Báo Công An Đà Nẵng

Vai trò báo chí trong quảng bá du lịch

Thứ hai, 15/06/2015 11:25

(Cadn.com.vn) - Nhiều năm gần đây, ngành du lịch đã trở thành ngành mũi nhọn của nhiều tỉnh, thành phố. Hơn ai hết, các đơn vị du lịch hiểu rằng không thể nào hữu xạ tự nhiên hương, mà cần thông qua kênh báo chí để giới thiệu sản phẩm du lịch của mình đến những khách hàng. Có thể thấy 3 vấn đề then chốt. Vấn đề thứ nhất là cách chọn lựa tour tuyến của khách. Hiện nay, trong thời đại bùng nổ thông tin, khi muốn đến một nơi nào đó hoặc chọn phòng nghỉ, thường thì mọi người hay vào trang google click chuột tìm kiếm, đại loại: Đi đâu, ăn, gì, ngủ ở đâu, mua sắm cái gì... Thường thì khách hàng tin tưởng qua các bài báo viết về đơn vị hoặc điểm du lịch đã có trên mạng; thông tin về những sự kiện mà đơn vị sắp tổ chức luôn được du khách chú ý.

Trong mối quan hệ giữa báo chí và  các đơn vị du lịch, có thể nói là việc tạo điều kiện cho các nhà báo tác nghiệp, cung cấp thông tin kịp thời của nhiều đơn vị  du lịch rất tốt. Điển hình, Festival biển Khánh Hòa năm 2015, ngoài chương trình tổng thể còn có những chương trình xã hội hóa do các đơn vị du lịch tổ chức. Các đơn vị đã kịp thời lên kế hoạch cung cấp cho báo chí thông tin chương trình của mình để qua kênh truyền thông này quảng bá sâu rộng. Đà Nẵng với Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế , Đà Lạt với Festival hoa hay Festival Huế... đã được báo chí thông tin kịp thời bởi tính truyền thông chuyên nghiệp của nhà tổ chức.

Phóng viên báo Khánh Hòa tác nghiệp tại một sự kiện lễ hội du lịch.

 Vấn đề thứ hai là trách nhiệm của các nhà báo chuyên viết về du lịch. Ngoài các tờ báo chuyên về du lịch, một số tờ báo có chuyên trang du lịch, cho thấy lực lượng nhà báo viết về du lịch đa dạng và năng động. Các phóng viên chuyên trách về du lịch đòi hỏi phải có kiến thức sâu về chuyên ngành mình phụ trách, và không ít thì nhiều, chính góc nhìn của các nhà báo đã cộng hưởng đến xã hội, đến người tiêu dùng. Có thể khẳng định chính dưới góc nhìn báo chí, du lịch trong nước đã được mọi người biết đến nhiều hơn và rõ ràng qua kênh báo chí, các điểm đến, các khách sạn, các sự kiện du lịch được thông tin rộng rãi và hiệu quả. Các nhà báo đã truyền cái hồn sự kiện khi chính mình đến vùng đất đó, truyền tải cảm xúc đến người đọc, lay động họ thật sự cho sự chọn lựa điểm đến...

Tuy nhiên, báo chí cũng có mặt trái khi nhà báo chưa đủ tay nghề, non tay, lười nhác khiến cho việc tuyên truyền bị tác dụng ngược.  Đó là các bài viết thường theo các báo cáo của đơn vị, đưa quá nhiều số liệu, số liệu thiếu thực tế, thậm chí có tình trạng sao chép tư liệu cũ, hình ảnh minh họa không phù hợp hoặc quá cũ. Nhiều bài báo giống như một bảng tổng kết hoặc thống kê, tệ  hơn là chính người viết bài không hề tham gia sự kiện hoặc điểm đến mà họ viết bài.

Vấn đề thứ ba là sự hợp tác của các đơn vị du lịch và báo chí. Như đã nói ở trên, báo chí là kênh thông tin hữu hiệu để các đơn vị giới thiệu sản phẩm du lịch đến  với công chúng. Một bài báo hay, một phóng sự ảnh truyền cảm tác động nhiều hơn so với các trang quảng cáo. Sự hợp tác và tạo điều kiện cho báo chí tác nghiệp đối với một số đơn vị du lịch được đặt lên hàng đầu. Vì thế, các đơn vị luôn tuyển chọn vị trí truyền thông, tiếp xúc với báo chí có trình độ giao tiếp tốt, kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí.

Tuy nhiên, không phải đơn vị du lịch nào cũng sẵn sàng hợp tác với báo chí, thậm chí họ coi báo chí là "chướng ngại vật hay quấy nhiễu"... Viết báo là một nghề, nhà báo còn có trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác kịp thời  đến độc giả. Mọi người vẫn cho rằng làm báo du lịch là một công việc nhàn nhã: "được ăn được nói, được gói mang về" nhưng trên thực tế lại không như thế. Bạn phải đi và đôi khi đi trong điều kiện khó khăn nhất mới đến nơi mà chưa ai đến để biết con đường ấy gian nan thế nào. Bạn phải chạm vào mới biết được ở trên mõm đá ấy có gì mà cheo leo. Và điều cốt lõi vẫn là bạn phải yêu nghề thực sự. Vì thế, sự gắn kết giữa báo chí và phát triển du lịch là điều cần thiết và không thể tách rời.

Khuê Việt Trường