Báo Công An Đà Nẵng

“Ước mơ nho nhỏ”của cô gái tí hon

Thứ tư, 12/11/2014 09:59

(Cadn.com.vn) - Là nạn nhân chất độc da cam, nhưng nghị lực của cô gái mang hình hài đứa trẻ Đỗ Thị Hằng Nga (1983, trú tại xóm 6, xã Quỳnh Văn, H. Quỳnh Lưu, Nghệ An) khiến nhiều người phải vị nể. Chỉ nặng 17kg, chân tay co quắp, mọi hoạt động chỉ nhờ vào cái đầu và bàn tay phải yếu ớt, nhưng Nga đã vượt qua tất cả để học làm tranh giấy, tranh thêu và mở cả lớp học nghề miễn phí cho những người cùng cảnh ngộ.

Năm 1973, ông Đỗ Đức Dự (1955) nhập ngũ vào chiến trường Bình- Trị- Thiên. Hòa bình lập lại, người lính lái xe trở về quê nhà với chứng nhận thương binh hạng 4/4. Không lâu sau đó, ông nên duyên vợ chồng cùng cô gái trẻ trong làng Hồ Thị Nhã (1957). Niềm vui như được nhân lên khi năm 1983, đứa con gái đầu lòng Đỗ Thị Hằng Nga chào đời.

Ông Dự nhớ lại: “Năm lên 3 tuổi, Nga trải qua một cơn sốt li bì rồi lên cơn co giật. Lúc đó chỉ có hai mẹ con ở nhà nên vợ tôi nghĩ rằng con mình bị ốm bình thường và không đưa đi bệnh viện. Tuy nhiên, bệnh tình của Nga càng ngày càng nặng, gia đình mới đưa con đi khám ở Bệnh viện Trung ương, vợ chồng tôi gần như quỵ xuống khi nghe tin con gái bị bại liệt do nhiễm chất độc da cam từ bố. Sau khi xuất viện trở về, gia đình tôi không chịu đựng được nỗi đau khi nhìn thấy con gái ngày càng gầy tong teo, da xanh xao, yếu ớt nên lại bế con đi chạy chữa khắp nơi. Thế nhưng, đưa con chạy chữa ở đâu cũng phải bế con về trong đau đớn, tuyệt vọng”.

Ngoài làm tranh giấy, chị Nga còn thêu tranh để kiếm thêm thu nhập.

Năm tháng trôi qua, nhưng Nga vẫn mang hình hài của một đứa trẻ, chỉ nặng 17kg, mọi hoạt động chỉ nhờ vào cái đầu và bàn tay phải yếu ớt. Không thể tự chăm sóc mình, cuộc sống của chị chỉ gói gọn qua chiếc radio và song cửa sổ. Không chịu nổi cảnh hằng ngày phải ngồi một chỗ đếm thời gian trôi qua một cách vô nghĩa, chị quyết định tìm cho mình một công việc để vừa có thể tận dụng được khoảng thời gian vừa đỡ đần gánh nặng cho gia đình. Dù đôi tay không lành lặn nhưng Nga lại thích tranh ảnh, thêu vá. Trong một lần, hay tin một người bạn cùng làng đang làm việc tại Hà Nội, thu nhập khá bằng nghề vẽ tranh giấy nên chị điện đến hỏi thăm, rồi chị thuyết phục gia đình cho đi học. Sau những do dự, cuối cùng gia dình cũng đồng ý cho chị đi. 6 tháng cần mẫn học tập, cô gái “tí hon” mang theo những trải nghiệm của mình trở về nhà.

Miệt mài với niềm đam mê của mình, Nga vừa giới thiệu cách làm tranh giấy vừa ngước mắt nhìn lên những tác phẩm của mình bằng một nụ cười mãn nguyện. Cắt những lọn giấy nhỏ, cuốn thành hình tròn rồi dán chúng lại với nhau theo kiểu tạo hình bằng một loại keo… những bức tranh có họa tiết đơn giản thì chỉ một vài ngày là xong, cũng có những bức tranh cầu kỳ thì phải 10 ngày đến nửa tháng mới hoàn thành. Những tác phẩm của chị không chỉ đẹp mà còn chứa đựng nghị lực khát vọng vươn lên.

“Thật ra cuộc đời này còn rất nhiều điều tốt đẹp, đáng sống chứ không phải chỉ có một màu ảm đạm như trước đây tôi thường nghĩ. Từ ngày có nghề trong tay, cuộc sống của tôi như bước sang một trang mới, bận rộn hơn chứ không phải suốt ngày ngồi thu mình bên song cửa sổ như ngày xưa. Tôi đã thực sự tìm được niềm vui cho bản thân mình”, Nga chia sẻ.

Với nguyện vọng đem những gì mình đã học, chia sẻ với những mảnh đời cùng cảnh ngộ, Nga bắt đầu lên mạng thông báo mở lớp dạy nghề vẽ tranh giấy miễn phí cho những người tàn tật. Chỉ sau hai ngày thông báo số học viên điện thoại đăng ký học lên đến hàng trăm người nhưng do nơi tiêu thụ sản phẩm chưa có, chỗ ở lại chật chội, bố mẹ thường đau yếu nên bước đầu chị mới nhận 10 học viên. Biết chuyện, Hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh Nghệ An hỗ trợ 40 triệu đồng xây căn nhà nhỏ hai gian ngay sát vách nhà Nga để hỗ trợ chỗ ăn chỗ học cho những học viên tàn tật.

Các học viên của chị, đều không thể chủ động trong việc đi lại mà phải nhờ vào sự giúp đỡ của người khác. Và cũng từ ngày con gái trở thành “giáo viên”, vợ chồng ông Dự vốn đã cực nhọc lại càng thêm vất vả. Những học viên của con gái đều được vợ chồng ông xem như là con cái trong nhà. Ngoài việc hàng ngày chăm lo việc đồng áng, đến bữa, vợ chồng ông Dự lại tất bật lo cơm nước phục vụ tận nơi cho các học viên. Ngay đến việc đi vệ sinh, tắm rửa của học viên cũng được ông bà giúp đỡ tận tình, chu đáo. Bà Hồ Thị Nhã tâm sự: “Chúng cũng bất hạnh như con gái mình, hoàn cảnh lại khó khăn nữa gia đình không nỡ lấy tiền của chúng. Đã làm phúc thì chẳng ai còn nghĩ đến tiền bạc làm gì. Nhìn chúng cười vui là tôi vui rồi”.

Đầu năm 2014, bà Nhã phát hiện mình đang mang căn bệnh ung thư vú. Những tác phẩm của chị Nga và học viên tạo ra cũng gặp khó khăn vì không tìm được nơi tiêu thụ. Không còn khả năng để trang trải cho việc dạy nghề, cũng không còn người để chăm sóc các học viên đặc biệt, chị Nga đành phải cho học viên của mình nghỉ học một thời gian.“Tuy không thể tiếp tục việc dạy nghề nhưng không vì vậy mà tôi bỏ cuộc. Tôi vẫn phải  làm để trau dồi thêm tay nghề sau này còn chỉ dạy cho học viên nữa. Chỉ mong là những tác phẩm của tôi sẽ được biết đến nhiều hơn nữa, khi đó sẽ có đầu ra và lại có thêm tiền để tiếp tục dạy nghề cho rất nhiều mảnh đời bất hạnh khác”, Nga nói rằng đó là “ước mơ nho nhỏ” và gửi đến cuộc đời một niềm tin, một thông điệp.

D.Hóa