Ứng dụng khoa học công nghệ trong ứng phó với thiên tai, thảm họa
Đó là một trong những nội dung trọng tâm được các nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các nền kinh tế APEC trình bày, thảo luận tại Phiên kỹ thuật 1,2 chương trình Hội nghị các quan chức cao cấp APEC về quản lý thiên tai lần thứ 11 khai mạc ngày 21-9 tại TP Vinh, Nghệ An – một trong những nơi vừa hứng chịu thiệt hại do bão số 10 gây ra tuần trước.
Hội nghị có sự tham gia của khoảng 200 đại biểu đến từ các nền kinh tế APEC, các tổ chức quốc tế, khối doanh nghiệp (DN) và các quan chức cao cấp của các bộ, ngành và 19 tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Đại biểu tham dự Hội nghị. |
Nâng cao năng lực dự báo
Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có nền kinh tế năng động và đầy bản sắc văn hóa, đang hướng tới mục tiêu phát triển hòa bình và thịnh vượng trên thế giới nhưng cũng là khu vực hứng chịu nhiều rủi ro thiên tai nhất. Trong đó, Việt Nam là nước thường xuyên phải hứng chịu nhiều thiên tai như bão, lũ lụt, hạn hán gây thiệt hại về người và tài sản. Thực tế cho thấy, năm 1997 một trận bão lớn đã đổ bộ vào Đồng bằng sông Cửu Long gây thiệt hại lớn về người, tài sản, tàu bè. Những năm gần đây Việt Nam đã thành công trong việc phát hiện bão, hướng dẫn cho tàu bè vào nơi tránh trú bão an toàn. Đó là nhờ những tiến bộ khoa học công nghệ.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng khẳng định: “Để giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ngoài việc nâng cao năng lực ứng phó khẩn cấp và phục hồi tốt hơn sau thiên tai, Việt Nam còn thực hiện các giải pháp giảm nhẹ rủi ro thiên tai như phục hồi lại các hệ sinh thái rừng, rừng ngập mặn, các vùng đất ngập nước, thúc đẩy tăng trưởng xanh, lồng ghép quản lý rủi ro thiên tai vào hoạt động của các ngành gắn với nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm, áp dụng quản lý lũ tổng hợp theo lưu vực sông; nâng cao năng lực cộng đồng trong quản lý rủi ro thiên tai.
Những công nghệ như viễn thám, công cụ phần mềm tính toán, công cụ dự báo, xây dựng kịch bản ứng phó các cấp độ rủi ro thiên tai đã được áp dụng cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị đã góp phần đạt được những thành tựu như vậy. Còn rất nhiều vấn đề nếu Việt Nam không dựa vào khoa học công nghệ kể cả những kiến thức truyền thống cũng như kiến thức hiện đại thì không bao giờ nâng cao năng lực quản lý rủi ro thiên tai. Do đó, Việt Nam đánh giá việc áp dụng khoa học công nghệ là rất quan trọng trong quản lý rủi ro thiên tai”.
Nhật Bản là đất nước chịu nhiều thiên tai như lũ lụt, động đất, núi lửa phun trào. Chính vì vậy Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm về phòng chống rủi ro thiên tai. Thông qua Hội nghị APEC 2017, Nhật Bản mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm của Nhật Bản trong phòng chống thiên tai. “Thông điệp lớn nhất mà Nhật Bản mong muốn chuyển tải tại Hội nghị APEC lần này đó là việc Nhật Bản đã truyền tải thông tin, kỹ thuật truyền tải thông tin của Nhật Bản khi xảy ra thiên tai để truyền tải những kiến thức đó cho người dân, để người dân nhận được thông tin và ứng phó. Từ đó họ giảm thiểu được những ảnh hưởng xấu của thiên tai đối với cuộc sống người dân”- ông Takeshi Yonezawa – Phó Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết.
Ứng dụng khoa học công nghệ trong ứng phó với thiên tai, trước tiên là để công tác dự báo, cảnh báo được chính xác, dài hạn tại mỗi vùng miền. Khi có những thông tin này, Ban Chỉ đạo Quốc gia, chính quyền địa phương và người dân chủ động đối phó với thiên tai.
Đất nước Philippines phải gánh chịu khoảng 20 cơn bão mỗi năm nên công tác dự báo, cảnh báo là rất quan trọng. “Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều vào việc giảm nhẹ thiên tai và cảnh báo sớm. Chúng tôi cảnh báo sớm đến người dân qua tin nhắn. Chúng tôi cũng đang phát triển một mạng lưới cảnh báo sớm. Bên cạnh đó, chúng tôi còn đổi mới hệ thống quản lý thiên tai qua việc tăng cường sức mạnh cho cơ quan quản lý thiên tai”, ông Bernardo Rafaelito R.Alejandro IV Giám đốc Cơ quan phát triển chính sách và Kế hoạch Philippines cho biết.
Khi đánh giá về tình hình áp dụng khoa học kỹ thuật trong phòng chống và giảm thiểu rủi ro thiên tai, ông Li Weisen, Tổng Thư ký Viện Khoa học công nghệ GTRR Thiên tai Đài Bắc đánh giá cao Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh chóng trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật để giảm thiểu rủi ro thiên tai. Việt Nam không chỉ chú trọng mục tiêu phòng chống thiên tai tổng thể mà còn chú trọng nâng cao năng lực xây dựng cơ sở hạ tầng ở các vùng nông thôn, vùng miền núi. Việt Nam có những tiến bộ nhanh về lĩnh vực này...
Chia sẻ giải pháp khoa học công nghệ
Tại Phiên kỹ thuật 1,2 chương trình Hội nghị các quan chức cao cấp APEC về quản lý thiên tai lần thứ 11, đại diện các nền kinh tế thành viên chia sẻ kết quả dự án, các giải pháp khoa học công nghệ đã và đang triển khai khu vực APEC nhằm thúc đẩy, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong ứng phó thiên tai, thảm họa.
Các đại biểu thống nhất về công tác ứng dụng công nghệ, tăng cường thông tin truyền thông và hợp tác liên vùng, đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ để tăng cường hiểu biết chung về thiên tai “bình thường mới” (khái niệm “bình thường mới” hay “new normal”, được sử dụng để phản ánh tình hình thiên tai hiện nay ngày càng phức tạp và không thể dự đoán trước cả về tần suất, cường độ và mức độ tàn phá) và những rủi ro thiên tai đang diễn ra xung quanh. Bên cạnh đó, phát triển giải pháp vận hành hạ tầng thông tin trong công tác điều hành, ứng phó với thiên tai; đổi mới khoa học, công nghệ trong công tác phòng chống các loại hình thiên tai “bình thường mới”; trong đó tập trung giải quyết vấn đề sạt lở dải ven bờ, sạt lở đất và lũ quét, bão mạnh, siêu bão, sóng thần.
Hội nghị sẽ diễn ra trong 2 ngày, dự kiến thông qua bản khuyến nghị chung về định hướng tăng cường hợp tác và đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ trong công tác phòng chống thiên tai tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Bên lề hội nghị sẽ có các hoạt động như: Chiếu phim tài liệu về công tác phòng chống thiên tai Việt Nam; hoạt động giới thiệu văn hóa truyền thống tỉnh Nghệ An; hoạt động đầu tư phòng chống thiên tai của các DN; giới thiệu hoạt động khoa học công nghệ phòng chống thiên tai.
P.V – B.H