U22 Việt Nam và hành trình bảo vệ Huy chương Vàng Sea Games: Nhiệm vụ khả thi?
Trước 2 “quân xanh” đang có phong độ khá tệ (đang xếp thứ 12 và 14 của V-League 2023), giới chuyên môn đoán già đoán non về quyết định này, đặc biệt nghiêng về phía nhận định HLV Troussier đang cần một kết quả tốt để giải tỏa áp lực sau những màn “thực chiến” không như ý ở Doha Cup.
Dù sao những đánh giá lúc này đều là… phỏng đoán, bởi không chỉ 2 trận giao hữu này được “đá kín”, HLV Troussier cũng cấm cửa báo giới trong những khu giờ U22 Việt Nam tập chiến thuật. Cẩn trọng ngay cả với “người nhà” có thể gây ra những phản ứng, nhưng chẳng thể làm khác. Ngoài việc không để đối thủ dò xét, các cầu thủ trẻ cần tránh áp lực. Rõ ràng, ngoài HLV Troussier, các học trò của ông cũng cảm nhận áp lực kể từ sau “đại bại” tại Doha Cup 2023. Nói cách khác, kết quả tại SEA Gamess 32 sắp tới đóng vai trò vô cùng quan trọng cho lứa U20, U22 lẫn vị thuyền trưởng người Pháp trong hành trình, tham vọng đưa bóng đá Việt Nam dự World Cup. Từ nay đến 2026 còn rất xa, SEA Games lại cận kề, cả HLV Troussier và những Quốc Việt, Văn Trường, Lê Văn Đo, Bùi Vỹ Hào…sẽ phải căn cứ vào kết quả sắp tới để tính toán lại chiến lược. Vấn đề không phải là bảo vệ chiếc HCV mà là tương quan giữa các làng cầu Đông Nam Á với nhau khi lần đầu tiên sau nhiều năm, sân chơi SEA Games không có các cầu thủ quá tuổi. Nếu U22 Việt Nam vẫn có một gương mặt mạnh mẽ, bản lĩnh tốt, có ít nhất một thủ lĩnh thì tất cả sẽ tạm an tâm cho các dự án tương lai. Bằng ngược lại, thì cũng sẽ là một áp lực bắt bóng đá Việt Nam phải thay đổi.
Thực tế HLV Troussier đang phải “đãi cát tìm vàng” trong một nền bóng đá còn nhiều “sạn”. V-League 1 và V-League 2 không có nhiều gương mặt để lựa chọn đủ tốt, đặc biệt là lứa U20, U22 ít được trao cơ hội ra sân. Có đến 9/31 cầu thủ ở U22 đến từ giải V-League 2 cả năm đá chưa đến 20 trận. Những cầu thủ V-League 1 cũng chỉ có phân nửa là có suất đá chính tại CLB và năm nay cũng chưa đá đủ 7 trận! Kinh nghiệm trong bóng đá đi đôi với bản lĩnh và được đề cao trong một tập thể, từ cấp độ đội tuyển quốc gia đến CLB. 3 vòng đấu ở giải chuyên nghiệp và giải hạng Nhất đã có ít nhất 80% cầu thủ thuộc thành phần U22 được CLB tạo điều kiện thi đấu để “hưởng ứng” thỉnh cầu của HLV Troussier, nhưng chỉ thế là quá ít.
Sân chơi ở SEA Games 32 chỉ giành cho lứa U22 và không ấn định với riêng Việt Nam. “Khó người khó ta”, vậy U22 Việt Nam cần gì phải lo lắng? Sự so sánh ấy là đúng nhưng chưa đủ. Nhìn vào lực lượng và các bước chuẩn bị của một số nền bóng khu vực, thầy trò HLV Troussier tỏ ra khiêm tốn hơn nhiều. Những đối thủ cạnh tranh truyền thống Thái Lan, Indonesia, Maylaysia, bằng cách này hay cách khác đều tập hợp hàng loạt cầu thủ chơi ở nước ngoài và các CLB tốp đầu trong nước. Với chủ nhà U22 Campuchia, đã có bước chuẩn bị từ khi lá đơn tranh quyền đăng cai SEA Games 32 được chấp thuận!
Binh đã không hùng, tất nhiên rất cần tướng giỏi. Tài nghệ của HLV Troussier đã được kiểm chứng, cùng với bản lý lịch khá hoành tráng. Tuy nhiên, người đá trên sân vẫn là các cầu thủ. Dù bị đánh giá thấp hơn thế hệ đàn anh ở các mùa SEA Games trước, nhưng U22 Việt Nam hiện tại vẫn luôn là cái tên mà các đối thủ phải e dè. Còn nhớ, ở giải Vô địch U23 Đông Nam Á 2022, dù lực lượng luôn biến động và hao hụt bởi dịch COVID-19, U23 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Đinh Thế Nam đã xuất đứng trên bục chiến thắng. “Tinh thần chiến binh Sao vàng”, đó là yếu tố quan trọng mà thầy trò HLV PhilippeTroussier cần noi theo trên hành trình bảo vệ tấm huy chương vàng.
T.S