Báo Công An Đà Nẵng

Ước mong không còn "đò giang cách trở"

Thứ năm, 24/12/2015 11:11

(Cadn.com.vn) - Bao đời nay, người đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở các bản Vôi và bản Kè thuộc xã vùng cao Tà Long, H. Đakrông, tỉnh Quảng Trị phải sống trong cảnh "đò giang cách trở". Hằng ngày, người dân, học sinh qua lại con sông Đakrông bằng những chiếc thuyền nhỏ hoặc lội bộ. Vào mùa mưa lũ, nước sông Đakrông chảy xiết, không thể qua lại, gần 100 hộ dân bản Vôi, bản Kè bị cô lập, đường đến trường của học sinh nhiều lần đứt quãng. Vậy nhưng, ước mơ có được một cây cầu qua sông Đakrông với đồng bào nơi đây còn quá xa vời.

Chúng tôi có mặt tại bến đò thôn Vôi lúc giữa trưa, đúng lúc một nhóm học sinh đi học buổi sáng trở về. Con đò nằm ở bờ bên kia sông, đợi mãi vẫn không có người sang, 2 học sinh nam đành cởi áo quần bơi qua sông để lấy đò quay lại chở các nữ sang sông. Con đò nhỏ chòng chành trên con nước. Nhìn các em học sinh người Vân Kiều, Pa Cô nhỏ nhắn, vụng về bơi đò qua sông, ai cũng ái ngại. Tất nhiên, đò không phao cứu sinh và chỉ mất thăng bằng, con đò lật là các em bị hất xuống dòng nước dữ.



2 học sinh nam phải lội sang bên kia để lấy đò trở lại đưa các em nhỏ qua sông.

Em Hồ Thị Thuôn (lớp 7 Trường THCS Dân tộc bán trú Tà Long) kể: "Bọn cháu bị té ngã thường xuyên. Nhiều lần đang bơi đò qua sông, đò lật, cả người và sách vở hất xuống sông. Người ướt, sách vở cũng ướt, hôm đó phải nghỉ học". Ông Hồ Văn Phổ - Trưởng thôn Vôi than phiền: mùa khô, nước sông Đakrông cạn, bà con có thể lội bộ qua, nhưng vào mùa mưa, nước dâng cao thì coi như bị cô lập. Khổ nhất là các cháu học sinh, sáng cha mẹ phải tranh thủ cõng con qua sông rồi mới lên rẫy, chiều về lại ra bến sông cõng con về. Lúc cha mẹ bận thì các em phải tự bơi đò sang sông. Cách đây vài năm, tại bến đò này xảy ra trường hợp học sinh đuối nước khi tự bơi sang sông. Rất may, bà con phát hiện và cứu vớt kịp thời. Còn chuyện học sinh đi học bị trượt chân, té ngã, ướt áo quần, sách vở xảy ra như cơm bữa. Ông Phổ cho biết thêm, lo lắng nhất là lúc thủy điện xả lũ. Dù mỗi lần xả, bên thủy điện có thông báo nhưng bà con không phải ai cũng biết mà phòng tránh, rất nguy hiểm: "Rất khó khăn cho học sinh đi học. Mà tất cả các hộ ở đây làm ruộng, làm rẫy bên kia sông rất khó khăn. Thuyền giờ hư hết rồi, nếu không có thuyền thì tất cả dân ở đây bơm xi (ruột ô-tô) để qua sông nên nguy hiểm".

Ông Hồ Văn Nhiên - Chủ tịch UBND xã Tà Long, H. Đakrông cho biết: Gần 100 hộ dân ở bản Vôi, bản Kè bên kia sông bao năm rồi, ước mơ một cây cầu nhưng quá xa vời. Sông Đakrông vừa ngắn, lại dốc. Vào mùa mưa lũ, nước dâng cao và chảy xiết, các hộ dân ở bên kia sông bị cô lập hoàn toàn. Vậy là nhiều em học sinh nghỉ học dài ngày theo cha mẹ lên nương rẫy, đến khi đi học lại không theo kịp chương trình nên chán nản, bỏ giữa chừng". Bên cạnh đó, nông sản của bà con làm ra cũng không bán được hoặc bị tư thương ép giá vì đường vận chuyển cách trở. Cũng theo ông Nhiên, vì không có cầu nên mới đây chính quyền có chủ trương giao gần 100ha đất rừng để sản xuất nhưng người dân thôn Vôi, thôn Kè không dám nhận. Nhiều đoàn đến khảo sát xây cầu nhưng vẫn chưa thấy hồi âm" - ông Nhiên cho biết thêm.

Ước mơ có một chiếc cầu nhỏ chưa thành hiện thực thì người dân các thôn Vôi, thôn Kè hằng ngày vẫn qua sông Đakrông với con đò nhỏ cũ kỹ, mong manh trước dòng nước xiết.

Nhuận Minh Hoàng