Vạch trần chân tướng vị "sĩ quan mật"
* Kỳ 1: Nhận tiền để "chạy vào trường Công an"
(Cadn.com.vn) - Tự xưng mình quen nhiều lãnh đạo ở trường CA, y bảo cứ đưa tiền cho y là chắc chắn có thể vào trường CA học, khỏi phải thi cử. Bằng chiêu đó y đã lừa chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng của nhiều người dân nghèo ngay trước cổng một cơ quan CA.
Vị khách bí ẩn
Quán cà-phê số 10 - Hà Mục, P. Hòa Phát, Q. Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng vào một ngày tháng 7-2013 khá đông khách. Phần lớn khách uống cà-phê thường tranh thủ ngồi chút xíu rồi tản về lo công việc, nhưng có một vị khách người cao dỏng, khuôn mặt sáng sủa, trông rất thiện cảm thì khác. Vị này ngồi phì phèo thuốc lá, mắt nhìn đăm đăm về phía đối diện bên kia đường là Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ của CATP Đà Nẵng, nơi có hàng trăm CBCS CA ra vào mỗi ngày. Tới giữa trưa, khi cán bộ, học viên của Trung tâm này nghỉ thì vị khách lạ mới đứng dậy trả tiền ra về. Vị khách này cứ ngồi liên tục tại vị trí ấy, hành động ấy, lặp đi lặp lại gần 1 tháng trời. Và ngày nào cũng vậy, khi rút tiền trả cà-phê, vị khách thường đưa ra tờ 5 trăm ngàn đồng, biểu hiện sự giàu có của mình.
Chân dung vị khách "nổ" là tình báo quân đội. |
Quá tò mò với vị khách lạ, chị Mai Th., chủ quán cà-phê trong một lần rảnh rỗi đã tới bắt chuyện hòng tìm lời giải cho những thắc mắc trong đầu. Vị khách này tỏ ra kín đáo, chỉ bảo ở ngoài Nghệ An vào đây làm thợ điện. Một lúc khác thì gã lại bảo làm thợ sửa ô-tô. Chị Th. suy nghĩ, nếu làm thợ điện, sửa ô-tô kiếm sống sao suốt ngày ngồi cà-phê, thời gian đâu đi làm. Chị Th. đem sự hoài nghi kể với chồng là anh Lưu K., hiện đang làm việc tại một cơ sở kinh doanh điện lạnh trên địa bàn Đà Nẵng. Nhiều lần đi làm về sớm, anh K. cũng lân la chuyện trò với vị khách lạ hòng tìm kiếm lời giải cho những thắc mắc từ vị khách có nhiều hành động kỳ quặc này.
Sau vài lần thì vị khách cũng rỉ tai anh K. nói: "Thôi thì chú hỏi anh nói thật, anh là sĩ quan tình báo được cấp trên cử vào đây theo dõi hoạt động của Trung tâm này cũng như điều tra một số chuyên án ma túy lớn ở khu vực Hòa Cầm. Anh phải giả làm thợ điện, thợ sửa ô-tô chỉ là ngụy trang thôi". Để cho lời nói của mình có trọng lượng, vị khách không ngần ngại rút ra một Giấy chứng minh sĩ quan Quân đội số 07002922 mang tên Vũ Ngọc Vượng do Quân khu 5 cấp ngày 15-11-2009 có đóng dấu đỏ và chữ ký của Chính ủy QK 5.
Sau cái rỉ tai tiết lộ bí mật thân phận đặc biệt của mình, vị khách còn không quên dặn dò chủ quán phải hết sức giữ bí mật, nếu lộ ra là "hỏng hết xôi chè". Anh K. nghe thì biết vậy chứ cũng chẳng để ý gì, nhưng với chị Th. thì những thông tin đó rất quan trọng vì nó giúp chị giải quyết thắc mắc trong lòng bấy lâu, tất nhiên chị tin sái cổ lời của vị khách.
Vào trường Công an khó gì (!)
Khi đã quen biết, Vượng tới quán uống cà-phê nhiều hơn cả sáng, trưa, chiều và tối. Một buổi sáng nọ, Vượng nói với chị Th. cho mượn tạm 2 triệu đồng đúng 1 tuần sau trả, lý do vì cơ quan chưa chuyển lương kịp. Và đúng một tuần sau Vượng mang tiền trả thật, điều đó khiến chị Th. càng tin tưởng thân phận của vị sĩ quan mật này. Nhưng chị Th. đâu biết rằng đó chỉ là một chiêu bài Vượng tung ra để lấy lòng tin, hòng "đi một nước cờ" ngoạn mục. Vượng lân la trò chuyện và biết rằng vợ chồng chị Th. có đứa em đã tốt nghiệp lớp 12 nhưng chưa thi đậu vào trường đại học, cao đẳng nào. Với lòng tin đã tạo dựng được với vợ chồng chị Th., Vượng cho biết "muốn em nó vào học Trường Cao đẳng An ninh của Bộ Công an ở TP Biên Hòa, Đồng Nai không khó", vì Vượng chơi thân với anh Bình làm Tổ chức cán bộ ở đó. Nhưng muốn xin vào được thì phải tốn tiền.
