Báo Công An Đà Nẵng

Ươm mầm văn hóa dân gian

Thứ tư, 26/11/2014 08:24

(Cadn.com.vn) - Những năm qua, mô hình sân khấu học đường với tên gọi “Đưa tuồng vào học đường” với sự kết hợp giữa Hội bảo trợ tuồng H. Duy Xuyên và Phòng GD-ĐT Duy Xuyên (Quảng Nam) tổ chức đã mang lại những hiệu quả thiết thực, giúp các em học sinh đến gần hơn với văn hóa dân tộc, thông qua đó còn giúp gây dựng tình yêu quê hương đất nước bằng những tích truyện trong kịch bản tuồng.

Cô giáo Đỗ Thị Nhật Quyên (Tổng phụ trách Trường THCS Phan Châu Trinh) cho biết: “Đưa sân khấu tuồng vào học đường là chủ trương hết sức đúng đắn và hiệu quả. Thứ nhất sẽ khiến cho các em học sinh được tiếp cận một cách bài bản, khoa học giúp các em mau nhớ kịch bản. Thứ hai việc tham gia trực tiếp trở thành từng nhân vật trong tuồng sẽ khiến các em háo hức, tạo được thú vui trong tập luyện. Sau khi thành thạo các em có thể biểu diễn và chỉ lại cho các bạn cùng lớp”. Hơn 3 năm chương trình đưa tuồng vào học đường triển khai cũng là thời gian đào tạo ra hàng chục lứa diễn viên nhí. Cô Quyên cho rằng tuy tuồng nhiều từ Hán - Việt, nhiều điệu bộ khó nhưng thực tế các em học sinh vẫn nắm bắt rất nhanh. Thông qua những chương trình này trường còn phát hiện được những “nhân tố bí ẩn” có khả năng diễn xuất, hát múa góp phần xây dựng phong trào văn nghệ trong trường.

Những tiết mục tuồng được các em học sinh biểu diễn.

Vừa qua Trường THCS Phan Châu Trinh tham gia biểu diễn báo cáo tổng kết chương trình “Đưa tuồng vào học đường” với vở “Quốc Toản ra quân”. Em Nguyễn Hồ Bảo Trâm (lớp 8/3) chia sẻ: “Trước đây em chỉ được xem các vở tuồng trên tivi nhưng cũng không hiểu lắm. Sau khi được các cô chú của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh chỉ dạy bây giờ em không những hát được mà còn biết múa kiếm”. Còn em Nguyễn Thị Thơm (lớp 8/2) cho biết: “Tuồng khó nhất là hát vì giọng phải khỏe và phải thường xuyên lên xuống giọng. Không chỉ vậy khi học kịch bản mình còn phải nhớ luôn đoạn của các bạn để phối hợp ăn ý. Những đoạn múa dùng nhiều động tác tay chân thì phải phối hợp thật nhịp nhàng”. Là những diễn viên nhỏ tuổi nhất nhưng phải đóng vai cụ già, em Trương Nguyễn Minh Khánh (lớp 7/2) và Phùng Đỗ Hữu Long (lớp 7/3) đều thừa nhận rằng mình vẫn còn lúng túng đôi chỗ. Thế nhưng sau khi xem tiết tục biểu diễn của các bạn trường khác các em đã tự rút ra kinh nghiệm cho mình. Hữu Long cho biết: “Từng học sử về câu chuyện Trần Quốc Toản bóp nát trái cam nhưng thông qua tiết mục tuồng này em đã hiểu hơn về ý chí và lòng yêu nước của Trần Quốc Toản”.

Sau một thời gian luyện tập, vừa qua 24 học sinh từ 3 trường THCS trên địa bàn đã biểu diễn báo cáo xuất sắc với 3 trích đoạn “Đổng Kim Lân biệt mẹ”, “Trưng Vương đề cờ” và “Trần Quốc Toản ra trận”. Các tiết mục của các em được NSND Thu Nhân và đạo diễn Cao Liên (Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh Đà Nẵng) truyền đạt, hướng dẫn. Hy vọng rằng, từ những thành công của mô hình “Đưa tuồng vào học đường” sẽ ngày càng có nhiều thế hệ học sinh yêu thích tuồng, trân trọng những giá trị văn hóa dân gian trên mảnh đất Quảng Nam giàu truyền thống.

Hà Dung