Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong công tác bảo đảm ATGT cho học sinh
Tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Bộ Công an, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cho biết công tác bảo đảm TTATGT nói chung, bảo đảm ATGT cho học sinh trong 10 tháng đầu năm 2023 đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần bảo đảm TTATXH, phục vụ nhiệm vụ phát triển KT-XH của đất nước. Tuy nhiên, tình hình TTATGT và đặc biệt là TNGT liên quan đến học sinh trong thời gian qua vẫn còn diễn biến phức tạp.
Cụ thể, trong 10 tháng qua, tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về TTATGT diễn ra phổ biến, nhất là hiện tượng học sinh THCS, THPT đi học bằng phương tiện xe máy điện, xe máy, xe mô-tô không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng…, thậm chí không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, người trhi hành công vụ, đã làm gia tăng nguy cơ gây ra TNGT.
Đơn cử, trong 10 tháng đầu năm qua, toàn quốc đã xảy ra 881 vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến học sinh (độ tuổi từ 6 - 18 tuổi), chiếm 8,96%/tổng số vụ TNGT toàn quốc, làm chết 490 người (chiếm 8,91%/tổng số người chết toàn quốc), bị thương 827 người (chiếm 11,86%/tổng số người bị thương toàn quốc); so với cùng kỳ năm 2022, tăng 08 vụ (tỷ lệ tăng 0,92%), giảm 33 người chết (tỷ lệ giảm 6,31%), giảm 34 người bị thương ( tỷ lệ giảm 3,95%). Trong đó, có 737 vụ TNGT do thiếu niên, học sinh dưới 18 tuổi đi bộ, trực tiếp điều khiển phương tiện liên quan trong vụ TNGT, làm chết 378 người, bị thương 658 người.
Về nguyên nhân xảy ra TNGT là do đi không đúng phần đường, làn đường, chiều đường quy định (chiếm tỷ lệ 21,41%); không chú ý quan sát (chiếm tỷ lệ 19,39%); chuyển hướng không đúng quy định (chiếm tỷ lệ 11,77%); tránh vượt không đúng quy định (chiếm tỷ lệ 7,06%); không nhường đường (chiếm tỷ lệ 4,71%); không giữ khoảng cách an toàn (chiếm tỷ lệ 3,36%); sử dụng rượu bia (chiếm tỷ lệ 2,69%); vi phạm tốc độ (chiếm tỷ lệ 2,69%); không chấp hành biển báo hiệu đường bộ (chiếm tỷ lệ 3,14%); đi bộ qua đường không đúng quy định (chiếm tỷ lệ 3,14%), v.v…
Sau khi nghe ý kiến đóng góp và những đề xuất, kiến nghị của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể chính trị xã hội để công tác bảo đảm ATGT cho học sinh trong thời gian đến đạt được kết quả tốt hơn, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng các giải pháp, đề xuất, kiến nghị đặt ra tại hội nghị này không có gì mới, vấn đề quan trọng ở đây là phải tổ chức, thực hiện như thế nào cho hiệu quả. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang mong muốn trong thời gian đến, mặt trận, các đoàn thể chính trị xã hội vào cuộc, chung tay góp sức cùng các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT, đặc biệt là kiềm chế TNGT, nhất là TNGT liên quan đến học sinh ở cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, sắp tới Bộ Công an sẽ tham mưu Chính phủ ban hành chỉ thị về công tác bảo đảm ATGT cho học sinh, do đó, đề nghị các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể chính trị xã hội cần tham gia ý kiến, đề xuất gửi về Bộ Công an để tổng hợp, bổ sung hoàn thiện dự thảo chỉ thị này trình Chính phủ ban hành. “Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong công tác bảo đảm TTATGT nói chung, bảo đảm ATGT cho học sinh nói riêng, kể cả với các địa phương làm tốt công tác này thời gian qua, cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các giải pháp bảo đảm ATGT cho học sinh”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý thêm.
PHÚ NAM