi nặng với tổng số tiền lên đến hơn 20.000 tỷ đồng, tổ chức rửa tiền và chuyển tiền thu lợi bất chính trái phép ra khỏi Việt Nam với số tiền hơn 5.000 tỷ đồng.

Nhóm người Trung Quốc chỉ đạo nhóm người Việt tuyển nhiều nhân viên cho các công ty “ma” và lập nhóm Zalo trong đó có các nhân viên để tiến hành công việc nhắc nợ, thu hồi nợ cho các công ty cho vay thông qua các ứng dụng do chúng tạo ra. Nhân viên làm nhiều công việc khác nhau nhưng đa số làm tại bộ phận thẩm định hồ sơ tín dụng (xét duyệt hồ sơ vay) và nhắc phí tín dụng (thu hồi nợ). Hằng ngày, nhân viên sau khi thu hồi được nợ từ khách hàng sẽ gửi biên lai thanh toán của khách hàng lên nhóm Zalo để đối tượng người Trung Quốc kiểm định phê duyệt trên hệ thống. Chu kỳ áp dụng cho mỗi gói vay là 7 ngày với lãi suất từ 38% đến 45% (tương ứng lãi suất từ 1.981% đến 2.346%/năm). Đến kỳ hạn thì phải trả đủ số tiền vay, nếu trễ hạn mỗi ngày sẽ tính lãi thêm từ 8% đến 10%.

Khi người vay tiền không trả đúng hẹn thì nhóm đối tượng người Trung Quốc chỉ đạo các nhân viên sử dụng ứng dụng Zalo, Zoiper để liên hệ nhắc nợ, thu hồi nợ khách hàng vay tiền trên các App vay. Trong quá trình thu hồi nợ, nhân viên có lời lẽ đe dọa, vu khống, xúc phạm, bôi nhọ danh dự của các khách hàng vay tiền và sử dụng hình ảnh cắt ghép bao gồm: hình ảnh khách hàng (hình chân dung); hình ảnh CCCD mặt trước của khách hàng; hình ảnh có nội dung đồi trụy; ngoài ra có dòng chữ cảnh báo lừa đảo… để khách hàng vay tiền lo sợ và thanh toán các khoản vay trên các App vay tiền.

Xét toàn diện hồ sơ vụ án, HĐXX TAND tỉnh Quảng Nam tuyên phạt các bị cáo: Lu Wang tổng cộng 12 năm 9 tháng tù; Wu Jian Chao 11 năm 3 tháng cùng về 2 tội danh: “Rửa tiền”, “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và Li Xiao Hu 18 tháng tù về tội: “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Các bị cáo: Nguyễn Chánh Thiên bị phạt 12 tháng tù; Lý Xương Bành, Phạm Xuân Trường, Cao Văn Trung, Trần Văn Lượng cùng mức án 11 tháng tù và Lý Ngọc Ngân 9 tháng tù đều về tội: “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Đối với các bị cáo còn lại là nhân viên của các công ty “ma”, bị HĐXX tuyên từ 9 tháng đến 18 tháng tù và 1 bị cáo được hưởng án treo. Ngoài ra, các cơ quan tố tụng đang hoàn tất hồ sơ để xét xử giai đoạn 2 vụ án này đối với 70 bị cáo liên quan.

LÊ VƯƠNG