Báo Công An Đà Nẵng

Ưu tiên nguồn lực xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa- thể thao cơ sở

Thứ năm, 18/10/2018 10:40

Đó là một trong những nội dung được Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định (NĐ) 145 của Chính phủ và 5 năm thực hiện Quyết định(QĐ) 2164 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng 2030 do Bộ VH-TT&DL phối hợp UBND TP Đà Nẵng tổ chức ngày 17-10.

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL (giữa) chủ trì hội nghị.

40 địa phương quy hoạch quỹ đất dành cho thiết chế VH-TT

NĐ 145 của Chính phủ quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại đón, tiếp khách nước ngoài. Theo đánh giá của Bộ VH-TT&DL, sau 5 năm thực hiện, những mục tiêu lớn mà NĐ 145 và QĐ 2164 đặt ra đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phổ biến, quán triệt. Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyên truyền đảm bảo đúng định hướng, bám sát tinh thần NĐ 145 và QĐ 2164. Công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết việc tuyên truyền được chú trọng và thực hiện nghiêm túc. Các Bộ, ban, ngành, đoàn thể được phân công thực hiện nhiệm vụ tại NĐ và QĐ đã tích cực chủ động ban hành các văn bản theo thẩm quyền để hướng dẫn, chỉ đạo ngành dọc, địa phương; lồng ghép việc quy hoạch thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trong chiến lược phát triển của ngành và trong các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, cơ sở thực hiện.

Đặc biệt, đối với việc thực hiện QĐ 2164, thiết chế VH-TT cơ sở từng bước được củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, nội dung thiết thực đáp ứng nhu cầu của nhân dân, góp phần phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao phục vụ tích cực nhiệm vụ chính trị tại địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống tinh thần của người dân. Sau 5 năm thực hiện QĐ 2164, các địa phương đã kịp thời triển khai quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn. Ngành văn hóa các địa phương cũng đã kịp thời chủ động đề xuất với Thành ủy, Tỉnh ủy, HĐND, UBND ban hành các NQ, văn bản chỉ đạo, xây dựng các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch dài hạn, ngắn hạn để phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Đến nay, có 40 tỉnh, thành phố đã quy hoạch quỹ đất dành cho việc xây dựng thiết chế VHTT...

Đối với TP Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, QĐ 2164 là cơ sở để Đà Nẵng triển khai công tác đầu  tư, hoàn thiện hệ thống thiết chế VH-TT theo lộ trình, đảm bảo mục tiêu đề ra, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, vui chơi giải trí, rèn luyện thể lực ngày càng cao của cộng đồng. Theo đó, TP đã căn cứ QĐ này để hoàn thành công tác quy hoạch tổng thể hệ thống thiết chế văn hóa- thể thao trên toàn địa bàn TP cũng như quy hoạch chi tiết mạng lưới thiết chế ở từng địa bàn cơ sở; đồng thời chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết, hàng năm phân bổ vốn đầu tư hoàn thiện các thiết chế văn hóa cơ sở để đảm bảo đến năm 2020 có 80% xã, phường có Trung tâm VHTT và 20% xã phường còn lại có thiết chế Nhà Văn hóa. Những năm gần đây, TP Đà Nẵng rất quan tâm đầu tư hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, đặc biệt ở cấp cơ sở. Theo đó, Đà Nẵng có 1 Trung tâm VH TP; ngoại trừ huyện đảo Hoàng Sa, 7 Trung tâm VH-TT các quận huyện đã được quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành. Có 36/56 xã, phường có các hạng mục thiết chế VH-TT, 118/119 thôn có Nhà văn hóa-khu thể thao đạt chuẩn. Có 1 Nhà thiếu nhi TP, 1 Nhà Văn hóa Lao động TP, 1 Trung tâm VH-TT công nhân tại KCN Hòa Khánh.

