Vai trò của các tổ tự quản tại cơ sở
Những phát sinh đều từ cơ sở, nếu được giải quyết kịp thời từ cơ sở càng giảm thiểu mức độ phức tạp, kéo dài. Mô hình "Tổ tự quản về trật tự an toàn giao thông đường bộ" ở thôn 1, xã Hòa Ninh, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng là một minh chứng.
Thôn 1, xã Hòa Ninh, huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) nằm trên trục đường Quốc lộ 20, với lưu lượng phương tiện giao thông đông đúc, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) cao. Bên cạnh đó, việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một số người dân còn hạn chế, thường lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường để kinh doanh mua bán. Xác định việc giảm thiểu TNGT phải bắt đầu từ những chuyển biến trong nhận thức của người dân, mô hình "Tổ tự quản về trật tự giao thông đường bộ" xã Hòa Ninh đã được hình thành và đi vào hoạt động từ tháng 10-2021, trong đó, lực lượng Cựu chiến binh thôn và Công an xã là nòng cốt. Đại úy Lê Mạnh Cường- Phó trưởng Công an xã Hòa Ninh khá tự tin về về mô hình: "Trên địa bàn xã chúng tôi đang duy trì 40 mắt camera an ninh, 38 cổng rào an ninh, 14 đội dân phòng, 6 tổ tự quản và một số mô hình nữa. Tất cả các mô hình này có sự đóng góp rất lớn của nhân dân. Bên cạnh đó cũng có sự điều hành của MTTQ, các ban ngành đoàn thể và phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an chúng tôi. Các mô hình này được triển khai đã góp phần rất tích cực trong công tác đảm bảo ANTT giúp cho tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội kiềm chế và kéo giảm hàng năm".
Sau một thời gian triển khai, từ 9 thành viên ban đầu, nay "Tổ tự quản về trật tự giao thông đường bộ" của thôn 1, xã Hòa Ninh đã có sự tham gia của 14 thành viên. Đây đều là những cá nhân tích cực, có nhiều đóng góp trong phong trào Toàn dân BVANTQ. Tổ có nhiệm vụ tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân trong thôn; trực tiếp thực hiện công tác tự phòng, tự quản, tuần tra phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Các thành viên trong tổ tự quản cũng thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở người dân sống trên địa bàn nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật, không lấn chiếm hành lang, vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán; thực hiện tốt việc giữ gìn vệ sinh môi trường, làm đẹp không gian sống gắn với xây dựng tuyến phố văn minh. Và, hiệu quả mà mô hình "Tổ tự quản về trật tự giao thông đường bộ" và các mô hình khác tại xã Hòa Ninh mang lại là rất rõ rệt. Ông Trần Văn Hộ, người dân thôn 1, xã Hòa Ninh nhận xét: "Tình hình ANTT trong giai đoạn gần đây, nhất là từ năm 2020, 2021 đến nay rất tốt. Tổ dân phòng với Hội Cựu chiến binh của thôn thường xuyên tuần tra bảo đảm tình tình hình ANTT nên trong thôn không xảy ra các vụ trộm cắp tài sản, không còn trộm cắp vặt. Những hộ dân buôn bán dọc quốc lộ 20 nhưng đều có ý thức trong việc bảo vệ hành lang an toàn giao thông, giữ sạch cảnh quan môi trường".
Ông Đặng Đình Đạt- Thôn trưởng thôn 1, xã Hòa Ninh nói về các biện pháp mà thôn đã thực hiện để có được kết quả như hôm nay: "Đầu tiên để giải tỏa an toàn lành lang đường bộ, chúng tôi đã đến từng hộ dân để tuyên truyền. Kết quả là 168 hộ trong thôn đã ký cam kết không vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường".
Mô hình "Tổ tự quản về trật tự giao thông đường bộ" tại thôn 1, xã Hòa Ninh mặc dù hoạt động chưa lâu nhưng đã mang lại hiệu quả thiết thực. Cái được trước tiên là được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của người dân, tạo được môi trường sống lành mạnh, an toàn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Hơn hết, mô hình này đã phát huy được tính tự giác, ý thức cộng đồng trách nhiệm của từng nhà, từng người dân trong việc bảo đảm ANTT và an toàn giao thông ở địa bàn cơ sở.
ĐỨC HUY