Vài cảm nhận về tập thơ "Trên lá sâu vẽ bùa" của Đỗ Thượng Thế
Thi tập "Trên lá sâu vẽ bùa" được chia làm hai phần: Phần một tạm gọi là thơ thế sự, chiêm nghiệm cuộc đời và bản thân, có tên là Trong đám mây khác. Phần hai, Khúc balld nụ hôn như tác giả làm "mềm hóa" cho phần một. Theo lời giới thiệu của nhà thơ Hiệu Triệu: "Tên tập thơ "Trên lá sâu vẽ bùa" dường như đã ngầm chứa những ma trận, những mê cung thách thức người khám phá. Hầu hết các bài thơ theo thể tự do, không nệ vần điệu. Đây là thơ đọc bằng mắt, đọc chậm, ngấm sâu…Cấu trúc thơ đặc trưng của anh phần lớn là cấu trúc phân mảnh, những thi ảnh lạ, hiện đại và đắc địa, kiến tạo thêm phần đọc sáng được liên kết với nhau một cách ngẫu hứng, nhưng tràn đầy chất liệu, biến hoá và tự ý thức này là tiếng nói trữ tình của tâm hồn thi sĩ, rất thích hợp với "khuôn thức" biểu hiện thơ tự do kiểu kiến trúc "cá biệt" Đỗ Thượng Thế". Và thay vì tự giới thiệu về mình, tác giả giản lược đôi câu: "dù thế nào trên mặt đất này hàng triệu năm qua/đã sao chép sự sống muôn loài từng hơi thở cả khối óc trái tim hoá thạch/ và nhịp chết vô hình…/ nhưng/bước chân ngôn từ vẫn miệt mài và cô độc còn vợi xa nơi -sinh-ra-những-giấc-mơ".
Thế nên, dẫu là người đã tiếp cận ít nhiều với thơ Đỗ Thượng Thế, tôi vẫn không khỏi đắn đo, cẩn trọng, thăm dò từng cung điệu bí ẩn trong tập thơ mới này. Lần lượt giở ra những trang đầu tiên, từ "Với sen giấy", đến "Ngang qua vườn nhà mẹ", "Về nhánh san hô chết"…, tôi dừng lại ở những dòng thơ nơi đây: "Vừa đi vừa niệm/ đến với ngọn núi cao cô đơn/ bao dung bao điều tồi tệ/ cự tuyệt cuộc chiến của trái tim/ lửa vô minh ngàn năm giũ bỏ/ đặt xuống gánh buồn/ bước qua cái chết…" (Vừa đi vừa niệm). Cũng vẫn bầu trời ấy, cũng vẫn ngọn núi ấy, nhánh san hô ấy, bông hoa ấy…, nhưng tác giả đang thấu cảm một điều khác xa với điều ta hằng tâm tưởng. Có những lúc yên ả, hồn nhiên như: "Cánh đồng rạng rỡ cỏ hoa/ làng mạc yên bình/ tiếng gà tre xao xác/ từng nhịp chân trời/ và bước chạy vỡ giòn/ con đường mê thấu đáy" (Cảm giác trưa). Hoặc: "Mưa nhấp nhô/ nắng thụt thò/ bước ra ngõ nép tường, bâu rào/ tránh hê hê nước cơm, nước bún/ tranh sôi sôi cháo lòng, bánh canh, hủ tiếu/ tránh ba gác, xích lô í ới leng leng keng/ leng keng…/ nhớ chứ?" (Nhịp điệu kiệt hẻm Thuận Thành), nhưng cũng có những lúc phơi bày, dữ dội: "những con sóng phơi trắng/phơi bày cái ác/cái ác từng ném lên mặt hồ nổ vỡ/những mảnh mây trong đáy nước/trừng ánh mắt căm" (Viết ở một đập hồ)…, Và một điều chắc chắn, với mỗi một câu thơ, Đỗ Thượng Thế luôn chọn lọc rất kỹ các đề từ, ý tứ và nỗ lực sắp xếp ngôn ngữ, nhịp điệu không bằng phẳng, êm ái, dễ chịu... Điều này khiến tôi chợt nhớ đến nhà phê bình văn học Đỗ Quý Toàn có lần nói: "Có những cái rắc rối của thơ, như vần điệu, luật lệ, những ràng buộc làm cho nhiều người thấy làm thơ là chuyện khó khăn. Nhưng một bài thơ hay, nghĩa là làm cho người đọc rung động, trước hết phải là lời nói bật ra tự đáy lòng, tự nhiên như hơi thở. Có người gọi đó là thơ có hồn. Những lời, những câu nói trong bài thơ đã chuyên chở một mảnh hồn của người làm thơ đến tặng người đọc.". Hay nói cách khác, nghệ thuật có khả năng đặc biệt để làm cho chúng ta nhìn thấy sự vật, hiện tượng theo một cách mới mẻ, vượt ra ngoài những khuôn mẫu và suy nghĩ quen thuộc. Thơ bắt ta phải ngẩn người một chút, ngỡ ngàng chút nữa. Và ta bỗng thấy sự vật hiện ra không phải như ta vẫn ghi sẵn nó trong đầu. Ta phải sống cái phút ta nhìn sự vật. Nhìn nó một cách tỉnh thức. Sống chính cái sự vật ta nhìn, chứ không phải ta coi hình nó chiếu lên bằng dấu hiệu.
Từ suy nghĩ đó, hy vọng người đọc sẽ thấu cảm, gần gũi hơn tác giả qua những thi ảnh độc đáo ở Trên lá sâu vẽ bùa tựa các trích đoạn sau đây: "tiếng lá nào mưa gió nghe ra/mùa xanh xa giăng mắc/ sâu vẽ bùa/ vẽ cơn mê sảng" (Trên lá sâu vẽ bùa), rồi thì: "thanh xuân không hề có cột mốc/ chỉ bài ca trái tim và hơi thở chủ quyền/ nhiệt cuồng và kích động/ ngập chân mây…" (Viết cho hót girl múa cột) và: "giữa bốn bề hùa nhau chật hẹp/chỉ câu thơ được nhìn theo những dải chim bay/ đến lúc hoàng hôn vừa chợp mắt/ ngàn chiếc bóng ngôn từ/cũng vỗ cánh cơn say" (Bóng)…
TRẦN TRUNG SÁNG
Đỗ Thượng Thế sinh năm 1970, quê quán Đại Lộc, Quảng Nam, hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam. Hiện sống và dạy học tại Đà Nẵng. Đã đoạt một số giải thưởng thơ: giải C của tạp chí Văn nghệ Quân đội (2004); giải B báo Mực Tím (2007); giải Ba "Thơ ca và nguồn cội" lần II, Làng Chùa, Hà Nội (2012); Giải B và C Văn học- Nghệ Thuật Đất Quảng lần thứ II (2015) và III (2019). |