Báo Công An Đà Nẵng

Tỷ phú cây cảnh

Thứ tư, 26/02/2014 10:54

NGƯỜI TRỒNG CÂY

(Cadn.com.vn) - Nhắc tới cây cảnh, người dân làng Phú Sơn 3 (xã Hòa Khương, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) không ai không biết nghệ nhân Trương Hữu Bửu, chủ nhân của 4 khu vườn với diện tích hơn 10.000m2 trồng đủ các loại cây, hoa cảnh, mỗi năm doanh thu trên tỷ đồng, trừ chi phí thu về không dưới 300-400 triệu đồng.

Cách đây 20 năm, người dân Hòa Khương chỉ quen với đất ruộng, canh tác lúa và hoa màu, thi thoảng trồng thêm ít hoa bán thì ông đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng của Hội Nông dân đầu tư khoảng đất sau nhà thành nơi trồng hoa, cây cảnh. Lúc đầu chủ yếu chỉ mua và bán. Đến năm 2000, ông chuyển sang làm nghề cây cảnh. Nhớ lại ngày mới bắt đầu với nghề, ông vừa làm, vừa trồng cây, chăn nuôi, rồi chở đi bán từng cây, năn nỉ người mua cây, tự học hỏi kinh nghiệm, khó nhọc trăm bề. Song đến bây giờ, ông nói ông chưa bao giờ hối hận vì đã đeo đuổi “nghiệp” cây cảnh. Với cây kéo, cây kìm, sự khéo léo, sáng tạo và kinh nghiệm gần 15 năm chăm sóc, tạo cây cảnh, ông Bửu chia sẻ: “Phải có cái tâm với nghề, phải xem cây như những đứa con non nớt cần được chăm bẵm thì mới mong làm được nghề này”.

 

CÂY “TRỒNG” NGƯỜI

Hiện nay, trong vườn nhà ông Bửu có đủ các loại cây từ vài chục, vài trăm ngàn đến 100 triệu đồng/cây để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Chỉ tính riêng vườn cảnh nhà ông, nếu bán ra cũng thu được 3,4 tỷ đồng. Ngoài ươm trồng, chăm sóc cây trong vườn nhà, những năm gần đây ông Bửu còn nhận thi công sân vườn, cây cảnh cho nhiều công trình lớn, có công trình trên cả tỷ đồng từ các tỉnh, thành Đà Nẵng, TT- Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và cả những resort của nước ngoài. Ông kiêm cả dịch vụ nhận chăm sóc cây cảnh cho khách với tiền công dao động từ 5-10 triệu đồng/gốc cảnh/năm. Theo ông, nghề trồng và chăm sóc cây tạo nên cho ông tính kiên trì, không ăn đong, nóng vội, sáng buôn chiều bán... Từ lúc lặn lội đi tìm cây con ở các nơi, nhìn thân đoán rễ, lựa cây, đào cây hay mua cây, tới lúc bứng rễ, xóc phân, đảo chậu, uốn cành, tỉa ngọn, tạo dáng... mỗi công đoạn đều cần tỉ mỉ từng chút một, bất kể mưa nắng ngày đêm.

“Để uốn một cái cây có khi tỉ mẩn hàng ngày trời, thậm chí đem cả bình trà ra để bên gốc cây cả ngày chỉ để tập trung nghiên cứu, ngắm nghía, cắt tỉa. Từ khi cây còn bé, đến khi tạo hình, rồi hoàn thành tác phẩm thực sự ưng ý có khi mất đến cả chục năm. Mỗi một nhát cắt tỉa, người làm nghề phải tính toán rất kỹ bởi nếu cắt sai một đường kéo, có khi phải nuôi lại cây đến 1,2 năm sau mới được. Với quan niệm “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, mỗi cây cảnh phải là đứa con tinh thần của mình. Chính vì thế nên có những cây mà tôi trăn trở, mất gần 5 năm trời vẫn chưa xong”- vừa kể chuyện, ông Bửu vừa chỉ vào một cây lớn nhất trong vườn nói- Đây là cây sanh, tôi chăm hơn 10 năm rồi mà vẫn chưa ưng ý, có khách đặt mua cả trăm triệu đồng mà tôi chưa bán”.

Từ nghề chăm, trồng cây cảnh, ông Trương Hữu Bửu thu lợi nhuận 300-400 triệu mỗi năm.

KHÔNG GIẤU NGHỀ, GIẤU GIÀU

Ông Bửu cho biết, cây phải gần người thì mới có hồn, mới đẹp. Khi tạo dáng cho cây phải thực sự chuyên tâm. Nếu không chịu khó, chịu khổ thì không làm nghề này được. Từ kinh nghiệm của mình, ông đã truyền nghề, truyền tình yêu cây và tính nhẫn nại cho hàng chục người khác. Những vườn cây cảnh của ông tạo việc làm thường xuyên 5-6 lao động và 20 lao động thời vụ, thu nhập hàng tháng từ 5-6 triệu đồng/người. Không chỉ vậy, ông còn đào tạo nghề và hỗ trợ vốn giúp nhiều lao động học nghề cây cảnh, đến nay họ đều đã thoát nghèo. “Cả đời tui có được như bây giờ nhờ nghề chăm cây cảnh. Tôi không giấu nghề, giấu giàu, sẵn sàng dạy nghề cho những ai có nhu cầu học, muốn thoát nghèo”, ông Bửu chân tình.

Oanh Kim