Báo Công An Đà Nẵng

Tuyên chiến với sâm giả

Thứ tư, 02/08/2017 12:47

Đã qua rồi cái thời "hiếm như sâm", nay chỉ cần có tiền là có người mời chào sâm đến tận nhà. Là loại thuốc quí nhưng giờ đây sâm lại có nhiều mức giá. Thời gian qua, trước thông tin sâm Ngọc Linh (Quảng Nam) có giá hàng trăm triệu đồng trở nên đắt hàng đã xuất hiện tình trạng trà trộn, làm giả sâm Ngọc Linh khiến nhiều người tiền mất tật mang khi mua phải sâm Ngọc Linh kém chất lượng.

Vườn sâm trên sườn núi Ngọc Linh. 

Khi sâm giả gắn mác sâm Ngọc Linh

Thâm nhập thực tế, không khó để tìm ra những đầu nậu chuyên cung cấp sâm. Những loại sâm này đa phần đã được ngâm rượu để bày bán với lời quảng cáo là sâm tự nhiên bán non nên có giá rẻ hơn so với sâm có tuổi đời cao. Tuy nhiên, đây chỉ là chiêu qua mắt "thượng đế". Thực tế, sâm Ngọc Linh tự nhiên hầu như không còn mà chủ yếu là sâm do đồng bào hoặc của công ty Sâm Ngọc Linh trồng. Và những loại sâm này muốn thu hoạch cũng phải từ 5-7 năm. 1 hũ sâm ngâm 3-4 lít rượu với hình thức bắt mắt giá cả lại khá hời nên những trang buôn sâm mọc lên như nấm. Chỉ cần một cú click trên mạng internet là đã cho ra hàng chục trang bán sâm khác nhau mà không chịu bất kỳ sự kiểm duyệt nào. Từ thông tin trên trang Bán sâm bổ dưỡng, tôi được quảng cáo hàng chục loại dược liệu ngâm rượu đặc sản xứ Quảng. Theo đó trang này chuyên cung cấp các loại sâm cau, củ đinh lăng, ba kích, sâm Ngọc Linh với cam kết hàng chính hãng. Theo quan sát những củ "sâm" này đã được ngâm mật ong hoặc ngâm rượu và giá cũng rất rẻ.

Nếu như sâm Ngọc Linh chính hãng có giá 30-40 triệu đồng/kg thì những loại sâm gán mác sâm Ngọc Linh được bày bán trên mạng chỉ có giá 1 -2 triệu/g đã ngâm rượu. Cũng chính vì đã ra thành phẩm nên người mua chỉ dựa vào mắt thường quan sát chứ không thể nhận biết cụ thể vị sâm hay chất lượng củ sâm. Tìm đến T., một người bạn quê gốc Nam Trà My - Quảng Nam, người đồng bào Ca dong nên rất am hiểu về loại sâm này, tôi mới biết thêm về cách phân biệt sâm thật mà không phải ai cũng biết. Theo T., đa phần trên thị trường hiện nay nếu bày bán với số lượng nhiều như vậy thì 90% là sâm giả. Loại sâm giả thường là  sâm Vũ Diệp hoặc củ Tam thất hoang. Tuy cùng họ nhân sâm nhưng so với giá trị, tác dụng bồi bổ cơ thể kém hơn so với sâm Ngọc Linh rất nhiều. Giá trị thực của những loại bán sâm này chỉ vài trăm nghìn/kg, tuy nhiên những người không rành về sâm thì nhìn qua khá giống nhau, khó phân biệt. "Nguy hiểm nhất là khi mua phải sâm giả từ cây thuộc họ Ráy. Những loài thuộc họ ráy này nếu bị héo, người mua lại càng khó phân biệt bởi hình dáng bên ngoài hoàn toàn giống với sâm Ngọc Linh thật. Tuy nhiên loại này vô cùng nguy hại, không những không có tác dụng bồi bổ cơ thể mà còn dễ khiến môi miệng bị phồng rộp", T.cảnh báo. T. bật mí "chiêu" để "bóc mẽ" sâm Ngọc Linh nhái nhanh nhất đó là thử bằng tay. Vỏ ngoài của củ sâm Ngọc Linh bao giờ cũng mỏng và nhẵn, không xù xì, trong khi các loại sâm giả thường rất dày.

Một củ sâm Ngọc Linh chính hiệu.

Chính quyền vào cuộc

Trước thực trạng Sâm Ngọc Linh giả trà trộn trên thị trường,  tỉnh Quảng Nam đang kiểm tra, rà soát và phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường chống nạn buôn bán sâm Ngọc Linh giả. Theo ban Chỉ đạo 389  chống buôn lậu, gian lận thương mại Quảng Nam, thời gian qua đã xuất hiện tình trạng kinh doanh hàng hóa giả sâm Ngọc Linh trên thị trường nhất là qua mạng xã hội. Việc buôn bán các loại củ giả danh sâm Ngọc Linh đã gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người tiêu dùng, ảnh hưởng tiêu cực đến xây dựng thương hiệu của sản phẩm sâm Ngọc Linh.

Theo ông Ngô Tấn-Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, thành viên Ban Chỉ đạo 389 Quảng Nam cho biết, sâm Ngọc Linh của Quảng Nam đã trở thành sản phẩm quốc gia. H. Nam Trà My và tỉnh Quảng Nam đang tích cực đẩy mạnh tên tuổi của sâm Ngọc Linh đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Chính vì vậy mà trong thời gian tới công tác đảm bảo thị trường sâm ổn định sẽ được đặt lên hàng đầu. "Sở NN&PTNT đã giao trách nhiệm cho Chi cục Kiểm lâm phối hợp với H. Nam Trà My vào cuộc quản lý, ngăn ngừa, đấu tranh chống nạn buôn bán sản phẩm củ giả danh sâm Ngọc Linh. Hiện nay việc truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, kiểm định chất lượng của sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Nếu chỉ nhìn mắt thường thì chưa thể phân biệt ngay được sâm giả. Các loại củ có hình dáng giống sâm Ngọc Linh rất nhiều và đa dạng. Khi nghi ngờ sản phẩm giả sâm Ngọc Linh, lực lượng không thể test nhanh để kết luận ngay được". Để giải quyết vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn cho biết đã giao trách nhiệm cho công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, điều tra, phát hiện, lập chuyên án đấu tranh và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các đường dây, tụ điểm sản xuất, kinh doanh, vận chuyển các sản phẩm giả sâm Ngọc Linh. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT cùng phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý nguồn giống sâm Ngọc Linh trên địa bàn, tăng cường thanh tra, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận nguồn giống cho các vườn trồng sâm. Từ đó làm cơ sở để xử lý những đối tượng những cơ sở không có giấy chứng nhận nguồn gốc sâm rõ ràng.

Đồng Dao