Báo Công An Đà Nẵng

Út Nhạn của Chu Cẩm Phong

Thứ ba, 23/02/2021 14:35

 

“Nhà có ba con trai, anh cả đi công tác huyện; người thứ hai đi du kích, hy sinh; cậu út tên là Nhạn, mới 15 tuổi, đã tỏ ra là người đàn ông trong gia đình. Cậu lanh lợi, thuộc nhiều thơ Tố Hữu, Thu Bồn, có giọng ngâm rất tốt, rất ham học, cứ mơ ước được học lên đại học. Cậu ta hỏi mình: Em không biết ra sao - người học lớp 4 có người lớp 7 dạy, người học lớp 7 có người lớp 10 dạy, người học lớp 10 có người đại học dạy, người dạy đại học là ai mà giỏi rứa? Ước chi...”.

Trong trang viết thứ 3, ngày 7 tháng 1 năm 1969, “Nhật ký chiến tranh” của Chu Cẩm Phong, cậu bé tên Nhạn xuất hiện chỉ có vậy, như bao cậu bé khác trong chiến tranh, với đau thương mất mát, với lòng căm thù giặc sớm tạc dạ, trong thơ, trong văn của những nhà báo, nhà thơ, nhà văn của chiến trường Khu 5 khốc liệt Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Mỹ...

Nhưng nếu chỉ có chừng ấy, Út Nhạn của vùng cát Bình Dương (H. Thăng Bình, Quảng Nam) ngày ấy cũng sẽ đi qua trí nhớ người đọc như một ánh sao băng. Chu Cẩm Phong hy sinh quá sớm để có thể viết thêm vài dòng, vài trang về Út Nhạn: liên tục trong 4 năm (1967, 1968, 1969, 1970) Nhạn chứng kiến anh trai, mẹ, 2 chị gái hy sinh. Mất mát quá lớn, quá sức chịu đựng của cậu bé chạm tuổi 15. Nhưng rồi, Nhạn vẫn trụ vững, như “cây xương rồng trên cát”, sau đó ra Bắc học trường học sinh miền Nam, khởi đầu như bao “hạt giống đỏ” được miền Bắc xã hội chủ nghĩa chở che, đùm bọc, nuôi dưỡng...; trở về quê hương và tiếp tục học tập và cống hiến với cái tên Phan Đức Nhạn, trên cương vị Giám đốc Cty Xây dựng và phát triển Quảng Nam, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Nam, Phó trưởng ban thường trực rồi Trưởng ban Khu kinh tế mở Chu Lai, Đại biểu Quốc hội khóa XI, Phó giám đốc Sở Xây dựng TPHCM... Đến tuổi hưu, Út Nhạn vẫn tràn đầy năng lượng, như con thoi giữa Đà Nẵng - TPHCM - đồng bằng sông Cửu Long cùng ông Tư Sang (nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang) ấp ủ những dự án về các cây cầu giúp người dân đi lại.

Út Nhạn bây giờ.

Gặp Út Nhạn (bây giờ người quen gọi anh là Sáu Nhạn), về vùng cát trắng Bình Dương bao lần, tôi nghiệm ra anh hội tụ những phẩm chất của con đất nơi anh sinh ra, đã 2 lần được phong tặng Anh hùng trong chiến đấu, 1 lần Anh hùng trong lao động. Lướt theo từng trang đời Út Nhạn qua những trang viết của Thái Bá Lợi, Thuận Hữu, Đình Kính, Hồ Duy Lệ, Nguyễn Bá Thâm, Vũ Ngọc Hoàng, Hồ Thanh Hải, Huỳnh Văn Hoa, Hồ Trung Tú, Trần Trung Sáng, Hồ Sĩ Bình, Nguyễn Ngọc Hạnh... ta thấy bóng dáng những chú bé Lượm, Mừng trong “Tuổi thơ dữ dội” (Phùng Quán), thấy một phần Pavel Korchagin trong “Thép đã tôi thế đấy” (Ostrovsky) hay Mactunov trong “Chuyện thường ngày ở huyện” (Ovechkin)...

Gần đây, Út Nhạn ví mình là “con chim Nhạn”. Bạn bè anh thích danh xưng này. Thi thoảng, ai đó nhắn tin nhau “Nhạn làm thơ”, “Nhạn ra sách”, “Nhạn có ca khúc mới”... rồi thích thú đòi tặng sách, tặng MV, cao hứng lên còn rủ rê, kéo nhau đến gặp, bắt “con chim Nhạn” cầm đàn trình bày ca khúc mới... Đây có thể là “phần mềm” vốn có của anh nhưng trước đây bị “phần cứng” chiến tranh, lao động lấn át.

Như dung nham tích tụ, niềm đam mê văn chương thuở nào của Út Nhạn mới “trở mình” gần đây. Anh lặn vào trong em như con cá trầm mình trong nước/ anh giấu vào đời em như con chim ẩn mình vào rừng xanh...”; “sương vẫn về cùng lá/nước vẫn về đồng khô”; em là nàng Tiên trong chuyện cổ trời se duyên em về đây với anh/em là nàng Xuân của thời gian cho anh nghìn lẻ đêm mơ/em là nàng Thơ của đời anh... Những lời thơ, tứ thơ rất đẹp ấy được Minh Đức, Trần Quế Sơn cho ra đời những ca khúc, tình khúc say lòng người “Tình quê”, “Nàng tiên của đời anh”, “Anh lặn vào trong em”, “Ong rừng ơi ong rừng”...

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất khi nói về Phan Đức Nhạn có ví von “trong rừng lớn một chú ong làm mật có tên”. Riêng tôi nghĩ, anh có nhiều hơn thế, là con chim Nhạn đưa tin, là ong rừng góp mật, là con cá lặn vào trong nước... Con ong làm mật, yêu hoa/Con cá bơi, yêu nước/con chim ca, yêu trời... (Tiếng ru - Tố Hữu).

Sáu Nhạn đã từng yêu để sống, và giờ anh xứng đáng sống để yêu.

THẾ SINH DƯƠNG