Ukraine vẫn lơ lửng
(Cadn.com.vn) - Khi tiếng súng vẫn tiếp tục gầm thét trên chiến tuyến phía đông, chính quyền Kiev tổ chức hàng loạt sự kiện kỷ niệm 1 năm thay đổi chế độ vốn gây ra những biến động lớn ở Ukraine và xa hơn nữa. Tuy nhiên, vẫn chưa thấy ánh sáng le lói cuối đường hầm.
Tại thủ đô Kiev diễn ra cuộc Diễu hành Phẩm giá với sự tham dự của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (EC) Donald Tusk, Tổng thống Lithuania Dalia Grybauskaite và Tổng thống Slovakia Andrej Kiska... Mọi người diễu hành qua các con phố Institutskaya, Shelkovichnaya, Gushevskovo, Quảng trường Châu Âu và kết thúc bằng cuộc cầu nguyện vì hòa bình tại Quảng trường Độc lập.
Năm qua chứng kiến thời kỳ khó khăn nhất của các quốc gia Đông Âu khi cựu Tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ, dẫn đến cuộc chiến đẫm máu ở miền đông. Cuộc chiến này cũng làm bùng nổ căng thẳng nhất giữa phương Tây và Nga kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Cả hai bên giáng những đòn trừng phạt nặng nề nhằm vào nhau. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây giáng đòn nặng cho nền kinh tế Nga, nhưng cũng khiến Châu Âu phải trả giá đắt. Diễn biến phức tạp ở Ukraine hiện nay đang khiến phương Tây tính đến việc thắt chặt thêm các biện pháp trừng phạt Moscow.
Nhưng nếu cứ dồn Nga vào chân tường, các chuyên gia cảnh báo, việc này sẽ dẫn đến sự chia rẽ trong Liên minh Châu Âu (EU) và càng khiến mọi việc rối ren thêm nữa. Nền kinh tế Ukraine, vốn dựa nhiều vào Nga và hiện đang sống nhờ vào sự hỗ trợ của EU, cũng đang trên bờ vực sụp đổ. Những động thái gần đây của một số nhà lãnh đạo Châu Âu: có cuộc hội đàm với phía Nga, cung cấp cho thế giới một cái nhìn thoáng qua về hy vọng để phá vỡ bế tắc Ukraine.
Theo thỏa thuận hòa bình hồi đầu tháng này giữa các nhà lãnh đạo Nga, Ukraine, Pháp và Đức, người ta kỳ vọng rằng, sẽ không có nổ súng và một vùng đệm mới sẽ được tạo ra ở đông Ukraine. Tuy nhiên, như Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cảnh báo, nhiều rào cản lớn vẫn tồn tại trong giải pháp hòa bình của cuộc khủng hoảng Ukraine.
Tổng thống Mỹ Barack Obama, người thừa nhận Washington "môi giới một thỏa thuận để chuyển đổi quyền lực ở Ukraine" một năm trước đây, cảnh báo, một sự sụp đổ trong tiến trình hòa bình có thể thúc đẩy Washington phê duyệt quyết định chuyển giao vũ khí cho Ukraine. Nhưng rõ ràng, động thái này chắc chắn không chỉ phản tác dụng mà còn rất nguy hiểm. Thật vậy, người Mỹ có thể là bên duy nhất hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng Ukraine khi cả Châu Âu và Nga bị suy yếu, nhưng họ cũng nên nhớ rằng, nếu họ xem cuộc khủng hoảng này là trò chơi quyền lực, họ chỉ càng kéo mình vào vũng lầy.
Trong cuộc khủng hoảng Ukraine, không có người chiến thắng, mà chỉ có nạn nhân và kẻ thua. Bài học quan trọng nhất mà các bên liên quan cần học hỏi trong năm qua là lệnh trừng phạt chỉ có thể làm phức tạp và kéo dài cuộc khủng hoảng mà thôi.
Thanh Văn