Tuyên truyền, vận động xóa bỏ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
(Cadn.com.vn) - Lộc Bảo là một xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn của H. Bảo Lâm (Lâm Đồng). Toàn xã có 95% dân số là đồng bào dân tộc Mạ sinh sống. Nạn tảo hôn tại địa phương đã diễn ra từ lâu nay. Những năm gần đây, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại Lộc Bảo nhìn chung có giảm. Tuy nhiên, theo thống kê trong 5 năm trở lại đây, toàn xã có 30 cặp vợ chồng tảo hôn và 3 cặp hôn nhân cận huyết thống. Đáng chú ý là đa số các cặp tảo hôn có tuổi đời chỉ khoảng từ 14 - 16 tuổi. Nguyên nhân của tình trạng này là do trình độ dân trí và ý thức pháp luật của người dân còn hạn chế, công tác tuyên truyền còn bất cập và sự vào cuộc của chính quyền địa phương đối với tình trạng tảo hôn chưa kiên quyết. Theo Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Lộc Bảo Ka Sen, thực tế cho thấy không chỉ những người dân mà cả trong những gia đình cán bộ, đảng viên và lãnh đạo xã, thôn cũng xảy ra tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Tương tự, tại thôn Diom A, xã Lạc Xuân (huyện Đơn Dương) có trên 200 hộ dân người Chu Ru. Bên cạnh những giá trị văn hóa đặc sắc được bảo tồn và phát huy, trong cộng đồng dân cư ở đây vẫn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu như tục thách cưới, tục nối dòng, mê tín dị đoan... Đặc biệt, tục tảo hôn vẫn còn tồn tại từ nhiều năm nay. Bà Touneh Hàn Kim Mai (thôn Diom A, Lạc Xuân) trăn trở, nhiều bạn trẻ mới 16 - 17 tuổi đã kết hôn rồi. Nguyên nhân là do họ chưa biết được Luật hôn nhân và gia đình quy định nam từ 20 tuổi và nữ 18 tuổi trở lên mới được kết hôn. Ngoài ra, một nguyên nhân khác là hiện nay nhiều bạn trẻ tiếp cận với mạng xã hội, với internet nên ảnh hưởng đến nhận thức và suy nghĩ của bản thân. Trước thực trạng trên, tại hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng với đại biểu các dân tộc thiểu số Lâm Đồng diễn ra chiều 11-11, nhiều đại biểu đã bày tỏ trăn trở về vấn đề đẩy lùi hủ tục lạc hậu này. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có giải pháp hiệu quả để giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, cần tập trung tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của bà con trong vùng thông qua các tài liệu, sản phẩm tuyên truyền cụ thể hoặc xây dựng mô hình điểm tại những địa bàn có tỷ lệ tảo hôn cao để tuyên truyền tại các hội nghị nhằm xoá bỏ các tập tục lạc hậu này. Ông Nguyễn Trọng Ánh Đông, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong thời gian qua, vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống chưa được địa phương quan tâm đúng mức và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên vẫn còn phổ biến như hiện nay. Trong thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc cùng với các cơ quan, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ tục tảo hôn, qua đó góp phần xây dựng nếp sống văn minh, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Nguyễn Dũng