V-League 2017 trước ngày khai mạc: Thành bại tại... trọng tài!
(Cadn.com.vn) - Giải VĐQG Việt Nam (V-League) lâu nay hay bị chê trách vì thứ bóng đá bạo lực vẫn tồn tại và những sai sót của đội ngũ trọng tài. Mà cả hai vấn đề này nếu muốn giải quyết căn cơ chỉ cần nâng cao chất lượng đội ngũ cầm còi. Nói V-League thành bại tại trọng tài là vì thế!
Ngày 7-1 này, mùa giải V-League 2017 sẽ chính thức khởi tranh. Trước thềm mùa bóng mới, ban tổ chức lẫn người hâm mộ đặt nhiều kỳ vọng về một mùa giải thành công hơn, đáng xem hơn và đặc biệt là đông khán giả đến sân hơn. Nhưng để thu hút được khán giả đến sân, để nâng cao chất lượng các trận đấu, cần nỗ lực lớn và sự quyết liệt từ nhà tổ chức. Cụ thể, hãy chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ trọng tài.
Như đã đề cập, sai sót của các trọng tài là một trong những điểm nhấn đáng buồn ở mùa giải 2016. Thống kê của BTC giải sau khi mùa giải 2016 kết thúc cho thấy, có tổng cộng 16 trọng tài, trợ lý trọng tài mắc sai sót nghiêm trọng đến mức phải xử lý kỷ luật, đình chỉ làm nhiệm vụ tùy theo mức độ sai sót ở mùa giải 2016.
Trọng tài V-League cần nâng cao hơn nữa chuyên môn và đặc biệt phải mạnh tay hơn với hành vi bạo lực sân cỏ. Ảnh: Q.Hải |
Trong số những trọng tài bị kỷ luật, đáng chú ý có 4 trọng tài gồm Hà Anh Chiến, Phùng Đình Dũng, Đinh Văn Dũng và Ngô Mạnh Cường đã bị Ban trọng tài QG đánh tụt hạng. Đặc biệt, trường hợp trọng tài Hà Anh Chiến đã bị treo còi vĩnh viễn ở các giải đấu chuyên nghiệp vì sai sót không thể chấp nhận được.
Không thể phủ nhận sai sót của trọng tài là tất yếu, vì họ cũng là con người mà thôi, khó có thể nhận định đúng tuyệt đối mọi tình huống. Cũng không thể phủ nhận sự nỗ lực của đội ngũ trọng tài Việt Nam trong những mùa giải qua. Song, những con số sai sót quá lớn, quá nghiêm trọng đã khiến trọng tài trở thành vấn đề nóng trong mỗi mùa giải.
Một vấn đề nhức nhối khác đang tồn tại ở V-League là nạn bạo lực sân cỏ. Tại sao các trận đấu ở V-League ngày càng vắng khán giả? Câu trả lời vì chất lượng trận đấu kém, cầu thủ thi đấu ít tính cống hiến nhưng gia tăng bạo lực! Chính lối đá tiêu cực, không ngại phạm lỗi, va chạm đã, đang hình thành trong một bộ phận không nhỏ cầu thủ đã cản trở V-League nói riêng, bóng đá Việt Nam nói chung phát triển. Đã có nhiều cầu thủ quen với cách đá thô bạo ở V-League khi lên đội tuyển đã "phá hỏng đại sự" .
Hơn ai hết, chính đội ngũ trọng tài là những người trực tiếp có thể chung tay cùng ban tổ chức giải dẹp bỏ vấn nạn bạo lực sân cỏ. Các trọng tài thật quyết liệt, thật mạnh tay với những hành vi bạo lực thì tự thân giới cầu thủ phải dè chừng, phải ý thức lại hành vi của họ.
Cũng có lẽ vì trong quá khứ, trọng tài Việt Nam có nhiều vụ đình đám quá nên hễ trọng tài mắc sai sót là đội bóng, người hâm mộ bức xúc, gây sức ép. Ngồi với các trọng tài, nghe họ nói đùa câu "trăm dâu đổ đầu trọng tài" cũng thấy chạnh lòng. Nhưng nếu giới trọng tài chứng minh được họ làm tốt sứ mệnh của mình thì khi đó khán giả, đội bóng lấy cớ gì gây sức ép?
Trong đợt tập huấn công tác trọng tài trước mùa bóng 2016 đang tổ chức ở Đà Nẵng, Ban trọng tài đã nỗ lực có nhiều đổi mới, cung cấp thêm nhiều kiến thức cho đội ngũ trọng tài, trợ lý. Hy vọng mùa bóng 2017, công tác trọng tài cải thiện để góp phần giúp V-League phát triển.
Khánh Hòa