Ưu tiên bố trí vốn đối ứng cho các dự án viện trợ phục vụ an sinh xã hội
(Cadn.com.vn) - Theo lãnh đạo Sở Ngoại vụ TP Đà Nẵng: từ năm 1997 đến nay, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đến hoạt động tại Đà Nẵng nhiều hơn, được cấp giấy phép hoạt động, giấy phép văn phòng dự án để triển khai dự án ngay tại địa phương. Do đó, số dự án viện trợ tăng lên đáng kể, hoạt động dự án trải dài trên khắp các địa bàn TP và bao gồm nhiều lĩnh vực.
Thời gian qua, các ngành, địa phương của TP Đà Nẵng cũng đã có nhiều cố gắng trong công tác vận động nguồn viện trợ phi chính phủ và đạt được những kết quả quan trọng. Nhìn chung các dự án đều nằm trong các lĩnh vực ưu tiên của TP như nông nghiệp, y tế, giáo dục, xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ, cải thiện môi trường và được triển khai thực hiện tại các xã miền núi, vùng sâu vùng xa và các khu dân cư nghèo.
Trong đó, các dự án về y tế chiếm khoảng 26,9% tổng số dự án, tương tự, giáo dục: 16,2%, xã hội: 13,8%, xóa đói giảm nghèo: 10,8%, nông nghiệp: 9,2%, phát triển cộng đồng: 2,3%, xây dựng cơ sở hạ tầng và cải thiện môi trường: 7,7%, văn hóa: 1,5% và cứu trợ khẩn cấp: 11,5%. Nguồn viện trợ phi chính phủ góp phần cải thiện điều kiện sống của nhân dân TP trên nhiều lĩnh vực.
Cụ thể, về y tế: nâng cấp và trang bị thiết bị y tế cho trạm y tế xã, phường; đội ngũ cán bộ y tế xã, phường được đào tạo; trung tâm y tế các quận, huyện ngày càng được nâng cấp, đầu tư các trang thiết bị hiện đại...; đặc biệt là các bệnh viện lớn của TP như Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Mắt Đà Nẵng... đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới với các trang thiết bị hiện đại, giúp cho các bệnh viện thực hiện tốt hơn chức năng khám chữa bệnh cho nhân dân.
Về giáo dục: nhiều trường học tại các vùng lũ đã được xây dựng, góp phần giải quyết tình trạng học 3 ca đối với học sinh, chất lượng học tập được nâng cao; mặt khác, học sinh và phụ huynh không còn phải lo lắng khi đến mùa mưa lũ. Tại nhiều nơi trên địa bàn TP, học sinh nghèo, khuyết tật được cấp học bổng để yên tâm đến trường. Bên cạnh đó các trung tâm dạy nghề đã được xây dựng, góp phần tạo công ăn việc làm cho một bộ phận thanh thiếu niên khó khăn để tự nuôi sống bản thân, góp phần giải quyết vấn đề xã hội về lao động.
Về phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo: với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân nghèo, đặc biệt là trẻ em ở các xã miền núi tại H. Hòa Vang, các chương trình, dự án tác động toàn diện trên các lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục, y tế, xây dựng và cải tạo cơ sở hạ tầng nông thôn quy mô nhỏ, nâng cao năng lực tham gia của cộng đồng, góp phần thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn tại địa phương.
Về xây dựng cơ sở hạ tầng và chỉnh trang đô thị: các dự án tái định cư cho các hộ nghèo tại khu dân cư nhà chồ thuộc Q. Sơn Trà đã góp phần tạo chỗ ở ổn định cho một bộ phận dân cư nghèo, giải quyết vấn đề môi trường và tạo điều kiện nâng cao sức khỏe, cải thiện đời sống cho người dân ở đây, vốn là một vấn đề hết sức bức xúc và nan giải.
Ngoài ra, còn nhiều dự án trên các lĩnh vực khác nhau, như dự án phẫu thuật cho trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, nha học đường, chăn nuôi bò sữa, các chương trình hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật, nước sạch nông thôn, bảo vệ và cải thiện môi trường và nhiều dự án khác tuy không lớn về quy mô và kinh phí nhưng thực sự đã góp phần vào sự phát triển KT-XH của TP...
Nhà tránh bão lũ cộng đồng do Tổ chức phi chính phủ Care viện trợ cho P. Hòa Quý, Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng.
Nhằm tiếp tục tranh thủ và huy động nhiều hơn nữa nguồn vốn viện trợ phi chính phủ trong tình hình mới; đồng thời góp phần phục vụ đắc lực cho các chương trình, mục tiêu phát triển KT-XH của TP, trước mắt 2010 được chọn là năm “An sinh xã hội”, ngày 22-4 vừa qua, UBNDTP đã có Quyết định số 13/2010/QĐ-UBND về việc bố trí vốn đối ứng trong hoạt động tiếp nhận nguồn viện trợ không hoàn lại trên địa bàn TP.
Theo đó, TP ưu tiên bố trí vốn đối ứng đối với các khoản viện trợ vào các lĩnh vực như: y tế; giáo dục; bảo vệ môi trường; NN&PTNT; khôi phục ngành nghề truyền thống; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc; xây dựng cơ sở hạ tầng; nâng cao vai trò phụ nữ; bảo vệ và chăm sóc trẻ em; hỗ trợ người nghèo; giải quyết việc làm và các vấn đề xã hội. Về bố trí kinh phí đối ứng: đối với vốn đối ứng để cùng với nhà tài trợ thực hiện chương trình, dự án và các khoản viện trợ phi dự án, mức vốn đối ứng bố trí tối đa với tỷ lệ là 20% tổng giá trị tài trợ của chương trình, dự án mà nhà tài trợ đã đề nghị trong văn bản cam kết, thỏa thuận.
Trong đó, tỷ lệ vốn đối ứng cụ thể theo mức vốn được tài trợ như sau: đối với chương trình, dự án có tổng mức vốn được tài trợ dưới 1 tỷ đồng, tỷ lệ vốn đối ứng tối đa là 20%; đối với chương trình, dự án có tổng mức vốn được tài trợ từ 1 - 5 tỷ đồng, tỷ lệ vốn đối ứng tối đa là 15%; đối với chương trình, dự án có tổng mức vốn được tài trợ từ 5 tỷ đồng trở lên, tỷ lệ vốn đối ứng tối đa là 10%.
Về nguồn kinh phí bố trí vốn đối ứng như sau: nguồn ngân sách TP đối với các dự án, chương trình và khoản viện trợ phi dự án thuộc TP quản lý; nguồn ngân sách của các quận, huyện đối với các dự án, chương trình và khoản viện trợ phi dự án thuộc quận, huyện quản lý; nguồn vận động đóng góp của các tổ chức, cá nhân và các tầng lớp dân cư (kể cả sức lao động để thực hiện dự án theo cam kết) theo quy định của pháp luật hiện hành.
Hy vọng, với sự quan tâm ngày càng sâu sắc của chính quyền TP đối với cộng đồng dân cư trên địa bàn, ngày càng có nhiều tổ chức phi chính phủ đến với Đà Nẵng để triển khai các chương trình, dự án, góp phần cùng với chính quyền TP thực hiện tốt chính sách “An sinh xã hội” như đã đặt ra.
Phạm Hoàng