Báo Công An Đà Nẵng

“Ván bài” của Iran

Thứ bảy, 14/10/2017 10:43

Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn đang đau đầu với bài phát biểu về việc liệu có công nhận Iran vẫn tiếp tục tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015  hay không, ảnh hưởng của Tehran đã lan rộng khắp Trung Đông.

Thỏa thuận hạt nhân Iran được ký ở Lausanne, Thụy Sĩ vào tháng 4-2015.   Ảnh: Getty Images

Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ tuyên bố, Iran không tuân thủ thỏa thuận hạt nhân quốc tế này nữa trong bài phát biểu dự kiến vào ngày 13-10 (giờ Mỹ). Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, tuyên bố “không công nhận” này chỉ mang tính biểu tượng đe dọa Iran chứ không thực sự “giết chết” thỏa thuận. Vấn đề quan tâm hiện nay là trong bối cảnh Nhà Trắng mãi loay hoay với bài toán này, Iran đang trên đà mở rộng ảnh hưởng trên khắp Trung Đông.

Ảnh hưởng khắp Trung Đông

Iran có ảnh hưởng lớn ở Iraq, Syria và một mối quan hệ mạnh mẽ với Nga cũng như Thổ Nhĩ Kỳ trong suốt thời gian qua. Trong khi đó, đối thủ truyền kiếp của Iran là Saudi Arabia lại đang trải qua quá trình chuyển giao đầy khó khăn.

Đã từ lâu, trước khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân năm 2015, Iran đã từng bước mở rộng ảnh hưởng ở Syria đứng bên ủng hộ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Các binh sĩ vũ trang được huấn luyện và trang bị vũ khí tối tân thuộc lực lượng Quds của Iran đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại các nhóm khủng bố ở Syria, đặc biệt là xung quanh thành phố Aleppo.

Vũ khí và tiền mặt cũng chảy từ Tehran đến Damascus. Ở Iraq, các lực lượng dân quân ủng hộ Iran như Lữ đoàn Badr đã ngay lập tức đến giải cứu khi quân đội Iraq sụp đổ vào năm 2014 và họ dẫn đầu cuộc chiến chống lại nhóm cực đoan IS ở những nơi như Tikrit và Tal Afar. Họ bây giờ là “đối tác” của lực lượng quốc phòng Iraq nhưng không thực sự nằm trong tầm kiểm soát của Baghdad.

Các lực lượng dân quân cơ động (PMU) thậm chí đã lên đường đến biên giới của Iraq với Syria, giúp Iran tiến một bước  gần hơn đến giấc mơ liên kết giữa Tehran, Baghdad, Damascus và Beirut trong     một khu vực ảnh hưởng của lực lượng Hồi giáo Shitte.

 “Quyền lực mềm”

Trong bối cảnh Iraq chuẩn bị bầu cử vào năm tới, các lực lượng dân quân đang hướng đến một vai trò chính trị. Iran từng hứng chịu những ảnh hưởng kinh hoàng trong cuộc chiến 8 năm chống lại chính quyền Tổng thống Saddam Hussein trong những năm 1980 và luôn muốn có một người hàng xóm dễ chịu hơn.

Sau khi thỏa thuận hạt nhân được ký kết, Tổng thống Barack Obama lúc đó nói rằng, ông hy vọng nó sẽ khuyến khích Iran “hành động khác biệt trong khu vực, ôn hòa hơn”. Tuy nhiên, chính quyền ông Trump cho rằng, điều này sẽ khó xảy ra. Iran cũng không phủ nhận, ảnh hưởng của họ đã lan rộng. Ngoại trưởng Javad Zarif nói rằng, đó là vì “hành động, sai lầm, và sự lựa chọn sai lầm” của các nước láng giềng của Iran và các đồng minh phương Tây. “Đó không phải là do Iran ngăn cản một nước Saudi Arabia rình rập mở một đại sứ quán ở Baghdad trong một thập kỷ sau khi chính quyền Saddam Hussein sụp đổ, cũng không phải Iran yêu cầu chiến tranh với Yemen hay cấm vận Qatar”, ông Zarif cho biết.

Kể từ khi các nước láng giềng đóng cửa biên giới vào tháng 6, Qatar đã chuyển sang nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu từ Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Các chủ hàng Iran bắt đầu mở các dịch vụ qua Vùng Vịnh đến thủ đô Doha của Qatar. Từ Yemen tới Lebanon và Iraq, Iran đã khai thác một cách khéo léo các xung đột để mở rộng ảnh hưởng đáng có. Đây không phải là nỗ lực tốn kém (ít nhất là so với việc mua vũ khí trị giá nhiều tỷ USD của Saudi Arabia), mà chủ yếu dựa vào “quyền lực mềm”.

Thật khó để biết Iran đã được lợi như thế nào từ khi các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ một phần. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ ước tính, Iran đã thu hồi được khoảng 100 tỷ USD tài sản bị đóng băng. Nhưng quốc gia Hồi giáo này còn có rất nhiều khoản nợ dài hạn cũng như phải đối mặt với vô vàn vấn đề ở trong nước.

KHẢ ANH