Sau khi nghe vợ kể chuyện đó, anh K. cũng đắn đo, song nghĩ đi nghĩ lại có mỗi đứa em thôi thì cũng nhắm mắt đi vay mượn tiền lo cho nó. Anh K. tâm sự, mình ở ngay trước mặt cơ quan CA, nơi có hàng trăm CBCS qua lại thường xuyên mỗi ngày, nếu gã ta lừa sẽ không dám đến chỗ nguy hiểm thế này để lừa. Mặt khác gã có thẻ sĩ quan quân đội, lại quen biết với khá nhiều người uy tín, chắc không nỡ nào đi lừa mấy chục triệu đồng của mình. Không thử thì làm sao biết, anh K. nghĩ vậy và kêu Vượng tới đồng ý với đề xuất của y. Để cho chắc ăn, anh K. yêu cầu Vượng viết giấy nhận tiền đầy đủ, nếu không lo được việc sẽ trả lại tiền.
Ngày 16-8-2013, tại quán cà-phê của anh K., Vượng đã viết giấy ghi rõ: "Tôi Vũ Ngọc Vượng, số chứng minh 182417800 - CA tỉnh Nghệ An cấp ngày 5-3-2007, số thẻ ngành TB 07002922 có nhận của anh K. số tiền 60 triệu đồng để lo cho em của anh K. vào học ngành Cao đẳng an ninh tại Biên Hòa, Đồng Nai, đến hết tháng 9-2013 nếu không lo được việc sẽ hoàn trả". Tiếp đó, ngày 24-8, Vượng lại ký giấy nhận thêm của anh K. 10 triệu đồng cũng với nội dung trên. Ngày 5-9, Vượng còn tiếp tục kêu kẹt tiền và nhận thêm 6 triệu đồng nữa của anh K.
Cũng trong thời gian Vượng hay la cà ở quán cà-phê anh K. thì gã đã bắt gặp làm quen với một người bạn anh K. cũng ở Hòa Phát, Cẩm Lệ là anh Huỳnh Minh T. Cũng qua chuyện trò gã biết được con dì của T. mới thi vào Trường Đại học An ninh (Thủ Đức, TPHCM) nhưng thiếu 2 điểm nên Vượng bảo có thể giúp được. Và tất nhiên để giúp được vẫn là tiền. Lúc đầu gã nói cần 50 triệu đồng là vào được, sau đó ít lâu không hiểu suy nghĩ gì gã ra giá chót là 55 triệu. Để lo cho con, dì của T. lại chạy vạy vay mượn đưa cho Vượng hơn 50 triệu đồng.
Sau khi nhận tiền vẫn bài cũ Vượng hứa đúng đến 20-11 nếu không lo được việc sẽ hoàn trả. Anh T. kể, Vượng rất biết tạo lòng tin với mọi người và nắm bắt tâm lý rất giỏi. Một ngày nọ sau khi quen biết không lâu, Vượng gọi điện cho T. nói rằng tới quán cà-phê trên đường Điện Biên Phủ để tâm sự. Tại đây gã tỏ ra buồn rười rượi, T. hỏi thì gã bảo mẹ mình đau mới nhập viện đang rất cần tiền mổ mà giờ gã không có tiền nên nhờ T. giúp đỡ. Thấy gã khóc sụt sùi, anh T. liền về nhà lấy 3 chỉ vàng dành dụm được đưa cho mượn. Đúng một tuần sau gã đã trả anh T. đủ số tiền với lý do vừa có lương. Ngay cả anh T. dù khá tỉnh táo cũng không thể ngờ được đó cũng chỉ là cái bẫy được gã giăng ra để chiếm lòng tin trước hòng tung chiêu lừa về sau.
Sau khi lấy được tiền của anh T. và anh K., Vượng liền cao chạy xa bay, thậm chí ngay cả tiền uống cà-phê chịu mấy tháng trời ở quán số 10-Hà Mục lên tới hơn 2 triệu đồng y cũng "quỵt" luôn.
Có hay không thuật thôi miên?
Nhiều nạn nhân khi tiếp xúc với Vượng đều cảm thấy mất hết lý trí, y nói gì nghe vậy như bị thôi miên. Có lần anh T. nổi máu nóng đòi đánh lại Vượng khi y cứ chối quanh không chịu trả tiền, ngay lập tức Vượng cầm cổ tay anh T., vậy là anh hạ hỏa. Các nạn nhân khác thì bảo y có tài nói một mình trong điện thoại rất "độc", có thể đầu dây bên kia ò í e nhưng y vẫn nói một mình với câu chuyện rất logic để lừa, chiếm lòng tin của các nạn nhân.
Không chỉ các nạn nhân bị y lừa chạy việc, xin học mà thậm chí như khách sạn A.M trên đường Lê Đại Hành, nơi Vượng tá túc mấy tháng trời sau đó "cao chạy xa bay", chủ khách sạn cũng chỉ biết mếu máo: Không hiểu sao nó nói gì là chị nghe vậy. Thậm chí ngay cả mấy bác xe ôm ở gần khu vực Vượng tá túc sau nhiều lần được y nhờ chở đi vòng quanh cũng bị "quỵt" tiền.
Hải Quỳnh
(còn nữa)