UNESCO chính thức xét ghi danh Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt
(Cadn.com.vn) - Tại phiên họp toàn thể tại Ethiopia của Ủy ban Liên chính phủ Công ước Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể 2003 của UNESCO, ngày 28-11, Hồ sơ Quốc gia Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt chính thức được xem xét ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Được biết, Hồ sơ Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là 1/18 Hồ sơ Quốc gia đạt đủ 5 tiêu chí của UNESCO xét ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian thuần Việt, có lịch sử lâu đời, biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Tín ngưỡng thờ Mẫu có nguồn gốc từ quan niệm thần thánh hóa thiên nhiên của người Việt cổ, dưới khái niệm Thánh Mẫu, hay nữ thần Mẹ. Tục này thể hiện khả năng tích hợp rất lớn với đạo Phật, đạo Giáo, đạo Nho cùng tín ngưỡng dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số, để cuối cùng trở thành một tín ngưỡng đa văn hóa, đa tộc người. Hoạt động nổi bật của tín ngưỡng thờ Mẫu là nghi lễ chầu văn, ẩn chứa những giá trị văn hóa nghệ thuật rất độc đáo. Nó là kho tàng truyền thuyết, thần tích, huyền thoại về thần linh. Đó còn là các hình thức diễn xướng với âm nhạc, ca hát, nhảy múa, các hình thức trang trí, kiến trúc dân gian phong phú, hấp dẫn.
M.N
* Sau hai năm lập hồ sơ, thủ tục, nghề khai thác yến sào Thanh Châu và nghề mộc Kim Bồng (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) vừa được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hình thành từ thế kỷ XV, đến thế kỷ XVII nghề mộc Kim Bồng bắt đầu phát triển nhờ sự phồn thịnh của thương cảng Hội An. Nghề phát triển mạnh mẽ và thịnh vượng với ba nhóm nghề mộc xây dựng, mộc dân dụng và nghề đóng tàu. Hiện nay đa số kiến trúc Hội An còn lưu giữ lại đều xuất phát từ làng mộc Kim Bồng. Nghề khai thác yến sào Thanh Châu cũng có lịch sử hình thành từ lâu đời được nhiều tư liệu, thư tịch ghi chép lại. Yến Sào Thanh Châu nổi tiếng to dày, khi nấu không bị nát và hàm lượng dinh dưỡng cao. Ngoài 2 nghề truyền thống trên có 16 di sản văn hóa phi vật thể trên toàn quốc được công nhận trong đợt này. Ở khu vực miền Trung còn 2 di sản khác được công nhận là nghề dệt Zèng của người Tà Ôi và nghệ thuật bài chòi (Đà Nẵng).
Sản phẩm mộc tại làng mộc Kim Bồng. |
H.D