Báo Công An Đà Nẵng

Ukraine và "ván bài" không gia nhập NATO để xoa dịu Nga

Thứ ba, 15/02/2022 14:49

Đại sứ Ukraine tại Anh hôm 14-2 tuyên bố, Kiev có thể đồng ý không gia nhập NATO nếu điều này giúp ngăn chặn chiến tranh với Nga.

Binh sĩ Lữ đoàn bộ binh hải quân số 35 thuộc Lực lượng vũ trang Ukraine tham gia diễn tập triển khai binh sĩ ở Odessa ngày 28-1. Ảnh: Reuters

Theo đài RT, Đại sứ Ukraine tại Anh Vadym Prystaiko đã đưa ra khả năng Kiev có thể từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO, liên minh do Mỹ dẫn đầu, nhằm mục đích ngăn chặn một cuộc xung đột lớn với Nga. Trả lời phỏng vấn đài BBC Radio 5 rằng liệu Ukraine có thể "dự tính không gia nhập NATO" để ngăn chặn chiến tranh hay không, ông Prystaiko trả lời: "Bạn biết đấy, chúng tôi có thể bị đe dọa bởi điều đó".

Tuy nhiên, ông Prystaiko cho rằng, Ukraine hiện không thuộc bất kỳ liên minh quân sự nào, không giống như một số quốc gia khác có chung biên giới với Nga. Ông nhấn mạnh, Kiev có thể sẽ một mình phải đối mặt với xung đột quân sự, nếu cuộc khủng hoảng hiện nay dẫn tới một cuộc chiến tranh. "Chúng tôi sẽ không được bảo vệ bởi bất kỳ ai, bởi bất kỳ bạn bè nào, không phải là thành viên của bất kỳ liên minh nào, khi tất cả mọi người, tất cả quốc gia láng giềng của chúng tôi đều là thành viên của tổ chức này", nhà ngoại giao nói, đề cập đến Ba Lan, Slovakia, Romania, Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Mối lo nguy cơ xung đột ở Ukraine đang phủ bóng khắp thế giới, gây rúng động thị trường dầu mỏ toàn cầu vốn quá mong manh, đẩy giá dầu tiến sát ngưỡng 100 USD/thùng. Các nhà giao dịch tính toán, nguồn cung sẽ không thể theo kịp diễn biến thị trường nếu dòng nhiên liệu hóa thạch từ Nga có bất kỳ đứt gãy mạnh nào. Nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ vượt trội so với tăng trưởng sản lượng khai thác trong bối cảnh các nền kinh tế dần phục hồi trở lại sau tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, khiến thị trường năng lượng không còn nhiều dư địa để hỗ trợ trung hòa một cú sốc cung-cầu.

Nga là nhà sản xuất dầu thô đứng thứ ba thế giới và nếu như xung đột ở Ukraine dẫn đến hệ quả dòng dầu thô cung ứng từ Nga bị cắt giảm mạnh, đó sẽ là cú đánh lớn nữa vào cán cân cung-cầu trên thị trường. Những diễn biến này khiến giới giao dịch dầu thô trong vài ngày gần đây coi bất ổn địa chính trị liên quan đến điểm nóng Ukraine là nhân tố tác động hàng đầu trên thị trường. Giá dầu mỏ vốn chưa bao giờ vượt ngưỡng 100 USD/thùng kể từ năm 2014 đã lên mức cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây trong phiên giao dịch ngày 11-2.

Lo ngại về một cuộc can dự quân sự tiềm tàng của Nga ở nước láng giềng Ukraine cũng khiến thị trường chứng khoán toàn cầu biến động. Nga cũng là nhà xuất khẩu chủ chốt của nhiều loại hàng hóa khác, nổi bật là lúa mì. Vì thế, giá những mặt hàng này cũng sẽ chịu ảnh hưởng lớn trong trường hợp nổ ra xung đột ở Ukraine.

Ở thời điểm hiện tại, giới phân tích cho rằng ít có khả năng xảy ra đứt gãy lớn về nguồn cung dầu mỏ của Nga ra thị trường. Bởi chính quyền Tổng thống Joe Biden chưa phát đi tín hiệu nào về đòn đáp trả cấm vận, trừng phạt nhằm vào ngành năng lượng của Nga. Về phần mình, Moscow dựa phần lớn vào nguồn thu dầu mỏ xuất khẩu để trang trải cho ngân sách nhà nước, một thực tế ngầm cho thấy điện Kremlin sẽ không tự đóng van xuất khẩu dầu khí để trả đũa.

Trong khi đó, nhiều hãng hàng không đang xem xét lại việc cung cấp dịch vụ bay đến quốc gia này sau khi Mỹ cảnh báo rằng Nga có thể tấn công Ukraine. Tuy nhiên, Ukraine đã cam kết dành một khoản quỹ để nỗ lực giữ cho không phận nước này mở cửa đối với các chuyến bay thương mại.  Bộ Cơ sở hạ tầng Ukraine cho biết các hãng hàng không đang tiếp tục hoạt động "mà không gặp hạn chế nào". Thủ tướng Denys Shmygal cho biết chính phủ nước này đã phân bổ 16,6 tỷ hryvnia (592 triệu USD) để đảm bảo duy trì các chuyến bay đi qua không phận nước này. Ông Shmygal cho biết quỹ này sẽ "đảm bảo an toàn của các chuyến bay tại Ukraine cho các công ty bảo hiểm và cho thuê máy bay". 

KHẢ ANH

>> "Chảo lửa" biên giới Ukraine ngày càng nóng

>> Ảnh vệ tinh cho thấy Nga "khóa chặt" quanh Ukraine

>> Lối thoát nào cho cuộc khủng hoảng Ukraine?