Báo Công An Đà Nẵng

Tuyển sinh Đại học 2024: Giữ ổn định phương thức tuyển sinh

Thứ sáu, 29/12/2023 15:51

Chỉ điều chỉnh về tỷ lệ chỉ tiêu cho các phương thức

Năm 2024, Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh dự kiến tuyển sinh 2.100 sinh viên và giữ ổn định hai phương thức xét tuyển như năm trước, chỉ điều chỉnh về tỷ lệ chỉ tiêu cho các phương thức. Trong đó, phương thức tuyển 1 là xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển sớm với 45% tổng chỉ tiêu. Trường dành 55% chỉ tiêu tuyển sinh cho phương thức 2 là xét điểm thi tốt nghiệp (năm 2023 là 60%). Diện xét tuyển thẳng ở phương thức 1 thực hiện theo quy định của Bộ GD-ĐT; xét tuyển sớm sẽ xét chọn hai nhóm đối tượng, gồm: thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và thí sinh thuộc trường THPT nằm trong danh sách ưu tiên của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Hiện tuyển sinh theo phương thức 1 chưa hết chỉ tiêu, số chỉ tiêu còn lại sẽ được chuyển sang phương thức 2; hoặc phương thức 1 tuyển dư chỉ tiêu (tối đa không quá 5%) sẽ điều chỉnh giảm chỉ tiêu của phương thức 2 tương ứng với số chỉ tiêu tuyển vượt của phương thức 1.

Tương tự, năm 2024, Trường ĐH Công thương TP Hồ Chí Minh giữ ổn định phương án tuyển sinh như năm 2023; chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến là 6.500, tăng 200 chỉ tiêu so với năm trước. Trong đó, trường xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT từ 50 - 60% chỉ tiêu; phương án xét tuyển bằng học bạ từ 20 - 30% chỉ tiêu với mức điểm xét tuyển là từ 20 điểm trở lên; xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh với mức điểm là từ 650 điểm (cho các ngành: Công nghệ thực phẩm, Công nghệ thông tin, Marketing và Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc) và 600 cho các ngành khác (chiếm từ 10 - 15% chỉ tiêu); xét tuyển thẳng tối đa 10% chỉ tiêu…

Đáp ứng nhu cầu nhân lực và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội, nhiều trường dự kiến mở thêm ngành đào tạo mới và tuyển sinh từ năm tới. Đơn cử, Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh dự kiến có 7 ngành mới trong mùa tuyển sinh 2024, gồm ngành: Kinh tế số, Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, Kỹ thuật nhiệt, Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ thẩm mỹ và Công nghệ tài chính.

ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh mở một số chương trình đào tạo mới, liên ngành, liên trường phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước như ngành: Công nghệ bán dẫn - thiết kế vi mạch, Công nghệ năng lượng mới, Các mô hình tăng trưởng xanh.

Nhiều trường sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực để tuyển sinh

Các mùa tuyển sinh những năm gần đây cho thấy, sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực để tuyển sinh vẫn tiếp tục trở thành xu hướng lựa chọn của hầu hết các trường ĐH. Hiện nay, Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh là một trong những kỳ thi riêng có quy mô lớn nhất cả nước, được nhiều trường sử dụng kết quả để tuyển sinh. Từ phân tích phổ điểm thi của các thí sinh cũng như thực hiện đối sánh kết quả học tập của sinh viên nhập học bằng phương thức đánh giá năng lực với các phương thức nhập học khác ở các trường thành viên, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh đánh giá, những năm qua, kỳ thi đã thu hút nhóm thí sinh có năng lực học tập tốt; điểm trung bình tích lũy của nhóm sinh viên nhập học bằng phương thức này cũng cao hơn đáng kể so với một số phương thức khác. Kỳ thi không chỉ giúp ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh và các trường ĐH, CĐ trong cả nước tuyển chọn được những sinh viên chất lượng mà còn góp phần định hướng tốt hơn cho học sinh các trường THPT trong việc học tập và rèn luyện các năng lực…

Theo Bộ GD-ĐT, công tác tuyển sinh ĐH năm học 2023 - 2024 của các trường đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên vẫn còn trường có quá nhiều phương thức, phương án xét tuyển phức tạp; nhiều nơi chưa đảm bảo công bằng, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, khó khăn cho thí sinh và hệ thống. Vì thế, các trường cần có nghiên cứu và điều chỉnh trong công tác tuyển sinh trong những năm tới, tránh làm cho các phương thức tuyển sinh trở nên phức tạp, rắc rối đối với thí sinh.

T.H-BT