Báo Công An Đà Nẵng

Ukraine đấu tranh với khủng hoảng kinh tế

Thứ hai, 19/01/2015 09:46

(Cadn.com.vn) - Nếu Ukraine không sớm nhận được hàng tỷ USD, Kiev sẽ phải rơi vào “cuộc khủng hoảng kinh tế” nghiêm trọng.

Tại nhà kho của Modnakasta, một trong những nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất Ukraine, không khí có vẻ rôm rả với các cuộc trò chuyện của người lao động và âm thanh hàng trăm thùng hàng được đóng gói, niêm phong. Quần áo, giày dép, hàng gia dụng và thiết bị phòng tắm được đóng gói và sau đó được vận chuyển khắp cả nước.

Chủ sở hữu của Cty, ông Andriy Logvin, cho biết, Cty phát triển mạnh kể từ khi ra đời cách đây 4 năm. Tuy nhiên, tình hình kinh tế đất nước đang xấu đi buộc Cty đang phải xoay xở để hoạt động cầm chừng. Kinh doanh tăng gấp đôi trong năm qua, nhưng vì sự sụt giảm giá trị của đồng hryvnia, Cty hầu như không thu được lợi nhuận. Và trên thực tế, Ukraine đang phải đối mặt với khủng hoảng tiềm tàng.

Kho bạc trống rỗng

Ước tính, nền kinh tế Ukraine giảm hơn 8% năm 2014, một phần là do mất đi doanh thu từ khu vực Donbass bị chiến tranh tàn phá, nơi có ngành công nghiệp than và thép hái ra tiền.

Đồng thời, Kiev cũng phải chi hàng tỷ USD để trả nợ quốc tế, mua khí đốt tự nhiên từ Nga và chống đỡ cho sự sụt giá của đồng hryvnia, vốn mất đi nửa giá trị kể từ năm ngoái, đặc biệt là trên thị trường chợ đen. Vì vậy, chính phủ ngày càng ít ngoại tệ mạnh. “Mỗi tháng, mỗi tuần, chính phủ đang dần mất tiền”, Alexander Valchyshen, người đứng đầu trung tâm nghiên cứu ICU, quỹ đầu tư tại Kiev, cho biết.

Hiện, vấn đề quan ngại nhất là dự trữ ngoại tệ mạnh giảm xuống quá thấp - 7,5 tỷ USD - khiến chính phủ không thể trả các khoản nợ quốc tế, ngay trong tháng tiếp theo. Nếu điều tồi tệ nhất xảy ra, Kiev có thể phải đối mặt với khủng hoảng tài chính như Nga hồi năm 1998. Ukraine sẽ phải dừng tất cả các nghĩa vụ, một số ngân hàng sẽ buộc phải đóng cửa, đồng tiền sẽ rớt giá.

Tình hình này đã đánh động cộng đồng quốc tế. Nhưng tiền để cứu Ukraine có thể đến từ đâu?

Giáo viên biểu tình thúc giục chính phủ không cắt giảm chi tiêu công. Ảnh: BBC

Hỗ trợ từ IMF

Một quan chức của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đến Kiev trong tháng này để thảo luận về việc cung cấp 5 tỷ USD từ chương trình giải cứu 17 tỷ USD hồi năm ngoái. Đến nay, IMF chi 4,5 tỷ USD cho Kiev. Tuy nhiên, 17 tỷ USD cũng không thể đủ cho Ukraine xoay xở tình hình hiện nay. Kiev sẽ phải cần thêm 15 tỷ USD nữa.

Chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm hỗ trợ cho Kiev số tiền này. Tất cả các nhà tài trợ tiềm năng - Mỹ, EU, IMF - đều yêu cầu Kiev phải thực hiện cam kết xóa bỏ quan liêu, chống tham nhũng, và trên hết, giảm chi tiêu chính phủ. Do đó, các cuộc đàm phán với IMF là rất quan trọng. Nếu IMF hài lòng với chương trình của Ukraine và hỗ trợ thêm tiền, điều này có thể là dấu hiệu cho thấy các nhà tài trợ phương Tây khác sẽ làm điều tương tự.

Nhưng cho đến nay, các cải cách vẫn chưa xảy ra. Tổng thống Petro Poroshenko và Thủ tướng Arseniy Yatseniuk có những bước đi nhỏ hướng tới việc giới thiệu các biện pháp cần thiết. Tuy nhiên, tất cả vẫn còn nằm trên giấy. Điều quan trọng là, chi tiêu chính phủ vẫn vượt kế hoạch.

Bất mãn của người dân

Theo Thủ tướng Yatseniuk, những câu hỏi quan trọng về tài chính sẽ được thảo luận lần nữa vào tháng 2 tới.

Chính phủ sợ rằng, cắt giảm chi tiêu sẽ dẫn đến những phản ứng tiêu cực. Các nhà kinh doanh vẫn muốn được hưởng những trợ cấp chính phủ. Dân chúng không muốn chi phí sinh hoạt tăng, và phúc lợi xã hội bị cắt giảm. Olexander Danylyuk, người đứng đầu Hội đồng cải cách Ukraine và là cố vấn cho Tổng thống Poroshenko, cho biết, ông hiểu nỗi sợ hãi của người dân, nhưng cuối cùng tình huống này là điều khó tránh khỏi.

An Bình
(Theo BBC)