Báo Công An Đà Nẵng

Tuyên chiến với hủ tục “cầm đồ thuốc độc”

Thứ sáu, 24/08/2018 09:50

Thời gian gần đây, tại xã Sơn Kỳ, huyện miền núi Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi lại nổi lên tình trạng nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc”. Không ít người thân ruột thịt chỉ vì hủ tục này đã thù hận, nghi kỵ trừ khử nhau. Lực lượng CAH Sơn Hà và chính quyền địa phương kịp thời vào cuộc ngăn chặn không để xảy ra điểm nóng, mất ANTT tại địa phương.

Anh em Đinh Văn Ría và Đinh Văn Nhỉ bắt tay hòa giải mâu thuẫn. 

Tuy là anh em ruột nhưng ông Đinh Văn Ría (64 tuổi, trú thôn Tà Gầm, xã Sơn Kỳ, H. Sơn Hà) lại nghi kỵ anh ruột mình là ông Đinh Văn Nhỉ (66 tuổi, trú cùng thôn) có “cầm đồ thuốc độc” hại chết người. Đỉnh điểm là mới đây, từ việc mất trộm buồng cau, ông Ría cho rằng nhiều lần ông Nhỉ “cúng ém” hại mình. Cũng vì nghi kỵ này mà anh em ông Ría-Nhỉ không nhìn mặt nhau suốt nhiều năm. Vụ việc không chỉ nội bộ gia đình mà còn gây ảnh hưởng đến tình hình ANTT tại địa phương. Quá lo lắng, ông Đinh Văn Nhỉ phải trình báo cơ quan CA và cho biết: “Tôi có biết cúng ém chết người gì đâu. Không hiểu sao người em lại nghi tôi có đồ độc. Dần dần cả làng đều nghi tôi hại chết người. Tôi báo vụ việc đến CA, chính quyền nhờ cứu giúp, không để người ta đánh đập, sát hại tôi”.

Hay trường hợp ông Đinh Văn Phả (39 tuổi, trú thôn Làng Rê, xã Sơn Kỳ) bị xóm làng nghi kỵ cho rằng có “cầm đồ thuốc độc”. Trong một lần uống rượu, ông Đinh Văn Phả nói ông Đinh Văn Hia (trú cùng thôn) rằng: “Giờ này mà già chưa chết, chết già khó nhai lắm”. Từ câu nói này, gia đình ông Hia cho rằng ông Phả có “đồ độc”, “trù” cho ông Hia chết nên thường xuyên hăm dọa ông Phả. Mặc dù ông Phả đã nhiều lần xin lỗi, nhưng gia đình ông Hia vẫn tìm đến nhà đánh ông Phả và đập phá tài sản. Lo sợ, ông Phả trốn khỏi nhà ra chòi ruộng ngủ. Mặc dù Ban Cán sự thôn vận động, giải thích, hòa giải nhưng gia đình ông Hia vẫn không bỏ qua, nhất mực cho rằng ông Phả có “đồ độc”. Ông Đinh Văn Riễu - Trưởng CAX Sơn Kỳ cho biết: “Ông Phả thường uống rượu say, đi đêm, phát ngôn bừa bãi gây hiểu nhầm, làm phát sinh mâu thuẫn giữa một số người dân trong thôn với bản thân ông. Theo phong tục của người địa phương thì những câu nói của ông Phả làm cho người dân nghi ông có đồ độc hại người”. Trước những vụ nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” trên, CAH Sơn Hà đã tăng cường cán bộ an ninh xuống địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền không để vụ việc thành điểm nóng kéo dài.

Theo cách nghĩ của người dân miền núi Quảng Ngãi, “đồ độc” là một vật gồm các tạp vật. Muốn hại người khác thì dùng “đồ độc” đụng vào người hoặc đem chôn gần người bị hại và nguyền rủa. Những năm trước đây, trên địa bàn Sơn Hà xảy ra nhiều vụ nghi kỵ cầm đồ thuốc độc làm chết nhiều người. Thực tế cho thấy, nhiều vụ nghi kỵ cầm đồ thuốc độc do không ngăn chặn kịp thời nên xảy ra án mạng. Ông Đinh Văn Quân - Chủ tịch UBND xã Sơn Kỳ, H. Sơn Hà cho biết: “Vấn đề nghi kỵ cầm đồ thuốc độc trong đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Sơn Kỳ thường xảy ra suốt nhiều năm qua. Do người dân nhận thức thấp, không có việc làm. Do uống rượu thường xuyên, từ chỗ say xỉn thì dẫn tới nói năng không đúng chỗ, trọng tâm. Có cả người thân trong gia đình nghi kỵ lẫn nhau”.

 CAH Sơn Hà tuyên truyền cho người dân loại bỏ hủ tục.

Theo Trung tá Hồ Thanh Vĩnh - Đội trưởng Đội An ninh CAH Sơn Hà, tệ nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” xảy ra thì không chừa bất kỳ ai, kể cả người thân, anh em trong gia đình. Hệ lụy ở đây, nếu chúng ta không kịp thời ngăn chặn, giải quyết mâu thuẫn thì việc đoạt mạng, xâm hại sức khỏe, tài sản rất dễ xảy ra. Vì thế lực lượng An ninh CAH kịp thời tham mưu lãnh đạo đơn vị, chính quyền địa phương nắm chắc tình hình, xác minh nguyên nhân, làm rõ nguyên nhân vì sao thì có như thế mới giải quyết dứt điểm.

Theo Thiếu tá Đinh Văn Pha - Phó trưởng CAH Sơn Hà cho biết: Nguyên nhân là do mâu thuẫn, tranh chấp nhau, dẫn đến người này đồn, vu cho người kia có đồ độc để bà con cô lập họ. Hay có người ốm đau đi coi bói, thầy mo phán rằng có người “cầm đồ thuốc độc” hại mình... Vì vậy, trong quá trình xử lý vụ việc, đơn vị chỉ đạo CAX phải tìm đúng nguyên nhân và chọn khâu mấu chốt để giải thích cho người dân hiểu rõ là không có “cầm đồ thuốc độc”, đảm bảo tính khách quan, khoa học, hợp lý. “Chúng tôi vận động những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, quần chúng tích cực để phối hợp tuyên truyền, vận động. Những người có dụng ý xấu, tung tin với mục đích cô lập người khác, làm lợi cho cá nhân mình, chúng tôi đưa ra kiểm điểm trước dân và xử lý hành chính nên tệ nạn này ở Sơn Hà giảm nhiều” - Thiếu tá Đinh Văn Pha chia sẻ.

T.Sự