Báo Công An Đà Nẵng

Ứng viên Tổng thống Mỹ tranh luận: Ông Trump bị hạ “knock-out”

Thứ sáu, 21/10/2016 10:20

(Cadn.com.vn) - Giống như hai cuộc “so găng” trước đó, với sự khôn ngoan và khéo léo, ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ Hillary Clinton tiếp tục đẩy đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump vào thế phòng thủ trong cuộc tranh luận cuối cùng trên truyền hình vào tối 19-10 (sáng 20-10, giờ Việt Nam).

Ngay sau khi khai màn, cuộc tranh luận cuối cùng đã nóng lên với những cáo buộc liên tục và gay gắt mà hai ứng viên tổng thống Mỹ - Hillary Clinton và Donald Trump - chĩa vào nhau.

Theo Reuters, cuộc tranh luận kéo dài 90 phút và được chia thành 6 phiên với 6 chủ đề thảo luận là chính sách đối ngoại, nợ công và chuẩn pháp lý, kinh tế, nhập cư, tòa án tối cao và tiêu chuẩn để trở thành tổng thống Mỹ. Sau cuộc tranh luận này, hai ứng viên sẽ có 19 ngày để kết thúc chặng đua “nước rút” trước ngày bầu cử 8-11.

Các thành viên đảng Dân chủ theo dõi buổi tranh luận cuối cùng giữa bà Clinton và ông Trump tại văn phòng đảng ở California. Ảnh: Getty Images

Ông Trump ra đòn

Sau khi để bà Clinton áp đảo trong hai cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên, cuộc “so găng” lần 3 này được đánh giá là cơ hội cuối cùng để ông Trump “ghi điểm” trước mắt cử tri, đặc biệt là những cử tri vẫn còn do dự.

Đứng trước cơ hội này, tỷ phú Trump không ngừng công kích những điểm yếu của đối thủ Clinton. Ông Trump nỗ lực tách mình khỏi những cáo buộc tấn công tình dục và những bình luận khiếm nhã về phụ nữ. Ông đặt mình vào vị trí của một ứng viên đã thay đổi - chỉ vài ngày sau khi một cuộc thăm dò của hãng tin FOX cho thấy, bà Clinton dẫn điểm trước ông Trump trong câu hỏi “Ai sẽ thay đổi quốc gia tốt hơn”. Nhưng khoảng nửa giờ sau thời điểm cuộc tranh luận về các chính sách thực tế, một “Donald Trump cũ kỹ” - người thường xuyên ngắt lời và đả kích đối thủ, tranh cãi với người điều hành - lại xuất hiện. Tỷ phú Trump không ngần ngại gọi bà Clinton là “kẻ nói dối” và là “người phụ nữ khó chịu”. Vị ứng viên đảng Cộng hòa cũng cho rằng, những phụ nữ cáo buộc ông quấy rối tình dục là “nằm trong kế hoạch tranh cử của bà Clinton”.

Trong cuộc tranh luận tại hội trường Đại học Nevada ở thành phố Las Vegas, ông Trump gây thất vọng khi khẳng định, Mỹ không đủ khả năng để bảo vệ Hàn, Nhật, Saudi Arabia, Đức và các nước khác. Ông phàn nàn rằng, những nước trên đều là những quốc gia giàu có và đặt câu hỏi tại sao những nước này không trả tiền cho việc Washington bảo vệ họ.

Bà Clinton tiếp tục chiến thắng

Tuy nhiên, cũng giống như hai lần trước, cán cân sân khấu cuộc tranh luận cuối cùng cũng không nghiêng về ứng viên của đảng Cộng hòa.

Với sự khôn ngoan và khéo léo, bà Clinton tiếp tục đẩy đối thủ vào thế phòng thủ. Vị cựu ngoại trưởng tấn công vào kế hoạch trục xuất người di cư gây tranh cãi của ông Trump, trong đó cho rằng, việc dùng vũ lực trục xuất hàng triệu người di cư sẽ làm tan nát các gia đình và xé nát nước Mỹ. Bà Clinton cũng nhắm đến yếu tố Nga, cho rằng, việc Tổng thống Vladimir Putin tích cực ủng hộ ứng viên Trump do vị tỷ phú này sẽ trở thành “con rối” của ông chủ Điện Kremlin.

Nhưng có lẽ, vấn đề gây chấn động tại cuộc tranh luận lần này là việc ông Trump không cam kết chấp nhận kết quả bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới trong trường hợp ông thua cuộc. Khi người điều hành Chris Wallace hỏi ông có cam kết một sự chuyển đổi quyền lực hòa bình nếu thất bại hay không, tỷ phú Trump trả lời: “Những gì tôi có thể nói là tôi sẽ cho các bạn biết vào thời điểm đó”.

Hành động lấp lửng của ông Trump, mà bà Clinton gọi là “kinh khủng”, khiến nước Mỹ chấn động và đặt ra thách thức lớn cho nền dân chủ của cường quốc số 1 thế giới.

Khả Anh

Hơn 200 triệu cử tri Mỹ đăng ký bỏ phiếu

Báo Politico ngày 20-10 dẫn số liệu của Cty dữ liệu thuộc đảng Dân chủ TargetSmart cho biết, hơn 200 triệu người Mỹ đăng ký bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, mức cao kỷ lục trong lịch sử.

Theo số liệu chính thức, tổng số lượng cử tri đăng ký trên toàn quốc đạt 200.081.377 người. Số liệu trên có nghĩa là có hơn 50 triệu người mới đăng ký bỏ phiếu trong vòng 8 năm qua (năm 2008, chỉ có 146,3 triệu người đăng ký bỏ phiếu). Giới phân tích cho biết, số lượng người Mỹ đăng ký kỷ lục này cho thấy một sự đa dạng chưa từng thấy trong các cử tri, và ngày càng có nhiều người ủng hộ các ứng cử viên của đảng Dân chủ hơn.

T.Nguyên