Báo Công An Đà Nẵng

Vạch trần những chiêu trò chống phá của BPSOS

Thứ bảy, 15/10/2022 08:01
Phiên tòa xét xử vụ kiện giữa Holly Huệ Ngô và Nguyễn Đình Thắng.

Sau khi được chuyển giao giữ vai trò chủ tịch điều hành BPSOS vào năm 1990, Nguyễn Đình Thắng (1958, sinh tại TPHCM, quốc tịch Mỹ) lái hoạt động của tổ chức này dần đi sâu vào các vấn đề "dân chủ", "nhân quyền", "dân tộc", "tôn giáo", trở thành một tổ chức phản động lưu vong chống phá quyết liệt ở cả trong và ngoài nước, xâm phạm trực tiếp đến an ninh quốc gia Việt Nam.

Thắng triệt để lợi dụng danh nghĩa của tổ chức NGO hoạt động trên lĩnh vực "cứu trợ thuyền viên", "người tị nạn" để xin kinh phí hoạt động trong cộng đồng người Việt tại Mỹ, Canada. Song Thắng và BPSOS đã sớm bộc lộ bản chất trục lợi vì mục đích cá nhân. Điển hình, ngày 10-7-2019, Thắng đã bị Tòa Thượng thẩm Quận Cam, California ra phán quyết hoàn trả lại toàn bộ số tiền làm thất thoát, bồi thường danh dự cho bà Holly Ngô (nguyên là phó Ban Tài chính của BPSOS) vì biển thủ ngân quỹ, dùng tiền quỹ để chi tiêu cá nhân.

Nhiều năm qua, dưới danh nghĩa tư vấn, hỗ trợ tị nạn cho những người xuất cảnh trái phép, Thắng và BPSOS đã dùng đủ mọi chiêu trò lừa phỉnh, tự tô vẽ cho mình như một tổ chức nhân đạo có tầm ảnh hưởng lớn tác động được cả giới chức Mỹ và Cao ủy tị nạn LHQ để đưa họ định cư tại Hoa Kỳ hay các nước phương Tây. Tuy nhiên, đây chỉ là những lời hứa hẹn viển vông. Thực tế, hàng ngàn người Việt Nam xuất cảnh trái phép đang bị bỏ mặc, sống chui lủi, đói khổ trong các trại tị nạn ở Thái Lan.

Thắng tận dụng sự hỗ trợ của một số chính khách nước ngoài và các tổ chức phương tây thiếu thiện chí với Việt Nam để được tham gia một số diễn đàn quốc tế. Tại đây, Thắng thường xuyên có phát biểu xuyên tạc tình hình nhân quyền Việt Nam; phát động các chiến dịch như "Thỉnh nguyện thư", "Người Mỹ gốc Việt đòi tài sản"… vận động chính giới các nước thông qua dự luật nhân quyền nhằm áp đặt chế tài, gây sức ép đòi Việt Nam trả tự do cho số đối tượng chống đối trong nước bị bắt và xử lý.

Bên cạnh đó, BPSOS xây dựng các kế hoạch hoạt động với mưu đồ "chuyển hóa nền dân chủ Việt Nam" theo mô hình phương Tây; đề ra mục tiêu lôi kéo, tập hợp lực lượng hình thành khoảng 1000 hội, nhóm xã hội dân sự trong nước dưới danh nghĩa hoạt động "dân chủ, nhân quyền". Chúng còn móc nối với các tổ chức hoạt động lưu vong khác để chống phá Việt Nam. Điển hình khi Việt Nam và Liên minh châu Âu ký kết Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA), BPSOS cùng một số tổ chức người Việt phản động ở nước ngoài đã ký tên vào cái gọi là "Thư gửi Nghị viện EU" phản đối Ủy ban Thương mại quốc tế cho phép Việt Nam tham gia EVFTA, EVIPA.

Đối tượng Nguyễn Đình Thắng.

Quá trình hoạt động của BPSOS cho thấy chúng chủ trương móc nối, tạo dựng cơ sở và tổ chức huấn luyện cho số đối tượng chống đối trong nước nhằm thúc đẩy xã hội dân sự, hình thành các hội, nhóm tôn giáo đối lập tại Việt Nam. Ở nước ngoài, chúng tuyển lựa những phần tử có tư tưởng chống đối, bất mãn chế độ và dùng số này như những nhân chứng sống để tiếp cận giới chức phương Tây, gửi những bản báo cáo, thỉnh nguyên thư vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp tự do tôn giáo, dù những thông tin này hoàn toàn xuyên tạc, bịa đặt.

Thực tế Việt Nam là một nước đa tôn giáo, đa số tín đồ chức sắc tôn giáo là nhân dân lao động yêu nước, có tinh thần dân tộc, đoàn kết, tương trợ nhau. Chính sách nhất quán của Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Những năm qua, Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc trong việc đảm bảo tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, chưa bao giờ các tôn giáo có điều kiện phát triển như hiện nay. Tính đến tháng 11-2021, Việt Nam có hơn 26,5 triệu tín đồ tôn giáo, chiếm 27% dân số cả nước. Đối với các nhóm người theo tôn giáo chưa được công nhận về mặt tổ chức hoặc chưa được cấp đăng ký hoạt động, chính quyền địa phương vẫn đảm bảo tự do sinh hoạt tôn giáo cho các tín đồ tại gia đình, điểm nhóm đăng ký với chính quyền hoặc địa điểm hợp pháp. Việt Nam cũng quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tôn giáo mở rộng quan hệ quốc tế. Nhiều hoạt động tôn giáo lớn của thế giới đã được tổ chức tại Việt Nam, như Công giáo tổ chức Tổng hội Dòng Đa Minh thế giới tại Đồng Nai, Tin lành kỷ niệm 100 năm truyền đạo tại Việt Nam, Giáo hội Phật giáo đã tổ chức Đại lễ Phật đản LHQ năm 2019 tại Hà Nam.

Tại Việt Nam, tôn giáo luôn là một bộ phận không thể tách rời trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Hơn 6200 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Tuy nhiên cũng cần nhấn mạnh, dù ở quốc gia nào, hoạt động tôn giáo đều cần phải có sự quản lý để đảm bảo hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và tuân thủ pháp luật. Không tôn giáo nào được phép đứng ngoài hoặc đứng trên lợi ích quốc gia, dân tộc, điều này phù hợp với tinh thần luật pháp quốc tế. Thời gian qua, các cơ quan chức năng ở một số địa phương đã đấu tranh, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật của một số tín đồ, goáp dân; bắt giữ, xử lý một số chức sắc, tín đồ tôn giáo và công dân vì đã lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống người thi hành công vụ, ảnh hưởng tới an ninh trật tự…Đây hoàn toàn không phải là việc chính quyền cản trở tự do tôn giáo, "bắt bớ" các tu sĩ và các tín đồ tôn giáo như BPSOS đã rêu rao.

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân thực sự được tôn trọng, đảm bảo thực hiện ngày càng tốt hơn, đó là thực tế không thể phủ nhận. Thực tế này cũng đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, điển hình là ngày 11-10 vừa qua, lần thứ 2 Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

HẢI QUỲNH