Ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng: Nhiều thách thức
(Cadn.com.vn) - Ngày 28-2, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết – Trưởng Ban chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng TP chủ trì cuộc họp tổng kết các hoạt động trong năm 2013 đồng thời triển khai những nhiệm vụ cấp bách trong năm 2014.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, năm 2013 là một năm có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu của TP Đà Nẵng. Đặc biệt, dù phải hứng chịu nhiều cơn bão lịch sử nhưng thành phố đã có sự chuẩn bị chủ động trong ứng phó với thiên tai, bão lũ nên đã hạn chế tối đa những thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân...
Những gì mà Đà Nẵng đã làm trong thời gian qua được cho là kịp thời và tích cực. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, yếu tố biến đổi khí hậu với xu hướng bất thường và ngày càng rõ rệt qua các tình trạng thời tiết cực đoan sẽ là thách thức không nhỏ cho Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng.
Tình trạng bão lũ xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều, cường độ cao và đặc biệt cao đã làm cho hoạt động ứng phó ở một số nơi không theo kịp và phải chịu những tổn thất mà đáng ra có thể tránh được.
Theo đại diện UBND Q. Cẩm Lệ, việc ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng Đà Nẵng sẽ tiếp tục gặp phải khó khăn khi thành phố còn thiếu cây xanh trầm trọng, các địa phương vùng ven ngày càng xuất hiện nguy cơ xói lở, không chỉ do thiên tai mà còn vì nhân tai.
Chính quyền thành phố cần nhanh chóng chấm dứt việc khai thác cát trên sông để hạn chế hiện tượng sông bị chỉnh dòng, đất liền bị xâm thực. Đại diện Sở Ngoại vụ thì cho rằng, thành phố có quan hệ với 161 tổ chức phi chính phủ, trong đó có 44 tổ chức liên quan đến các vấn đề về cải thiện môi trường, chống biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai nhưng mới chỉ vận động tài trợ được khoảng 4% trong các tổ chức này.
Một trong những lý do là vì công việc khảo sát, thống kê, kiểm tra và làm các thủ tục ban đầu thiếu chi tiết, thiếu cụ thể, không đáp ứng được yêu cầu. Khó khăn nữa là hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng còn thiếu sự liên kết, lồng ghép với công tác nghiên cứu khoa học của thành phố, chưa triển khai ở cấp quận, huyện, thiếu tính chủ động đề xuất đi từ địa phương.
Tiếp nhận kính hiển vi. |
Mặt khác, tuy đã thành lập Ban Chỉ đạo nhưng cho đến nay đơn vị này vẫn đang hoạt động tại địa điểm tạm thời nên việc điều hành, làm việc với các tổ chức nước ngoài có nhiều trở ngại. Cạnh đó, nguồn nhân sự còn thiếu, ngân sách chưa được bố trí thường xuyên theo chương trình mục tiêu quốc gia, chủ yếu dựa vào tài trợ quốc tế.
* Chiều 28-2, BQL Dự án phát triển đô thị Đà Nẵng thân thiện với môi trường và khí hậu (ECUD) đã tiếp nhận Máy sắc ký ion (trị giá 900 triệu đồng) và Kính hiển vi quang học (trị giá gần 1 tỷ đồng) từ Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ. Theo ông Huỳnh Văn Thanh- giám đốc ECUD, 2 thiết bị hiện đại này được TP mua sắm phục vụ công tác quan trắc môi trường và kiểm kê phát thải. Việc tiếp nhận các thiết bị quan trắc môi trường hiện đại này góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu tới năm 2020 Đà Nẵng trở thành “Thành phố môi trường”. Hải Quỳnh |
Bà Ngô Thị Lê Mai – đại diện Viện Chuyển đổi môi trường và xã hội Hoa Kỳ (ISET) tại Việt Nam, đơn vị làm cầu nối hiệu quả cho các dự án liên quan đã và đang triển khai tại Đà Nẵng cho biết, với những cố gắng của mình, trong tương lai, Đà Nẵng sẽ được nhiều tổ chức lựa chọn để triển khai các dự án về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu. Chính vì vậy ngay từ bây giờ, thành phố nên chuẩn bị những điều kiện cần thiết, để có thể đáp ứng được các yêu cầu khi họ tiến hành khảo sát.
Phó chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết đánh giá, trong thời gian qua, các hoạt động về ứng phó với biến đổi khí hậu bước đầu đã có sự nối kết, liên hệ với cộng đồng dân cư trong việc nâng cao nhận thức của người dân. Đơn cử, trong năm 2013 thành phố phải hứng chịu rất nhiều trận thiên tai, bão lũ nhưng nhờ chủ động trong công tác ứng phó nên đã giảm thiểu được thiệt hại về người và tài sản.
Đặc biệt, ngay sau cơn bão Nari, thành phố đã khắc phục hậu quả với tốc độ thần kỳ. Đó cũng là một trong những lý do để Đà Nẵng đã trở thành 1 trong 33 thành phố đầu tiên trên thế giới được chọn làm thành viên của chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu do Quỹ Rockefeller khởi xướng.
Trong thời gian tới, Phó chủ tịch Phùng Tấn Viết nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo phải tiếp tục nâng cao nhận thức của các thành viên cũng như tranh thủ mọi nguồn lực để vận động các nguồn tài trợ, tập trung cho các dự án cụ thể hướng tới người dân, đặc biệt là các đối tượng dễ bị tổn thương.
Trọng tâm trong năm 2014, Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng thành phố phối hợp với các sở, ban ngành, các đơn vị liên quan tập trung triển khai tốt và có hiệu quả 7 chương trình trọng tâm về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Đông A