Báo Công An Đà Nẵng

Ưu tiên cao nhất là sớm kiểm soát dịch bệnh và khôi phục sản xuất, kinh doanh

Thứ ba, 07/09/2021 07:00

Ngày 6-9, dưới sự chủ trì, điều hành của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 8 năm 2021 để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2021; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021, dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2022; kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 và các vấn đề quan trọng khác.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu trước mắt cần ưu tiên cao nhất cho việc sớm kiểm soát dịch bệnh, từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Thí điểm hoạt động đi lại của người tiêm đủ 2 mũi vaccine

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dự kiến đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 90 triệu liều vaccine (không tính nguồn COVAX - đã có cam kết nhưng do khan hiếm vaccine nên chưa có kế hoạch cụ thể). Trong đó, vaccine sẽ về rất nhiều trong tháng 9 (dự kiến hơn 20 triệu liều) và các tháng còn lại trong năm. Bộ trưởng đề nghị các địa phương triển khai cao điểm tiêm vaccine trong các tháng tới, tiến độ tiêm phải đạt 1 triệu mũi 1 ngày mới hoàn thành kế hoạch.

Trước mắt, Bộ Y tế yêu cầu 5 địa phương gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Long An và Đồng Nai phải hoàn thành tiêm mũi 1 trước ngày 15-9. Về vaccine cho trẻ em, Thủ tướng đã có chỉ đạo, Bộ đã tích cực làm việc với các công ty cung ứng và sẽ có lộ trình tiêm cụ thể.

Về việc đi lại, hoạt động của người tiêm đủ 2 mũi, Bộ đang nghiên cứu để thí điểm tại một số địa phương phía nam, đồng thời tiếp tục có khuyến cáo về bảo đảm phòng, chống dịch. Lý do là những người tiêm đủ 2 mũi vẫn có khả năng mắc bệnh và lây nhiễm cho người khác, dù nguy cơ mắc bệnh, chuyển nặng và lây nhiễm cho người khác đã giảm.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng khẳng định, trong bối cảnh rất khó khăn do tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Bộ Chính trị, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện “mục tiêu kép”; cùng cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt khó và đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực.

Nền kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng tăng 1,79% so với cùng kỳ, thấp nhất kể từ năm 2016. Thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm. Thu ngân sách nhà nước tính chung 8 tháng đạt gần 75% dự toán, tăng trên 14% so với cùng kỳ. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt khá; an ninh lương thực, thực phẩm được đảm bảo; nông nghiệp là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 8 tháng tăng 5,6%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng tăng 27,2%. Thị trường trong nước được chú trọng; thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt trên 11,58 tỷ USD, tăng 2%. Ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh, nhất là trong phòng, chống dịch bệnh và nhiều lĩnh vực khác như giáo dục, y tế, hành chính, dịch vụ... Công tác hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được quan tâm chỉ đạo.

Đặc biệt, trong điều kiện dịch bệnh, các cấp, các ngành chú trọng bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân. Đến nay đã có khoảng 15 triệu lao động được hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP với tổng số tiền 8,4 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ 1,2 triệu lao động tự do với số tiền trên 2,1 nghìn tỷ đồng; có 37 nghìn hộ sản xuất kinh doanh được nhận hỗ trợ. Chính phủ đã cho xuất cấp 134 nghìn tấn gạo hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh; triển khai trên 2 triệu túi an sinh xã hội. Các địa phương đã ưu tiên bố trí nguồn lực hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Mặt trận Tổ quốc tại tất cả 63 tỉnh, thành phố đã vận động tổ chức, cá nhân ủng hộ 6,6 nghìn tỷ đồng.

Trên cơ sở phân tích, nhận định tình hình cả ở trong nước, khu vực và quốc tế; ý kiến thảo luận của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo một số nhiệm vụ, giải pháp để phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2021. Theo Thủ tướng, trước mắt cần ưu tiên cao nhất cho việc sớm kiểm soát dịch bệnh, đồng thời từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thủ tướng đề nghị các bộ trưởng với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo ngành dọc thực hiện với quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh trong tháng 9. Thủ tướng cho rằng đây là việc làm hết sức quan trọng và chúng ta đạt mục tiêu, khi chúng ta thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội thì phải kiểm soát được dịch bệnh, đưa đất nước trở về trạng thái bình thường mới.

Đối với tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021, dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2022; kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025..., Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan tiếp thu, tổng hợp ý kiến của các thành viên Chính phủ, các nhà khoa học, quản lý để hoàn thiện, trình Chính phủ và cấp có thẩm quyền.

QUỲNH NHƯ – TTXVN