Báo Công An Đà Nẵng

U22 Việt Nam dừng bước ở bán kết SEA Games 32: Thất hẹn với tuyển nữ

Thứ hai, 15/05/2023 07:45
U22 Việt Nam cần hơn một trận đấu như đã thể hiện trước U22 Thái Lan.

Người Indo không nói suông

Vượt lên dẫn trước 2 lần từ cú ném biên rất “dị” của Pratama Arhan và kết thúc hy vọng bảo vệ ngôi vương của U22 Việt Nam ở phút 90 +6 bằng bàn thắng từ Taufany trong thế chơi thiếu người, U22 Indonesia cho thấy lời tuyên bố trước trận đấu không phải để cho vui. Dù không mang Ronaldo đến Campuchia, nhưng đội hình được đầu tư cho VCK U20 World Cup thực sự thuyết phục những ai khó tính nhất với 5 trận toàn thắng, ghi đến 16 bàn cho đến lúc này. Người hâm mộ xứ vạn đảo chắc chắn sẽ nhớ mãi thời khắc này bởi đội bóng của họ đã kiên cường vượt qua “khắc tinh” mang tên Việt Nam trong thế trận rất khó khăn, chơi ít người hơn đối thủ gần một hiệp đấu.

Một nửa của khát vọng đã thành hiện thực, bây giờ họ chỉ còn trận cuối để thực hiện nốt phần còn lại với U22 Thái Lan, với lời thách thức chính từ thắng lợi ở bán kết này.

Lấy lối chơi Việt Nam để thắng... U22 Việt Nam!

Chia sẻ về bí quyết đánh bại được U22 Việt Nam, HLV U22 Indonesia Indra Sjafri không hề giấu giếm: "Đội bạn đã có những sự nóng vội ở phút cuối. Tôi thực hiện sự thay đổi người khi đưa hai cầu thủ vào sân và chờ U22 Việt Nam dâng cao tìm kiếm bàn thắng. U22 Indonesia có cơ hội phản công và thành quả đã đến với chúng tôi khi bàn thắng xuất hiện ở những giây cuối cùng của trận đấu".

Chia sẻ này của ông Indra Sjafri không khác gì gián tiếp xác nhận ông đã dùng cái cách mà HLV Park Hang-seo đã áp dụng thành công ở các đội tuyển bóng đá Việt Nam trong những năm qua? Trên khán đài sân Olympic, chắc hẳn thầy Park sẽ rất tiếc nuối khi thấy hình ảnh “Hoàng Đức”, “Quang Hải”, “Văn Lâm” tái hiện ở phía U22 Indonesia chứ không phải từ đội hình mà ông nay cả nghìn cây số để đến cổ vũ.

Lê Văn Đô và U22 Việt Nam cần quên đi thất bại trước U22 Indo để tập trung vào trận đấu với U22 Myanmar.

U22 Việt Nam nên tự trách mình

Công bằng mà nói, U22 Việt Nam có thế trận không đến nỗi nào, ngay cả khi bị đối thủ 2 lần dẫn bàn trước. Cơ hội vào chung kết càng rõ ràng hơn khi U22 Indo mất người trong hơn 30 phút cuối. “Cầm vàng” nhưng lại để “vàng rơi”, Văn Khang, Văn Tùng và đồng đội chỉ có thể tự trách mình. Không tận dụng được thời cơ, tất phải trả giá đắt.

Nếu phải chỉ ra nguyên nhân cơ bản khiến U22 Việt Nam thất bại, thì đó chính là sự khác biệt về bản lĩnh thi đấu. Đối thủ chơi hay hơn chính mình trong khi U22 Việt Nam chơi dưới sức. Những cầu thủ đàn anh ở tuyển quốc gia Indo dẫn dắt lớp đàn em chơi điềm tĩnh, chững chạc, dám đột phá trong khi những Văn Khang, Thành Nhân, Văn Trường, Văn Tùng, Văn Đô hay Quang Thịnh, Tuấn Tài nóng vội trong tấn công, chần chừ trong phòng thủ. Có cảm giác những mũi nhọn của U22 Việt Nam quá rập khuôn, máy móc trong các pha phối hợp, như một buổi tập chiến thuật chứ không phải là một trận chiến sống còn. Các cầu thủ cũng không dám “phá cách” để thực hiện những màn đột phá cá nhân. Vì thế, “đòn quyết định” không xuất hiện, nhất là không tận dụng sự lúng túng của đối thủ sau bàn phản lưới nhà và mất người.

Hãy đứng dậy từ nơi vấp ngã

U22 vẫn còn một trận đấu nữa, với U22 Myanmar. Có nắm trong tay tấm huy chương đồng hay không, không quan trọng bằng lối chơi, tâm thế vào cuộc. Sự tiến bộ của U22 Việt Nam qua từng trận đấu rất đáng ghi nhận, nhất là ở một lực lượng không được kỳ vọng nhiều. Đã xuất hiện những nhân tố như Ngọc Thắng, Minh Trọng, nhất là Văn Tùng, với 5 pha chớp thời cơ không giống nhau. U22 Việt Nam cũng đã khiến U22 Thái Lan lẫn U22 Indo phải vất vả, bộc lộ điểm yếu. Chỉ có điều trong một ngày kém may mắn, bàn thắng đến quá ít. “U22 Việt Nam đã không có được sự sắc bén trong tấn công dù áp đảo trong phần lớn thời gian hiệp 2. Đây là vấn đề mấu chốt khiến U22 Việt Nam thua trận”, chính tờ Bola của Indonesia đã viết như thế và chắc chắn HLV Philippe Troussier cũng biết chỉnh sửa từ đâu, gần nhất là trận tranh huy chương đồng với U22 Myanmar.

T.S