Báo Công An Đà Nẵng

Tuyên truyền phòng chống dịch bệnh phù hợp, không gây hoang mang cho người dân

Thứ năm, 19/05/2016 10:18

(Cadn.com.vn) - Ngày 18-5, tại Đà Nẵng, Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức hội thảo báo chí về phòng chống dịch bệnh do virus Zika và các dịch bệnh mùa hè. Hội thảo do tiến sĩ Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, chủ trì với sự tham dự của đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí, truyền thông các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Đánh giá về tình hình dịch bệnh do virus Zika trên thế giới và khuyến cáo của WHO về phòng chống bệnh do virus Zika, ông Emmanuel Eraly, chuyên gia truyền thông của Văn phòng WHO tại Hà Nội cho biết: Bệnh do virus Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính chủ yếu do muỗi  Aedes truyền, có thể lây truyền qua đường tình dục, đường máu và từ mẹ sang con. Một số biểu hiện của bệnh là: sốt, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp, đau cơ, mệt mỏi, đau đầu. Theo khẳng định của WHO thì dịch bệnh do virus Zika là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế, còn Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (USCDC) đã khẳng định virus Zika gây ra chứng đầu nhỏ cũng như một số biến chứng nghiêm trọng khác về não ở trẻ nhỏ.

Theo WHO, từ đầu năm 2007 đến tháng 5-2016 đã ghi nhận 70 quốc gia và vùng lãnh thổ có sự lưu hành hoặc có sự lây truyền virus Zika. Tại Việt Nam đã phát hiện 2 trường hợp xét nghiệm dương tính với virus Zika tại Khánh Hòa và TP HCM, đây là hai trường hợp mắc bệnh riêng lẻ; kết quả giám sát các người nhà và các hộ xung quanh không phát hiện trường hợp khác nhiễm virus Zika.

Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, chuyên gia truyền thông của WHO trao đổi, trả lời báo chí.

Về các biện pháp triển khai phòng chống dịch, đại diện Cục Y tế Dự phòng cho biết: Ngay sau khi phát hiện có dịch, Bộ Y tế đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố triển khai việc khoanh vùng, xử lý ổ dịch. UBND tỉnh Khánh Hòa và TPHCM đã công bố dịch bệnh do virus Zika quy mô xã, phường. Bộ Y tế cũng đã triển khai các biện pháp phòng bệnh đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình dịch bệnh và các biện pháp triển khai, xử lý dịch; tổ chức phát động chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng chống bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết (SXH)”; thành lập 8 đoàn công tác kiểm tra, giám sát tại các địa phương và thành lập 4 đội cơ động phòng chống dịch thường trực. Nhiều hoạt động phòng chống dịch được triển khai rộng rãi trong cộng đồng như: phun hóa chất diệt muỗi, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp mắc mới; hướng dẫn cho phụ nữ có thai khám định kỳ; theo dõi chặt chẽ quần thể muỗi trong khu vực gần nơi người bệnh sinh sống; giám sát chặt chẽ hành khách tại cửa khẩu; cập nhật các tài liệu chuyên môn trong công tác giám sát, xử lý ổ dịch...

Trong công tác truyền thông, Cục Y tế dự phòng và cơ quan liên quan đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch; khuyến cáo người dân không hoang mang, tránh đi xét nghiệm khi không cần thiết và thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân, gia đình và cộng đồng; tập trung truyền thông cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao như: phụ nữ có thai hoặc dự định có thai, khách du lịch...; phối hợp chặt chẽ với WHO, USCDC và các tổ chức quốc tế khác để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, đồng thời hỗ trợ các nguồn lực trong phòng chống dịch bệnh.

Tại hội thảo, đại diện Cục Y tế dự phòng đã thông báo tình hình bệnh dịch mùa hè và các khuyến cáo đối với người dân về công tác phòng chống dịch bệnh. Trong đó một số bệnh phổ biến như: cúm, tiêu chảy, tay chân miệng, SXH, viêm não do virus, thủy đậu, lỵ trực tràng..., khu vực miền Trung, Tây Nguyên mặc dù tỷ lệ mắc bệnh không cao so với miền Bắc và miền Nam nhưng cũng cần lưu ý các nguy cơ dịch bệnh bùng phát trong mùa hè do các nguyên nhân: Không đảm bảo an toàn thực phẩm làm tăng  nguy cơ  mắc các bệnh về đường tiêu hóa; điều kiện thời tiết, khí hậu diễn biến thất thường khiến muỗi và các vec-tơ truyền bệnh phát sinh tăng  nguy cơ mắc các bệnh do vec-tơ truyền; sự tập trung đông người ở các điểm vui chơi, giải trí, du lịch... làm lây truyền bệnh.

Trao đổi về phương thức truyền thông, tiến sĩ Trương Đình Bắc đề nghị các cơ quan báo chí phải cân đối thông tin, không gây hoang mang cho người dân; cần làm cho cộng đồng hiểu tình hình thực sự của dịch bệnh do virus Zika và nhấn mạnh các phương pháp phòng ngừa hiệu quả. “Không phải ai có thai cũng đi xét nghiệm mà chỉ những phụ nữ trong vùng có dịch, có biểu hiện triệu chứng mới cần xét nghiệm xem có nguy cơ mắc bệnh do virus Zika không...”, ông Bắc nói.

Về các bệnh mùa hè, nhất là bệnh SXH rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao, TS Trương Đình Bắc khuyến cáo người dân các biện pháp phòng chống như: ngủ trong màn, không để nhiệt độ điều hòa quá thấp; thực hiện ăn chín, uống chín, đảm bảo VSATTP; tăng cường vệ sinh cá nhân, nhà cửa, thường xuyên rửa tay với xà phòng; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; tăng cường diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy; đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ; khi có biểu hiện mắc bệnh truyền nhiễm cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Đối với các bệnh đã có vaccine tiêm chủng là những bệnh rất nguy hiểm như viêm não Nhật Bản, cần tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch, không tự ý điều trị tại nhà.

K.T