Cần quan tâm, đầu tư các thiết chế văn hóa cơ sở

Bên cạnh các mặt được, hội nghị cũng đã chỉ ra một số mặt hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện NĐ 145 và QĐ 2164. Nhất là đối với QĐ 2164, nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện việc quy hoạch đất, hoặc là có quy hoạch nhưng chưa được đầu tư xây dựng, hay bị chuyển đổi mục đích sử dụng, chuyển đổi vị trí để lấy đất kêu gọi đầu tư. Ở một số địa phương, những Trung tâm VH- TT có vị trí thuận lợi thường bị di chuyển để dành chỗ cho các khu thương mại, dịch vụ... Cơ sở vật chất còn nghèo nàn, lạc hậu, xuống cấp, chưa đáp ứng được yêu cầu hoạt động. Một số thiết chế cấp xã, cấp thôn được đầu tư xây dựng mới nhưng do thiếu kinh phí nên hoạt động cầm chừng gây lãng phí.

Đối với thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ đời sống văn hóa tinh thần, luyện tập thể dục, thể thao cho người lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện còn quá thiếu, thậm chí nhiều KCN, khu chế xuất không có các thiết chế VHTT phục vụ cho nhu cầu đời sống của công nhân. Trong khi đó, việc xây mới các thiết chế VH-TT phục vụ cho công nhân cũng gặp khó khăn do trong KCN, khu chế xuất không còn quỹ đất. Cũng theo Bộ VH-TT&DL, Chính phủ đã có đề án giao Tổng Liên đoàn xây dựng các thiết chế công đoàn, trong đó có thiết chế VHTT, tuy nhiên đang gặp nhiều khó khăn về vốn, về đất sạch. Cũng liên quan đến vấn đề triển khai NĐ 62,  Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, cùng với công tác đầu tư, công tác quản lý và vận hành hiệu quả các thiết chế VH-TT cơ sở cũng đặt ra những yêu cầu mới không chỉ đối với riêng tại TP Đà Nẵng.

Trong nhiều vấn đề chốt lại hội nghị, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy cho rằng, việc sơ kết, đánh giá 5 năm thực hiện NĐ 145 và QĐ 2164 vừa để khẳng định những kết quả đạt được, vừa chỉ ra các hạn chế cần khắc phục, đồng thời là căn cứ để tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ trong lãnh đạo chỉ đạo các cấp các ngành, địa phương thực hiện trong thời gian tới. Kết quả sơ kết và những kinh nghiệm chia sẻ tại Hội nghị lần này sẽ là bài học quý báu cho việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện NQ 19-NQ/TW; NQ 08-NQ/CP. Liên quan đến QĐ 2164, ngoài yêu cầu một số nội dung, nhiệm vụ cần thực hiện đối với các Bộ, ngành, đoàn thể, về phía địa phương, một trong những vấn đề được Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh là việc quy hoạch và dành quỹ đất tại các địa điểm thuận lợi, ưu tiên các nguồn lực để xây dựng hệ thống thiết chế VH-TT cơ sở phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị, phân bố dân cư, xây dựng nhà ở, các công trình VHTT khác nhằm tạo ra môi trường thân thiện, thuận lợi phục vụ nhân dân khai thác, sử dụng hiệu quả.

P.THỦY (ghi)

Theo thống kê của Bộ VHTT&DL, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở các cấp trên phạm vi cả nước (số liệu năm 2017), 69 tỉnh có Trung tâm Văn hóa hoặc Trung tâm Văn hóa thông tin, Trung tâm Thông tin triển lãm, Trung tâm văn hóa nghệ thuật. Có 651/713 quận, huyện có Trung tâm VH-TT hoặc Nhà Văn hóa, đạt tỉ lệ khoảng 91%. Có 7.456/10.184 xã, phường, thị trấn có Trung tâm VH-TT, đạt tỉ lệ 73,2%. Có 75.996/101.732 thôn, bản có Nhà Văn hóa, đạt tỉ lệ 74.7%.