Báo Công An Đà Nẵng

Ứng xử văn hóa với dòng sông Hương di sản

Thứ bảy, 25/04/2015 10:15

(Cadn.com.vn) - Ngày 24-4, cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và tỉnh TT-Huế tổ chức hội thảo “Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương- nhiệm vụ và giải pháp”. Hội thảo với sự tham gia của các giáo sư (GS) đầu ngành trong công tác quy hoạch đô thị, các nhà nghiên cứu đến từ Hàn Quốc, Việt Nam. Hội thảo đã được nghe các nhà nghiên cứu, các GS đầu ngành trình bày nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất trong công tác quy hoạch đô thị, bảo tồn, phát huy các giá trị kiến trúc, cảnh quan, môi trường, văn hóa, lịch sử, du lịch cũng như định hướng quy hoạch cho từng khu vực, những vấn đề khuyến cáo, lưu ý trong công tác quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương, góp phần phát triển đô thị Huế bền vững.

Nhiều công trình xây dựng đồ sộ ở bờ Nam sông Hương khiến các nhà nghiên cứu quan ngại:
“Sự cân bằng hình thái của đô thị-di sản có nguy cơ tan vỡ nhãn tiền”.

Theo GS Hoàng Đạo Kính, quy hoạch hai bờ sông Hương trước tiên nghiêm cẩn tuân thủ đòi hỏi tối thượng, đó là duy trì vị trí và vai trò của dòng sông trong cấu trúc đô thị-di sản và đô thị sinh thái, khẳng định và bộc lộ rõ thêm các đặc điểm và các giá trị kiến trúc cảnh quan-nhân văn của nó. Một số giải pháp vận dụng cho hai bờ sông Hương có thể là duy trì bằng được các khoảng cách ấn định giới hạn không gian mà lịch sử đã dành cho con sông này, tuyệt đối tránh mọi sự tải mới, giải tỏa những công trình xây dựng và những vật cản xé vụn sự thông thoáng của không gian hai bờ, giữ cho được tính tự nhiên và độ xanh tươi của hai triền sông. Tuyệt nhiên không để xây cất thêm những công trình đồ sộ như khách sạn Century hoặc chợ Đông Ba mới. Ở phía Bắc nên tính tới việc giải tỏa bãi xe, dãy phố đến cửa Thượng Tứ, nhằm tạo sự kết nối kinh thành với bờ sông Hương.

Ở bờ phía Nam, nên duy trì các kiến trúc Pháp nay còn lại thưa thớt, không xây cất thêm công trình mới, tìm cách nối liền các mảng vườn hoa công viên. Còn theo nhà  nghiên cứu Phan Thuận An, cùng với nhiều con sông lớn, sông Hương cũng không tránh khỏi tình trạng bị “giết dần giết mòn” bởi những hoạt động của con người, nhiều dự án nhân tạo thiếu giá trị bền vững và tác động tiêu cực của thiên tai, của sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Tác động tiêu cực của con người đối với sông Hương được thực hiện dưới nhiều hình thức mà cụ thể nhất là việc thiếu ý thức trong việc quy hoạch và xây dựng...

Quy hoạch chung TP Huế tầm nhìn đến năm 2050 xác định “xây dựng đô thị thân thiện với môi trường, hài hòa với thiên nhiên để đưa Huế trở thành đô thị môi trường kiểu mẫu” theo định hướng phát triển không gian đô thị xác định cấu trúc không gian dọc hai bên bờ sông Hương. Mục tiêu của quy hoạch phải làm nổi rõ đặc trưng hình thái không gian của từng khu vực trong mối liên kết với các thành phần cấu trúc đô thị mà sông Hương là trục không gian chi phối các nguyên tắc tạo hình đô thị.

Đề cập đến tổ chức không gian hai bờ sông Hương, Ths. KTS Hồ Viết Vinh (Giảng viên Trường ĐH Kiến trúc TPHCM) đã đưa ra 4 nguyên tắc: tổ chức không gian hai bên bờ sông phải đảm bảo tính nhất thể không gian và mối liên hệ tương hỗ giữa hai bên bờ sông; can thiệp cảnh quan hai bên bờ sông Hương theo nguyên tắc thích ứng di sản; làm sống lại cấu trúc đô thị phong cảnh đặc trưng duy nhất của Việt Nam và thay thế phương pháp tiếp cận quy hoạch phù hợp với đô thị di sản lịch sử. “Giá trị của dòng sông- đô thị di sản không nằm ở chỗ lấp đầy các khoảng trống mà chính là độ thâm sâu chất chồng giá trị của các thành phần cấu trúc không gian đô thị hình thành qua hơn 700 năm”- Ths-KTS Hồ Viết Vinh nhấn mạnh.

H.Lan