Báo Công An Đà Nẵng

Ukraine cần hỗ trợ khẩn cấpđể khôi phục cơ sở hạ tầng

Thứ tư, 14/12/2022 15:11
Một nửa hạ tầng năng lượng của Ukraine bị hư hại do các cuộc tập kích. Ảnh: Getty

Phát biểu tại cuộc họp của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Thủ tướng Shmyhal nhấn mạnh 50% cơ sở hạ tầng quan trọng của nước này đã bị hư hại do xung đột trong những tuần gần đây. Theo ông, quá trình khôi phục cần 3 giai đoạn, nhưng giai đoạn ưu tiên nhất hiện nay là nhanh chóng phục hồi cơ sở hạ tầng trọng yếu và ngành năng lượng để vượt qua mùa Đông này. "Chi phí ước tính để hỗ trợ ngành năng lượng ước tính khoảng 500 triệu USD, và cần số tiền tương tự cho hệ thống sưởi ấm", Thủ tướng Shmyhal cho biết.

Thủ tướng Shmyhal dẫn số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết tính đến tháng 6 năm nay, Ukraine cần đến 349 tỷ USD cho tái thiết đất nước. Hiện hàng triệu người ở Ukraine không có điện, nước sạch và không được sưởi ấm khi nhiệt độ giảm mạnh. Theo số liệu của Liên hợp quốc, khoảng 18 triệu người, tương đương 40% dân số Ukraine, đang phụ thuộc vào nguồn viện trợ, trong khi 7,8 triệu người khác đã rời khỏi đất nước đến các quốc gia khác ở châu Âu.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 11-12, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết các cuộc tấn công tên lửa của Nga đã phá hủy 50% cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. Ông Shmyhal hôm 11-12 xác nhận tất cả nhà máy nhiệt điện và thủy điện tại Ukraine cùng 40% mạng lưới điện cao thế đã bị hư hỏng sau 8 đợt tấn công tên lửa của quân đội Nga. Ông cho biết hệ thống năng lượng của Ukraine đang bị thiếu hụt trầm trọng, đồng thời cảnh báo mùa đông khắc nghiệt sắp tới và kêu gọi người dân hạn chế việc tiêu thụ năng lượng. Ông Volodymyr Kudrytsky, Giám đốc điều hành công ty điện lực Ukraine Ukrenergo, hôm 7-12 nói rằng, các cơ sở và đường dây điện, bao gồm các trạm biến áp, của Ukraine đã trúng hơn 1.000 đạn pháo và tên lửa Nga.

Tổng thống Zelensky hồi tháng 11 ước tính Ukraine sẽ cần hơn 1.000 tỷ USD để tái thiết đất nước sau những thiệt hại nặng nề trong cuộc xung đột với Nga. Theo ông Zelensky, chính phủ Ukraine đã bắt đầu lên kế hoạch xây dựng lại đất nước và kế hoạch này sẽ cần sự tham gia hỗ trợ của các đồng minh phương Tây.

Trước đó, ông Oleg Ustenko, cố vấn kinh tế của Tổng thống Zelensky, hồi tháng 9 thừa nhận, xét cả về "chi phí trực tiếp và gián tiếp", Ukraine đã phải chịu thiệt hại "ở mức gần 1.000 tỷ USD". Con số này gấp 5 lần GDP hàng năm của Ukraine trước khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt hồi tháng 2. Ông Ustenko cũng cho biết, chính phủ Ukraine dự kiến tăng trưởng kinh tế nước này sẽ giảm từ 35-40% trong năm nay. Đây được xem là "mức sụt giảm GDP sâu nhất mà Ukraine đã trải qua kể từ sau đợt khủng hoảng vào năm 1991".

Mỹ viện trợ thiết bị điện cho Ukraine

Trong bối cảnh đó, Mỹ tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine. Reuters dẫn lời giới chức Mỹ ngày 12-12 cho biết, nước này đã vận chuyển một phần của gói viện trợ thiết bị điện tới Ukraine nhằm giúp khôi phục cơ sở hạ tầng năng lượng của quốc gia Đông Âu này. "Chiến lược hiện nay của chúng tôi là giúp Ukraine tự vệ trước các cuộc tập kích nhằm vào hạ tầng năng lượng bởi nó có thể trở thành một thảm họa nhân đạo", một quan chức Mỹ nói.

Theo một quan chức Mỹ, đợt viện trợ đầu tiên này bao gồm các thiết bị điện có tổng trị giá khoảng 13 triệu USD. Đây là đợt hỗ trợ đầu tiên trong gói viện trợ 53 triệu USD được thông báo hồi tháng trước sau khi Kiev nói họ cần các máy biến áp, máy phát điện và hệ thống phòng không để đối phó các cuộc tập kích của Nga. Một nguồn thạo tin khác cho biết Mỹ sẽ tiếp tục triển khai 2 đợt viện trợ thiết bị điện nữa đến Ukraine trong tuần này.

G7 nhất trí hỗ trợ tài chính cho Ukraine

Cùng ngày, các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã tiến hành họp trực tuyến thảo luận về việc phối hợp giải quyết các thách thức toàn cầu, theo đó đã nhất trí về một nền tảng hỗ trợ tài chính cho Ukraine. Tại cuộc họp trực tuyến, các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí về các yếu tố chủ chốt của một nền tảng phối hợp hỗ trợ tài chính cho Ukraine. Tuyên bố chung đăng trên trang web của Đức - nước Chủ tịch G7 hiện nay - nêu rõ: "Chúng tôi sẽ hỗ trợ Ukraine đáp ứng các nhu cầu trong mùa Đông, tiếp tục hỗ trợ người dân Ukraine và sẽ tăng cường hơn nữa nỗ lực chung về vấn đề này tại hội nghị quốc tế về tái thiết Ukraine dự kiến diễn ra trong ngày13-12 tại Paris".

Theo tuyên bố, dựa trên các cam kết của mình, các nước G7 sẽ tiếp tục huy động sự hỗ trợ quốc tế để giúp giải quyết các nhu cầu tài chính cấp bách của Ukraine. Để đạt được mục tiêu này, các bộ trưởng tài chính G7 sẽ triệu tập họp ngay lập tức để thảo luận cách tiếp cận chung nhằm phối hợp hỗ trợ ngân sách trong năm 2023. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ là trung tâm của nỗ lực này. Theo đó sẽ thành lập "Nền tảng Điều phối tài trợ". Nền tảng này sẽ được sử dụng để giám sát các hỗ trợ ngắn hạn và dài hạn, cụ thể là "hỗ trợ tài chính ngắn hạn - điều phối nguồn tài trợ và chuyên môn quốc tế, đồng thời khuyến khích chương trình cải cách của Ukraine cũng như kinh tế tư nhân dẫn dắt tăng trưởng.

AN BÌNH