Báo Công An Đà Nẵng

TX Điện Bàn, Quảng Nam: Nhiều triển vọng từ dự án phát triển cây tre

Thứ sáu, 23/12/2016 10:13

(Cadn.com.vn) - Đầu tháng 12-2016, đại diện UBND TX Điện Bàn cùng với Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam đã bảo vệ thành công Dự án bảo tồn và phát triển cây tre; phát triển du lịch sinh thái nhằm cải thiện bền vững điều kiện sống cho người dân Điện Bàn theo hướng tăng trưởng xanh.

Nhắc đến Điện Bàn (Quảng Nam), người ta thường nhắc đến mảnh đất đã sản sinh ra nhiều anh hùng trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ song ít ai biết đến Điện Bàn là mảnh đất giàu tiềm năng để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế du lịch. Với những lợi thế hiện có, như: đất đai màu mỡ, sông ngòi dày đặc, có bờ biển giàu tiềm năng, nằm trên trục di sản văn hóa thế giới Hội An, Mỹ Sơn, có cơ sở hạ tầng giao thông tương đối hoàn chỉnh cho phép phát triển một nền kinh tế toàn diện, hiệu quả nên Điện Bàn được đánh giá có một vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Nam.

Với Điện Bàn, ngoài lúa và các sản phẩm nông nghiệp khác thì cây tre được xem là “đặc sản”. Tre xanh trải dài các triền sông Thu Bồn, Cổ Cò, tre bao bọc ruộng vườn với những ngôi nhà cổ, mái ngói rêu phong cùng 5 làng nghề truyền thống, như: đúc đồng Phước Kiều, bánh tráng Phú Chiêm, chiếu chẻ Triêm Tây, nước mắm Hà Quảng và cụm làng nghề thủ công mỹ nghệ Đông Khương đã tạo nên một cảnh quan thơ mộng, níu chân bao lữ khách. Hiện tại, có một doanh nghiệp đầu tư dự án làng du lịch Triêm Tây, xã Điện Phương nằm bên bờ sông Thu Bồn tạo nên một nét đẹp thuần Việt gắn liền với văn hóa xứ Quảng Nam. Ngoài ra, theo xu thế chung việc phát triển, khai thác lĩnh vực du lịch văn hóa, làng nghề... phải gắn với định hướng tăng trưởng xanh, bảo tồn những giá trị văn hóa cổ tại địa phương nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch có tính đặc thù.

Bờ tre dọc 2 bờ sông Thu Bồn.

Bên cạnh đó, Điện Bàn là một thị xã đồng bằng thường xuyên gánh chịu những hậu quả của thiên tai, hàng năm lũ lụt đã “lấy đi” hàng chục héc-ta đất bãi bồi ven sông làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất và đời sống của người dân. Trước thực tế như vậy, mỗi năm Nhà nước đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng hệ thống  kè dọc các triền sông. Trước sức mạnh của tự nhiên, việc làm này chỉ như “muối bỏ bể”. Theo kết quả nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học và qua thực tế đã chứng minh cây tre có tác dụng chống xói mòn còn có tác dụng trong việc xử lý nước, góp phần bảo vệ môi trường. Cây tre có thời gian sinh trưởng ngắn, sớm trưởng thành, nhanh thu hoạch, chi phí chăm sóc thấp... mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, việc phát triển cây tre đã và đang trở thành vấn đề cấp thiết đối với người dân TX Điện Bàn nhằm đảm bảo cung cấp nguyên liệu cho sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.

Theo ông Đoàn Ngọc Minh - nguyên Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại, Sở KH&ĐT Quảng Nam: Quy hoạch, phát triển cây tre tại TX Điện Bàn là việc làm cần thiết, trước hết là bảo vệ, xây dựng môi trường sinh thái theo hướng bền vững. Bên cạnh đó là phát huy những giá trị kinh tế của cây tre trong việc xây dựng các làng nghề thủ công mỹ nghệ kết hợp với du lịch sinh thái nhằm giúp người dân phát triển kinh tế... Ông Trần Úc-Chủ tịch UBND TX Điện Bàn, cho biết: Để kinh tế TX Điện Bàn phát triển theo định hướng công - nông nghiệp - du lịch, đòi hỏi phải thực hiện dự án phát triển cây tre kết hợp với du lịch làng nghề, du lịch sinh thái để tạo việc làm cho 10.000 đến 15.000 lao động.

Với dự án phát triển cây tre, từ năm 2017 đến năm 2025 bằng nguồn vốn nước ngoài của Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và một số tổ chức phi chính phủ khác, dự kiến phát triển mới từ 1.800-1.900ha tre. Cũng theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, dự án phát triển cây tre cùng với du lịch sinh thái là một hướng đi đúng đắn trong bối cảnh hiện nay nhằm giảm thiểu những thiệt hại do tình trạng biến đổi khí hậu và đáp ứng được thị hiếu của khách du lịch trong và ngoài nước.

Hy vọng, dự án bảo vệ và phát triển cây tre tại Điện Bàn sớm trở thành hiện thực nhằm mở ra cơ hội “đổi đời” cho người dân địa phương, biến TX Điện Bàn trở thành “lá phổi xanh” góp phần bảo vệ hạ lưu sông Thu Bồn, bảo vệ Khu sinh quyển thế giới Cù lao Chàm... và mở ra những triển vọng cho nền công nghiệp không khói của TX Điện Bàn nói riêng và tỉnh Quảng Nam  nói chung.

M.T