Báo Công An Đà Nẵng

Vẫn còn áp lực về chi phí xăng dầu

Thứ hai, 11/04/2022 09:18
Dịch vụ ta-xi hiện gặp áp lực lớn về chi phí xăng dầu. Trong ảnh: Xe ta-xi nằm chờ đón khách ở Sân bay Quốc tế Đà Nẵng.

Từ cuối năm 2021 đến nay, với chính sách phát triển kinh tế - xã hội thích ứng linh hoạt, an toàn và phòng chống hiệu quả dịch COVID-19 của Chính phủ, các mặt hoạt động của xã hội đã khôi phục và dần trở lại bình thường. Theo đó, nguồn khách đi xe ta-xi và xe công nghệ trên bình diện cả nước nói chung, TP Đà Nẵng nói riêng đã tăng trở lại, giảm bớt áp lực cho người chạy xe dịch vụ. Tuy nhiên, giá xăng dầu vẫn neo ở vùng đỉnh do giá xăng dầu thế giới tăng nên vẫn còn áp lực về chi phí xăng dầu đối với họ.

Cho dù đợt điều chỉnh giá xăng dầu vào ngày 1-4 vừa qua nhờ vào việc giảm 50% thuế bảo vệ môi trường (tương đương 2.000 đồng/lít xăng) nhưng do giá xăng dầu thế giới tăng nên giá xăng dầu cũng chỉ giảm được khoảng 1.000 đồng/lít. Theo đó, xăng Ron 95 vẫn ở mức cao là 28.153 đồng/lít, tăng gần gấp đôi so với thời điểm năm 2020. Với giá xăng, dầu cao như hiện nay đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập, công ăn việc làm của các tài xế ta-xi, xe công nghệ.

Theo anh Hồ Viết Vượng, ở Q.Hải Châu, hành nghề ta-xi cho biết giá xăng tăng lên gần 30.000đ/lít nhưng hãng ta-xi vẫn án binh bất động không hỗ trợ gì cho tài xế nên anh và nhiều đồng nghiệp đã nghỉ chạy ta-xi từ hơn 2 tháng nay để tìm kiếm công việc khác, chờ đến khi giá xăng giảm mạnh trở lại hoặc hãng có chính sách hỗ trợ để ổn định thu nhập thì họ mới xem xét quay trở lại công việc này. Anh Phạm Trung, ở Q.Thanh Khê, lái xe công nghệ, than thở: "Thu nhập của tôi hiện nay giảm khá nhiều. Trước đây, bình quân mỗi ngày chạy được khoảng 1,5 triệu đồng/ngày là đủ trang trải cuộc sống và chi phí. Nay cày cật lực nhưng vẫn không đạt mức thu nhập đó, cộng thêm giá xăng dầu tăng cao cùng các vật giá khác khiến cho nguồn thu nhập này không đủ trang trải chi phí, trong đó, nặng nhất là các chi phí xăng dầu, tiền trả góp mua xe hàng tháng cho ngân hàng. Nhiều đồng nghiệp của tôi đã gồng gánh không nổi các chi phí nên đã bán xe trả nợ ngân hàng và chuyển sang nghề khác để mưu sinh. Vài tháng tới mà tình hình vẫn không sáng sủa hơn thì chắc tôi cũng như họ thôi".

Nhiều người chạy dịch vụ ta-xi và xe công nghệ đến nay còn cầm cự được là nhờ họ tiết kiệm chi tiêu trong cuộc sống, cắt giảm các chi phí, nhất là chi phí xăng dầu. Anh Trần Văn Hải, ngụ Q.Sơn Trà, tài xế ta-xi, chia sẻ: "Trước đây, hàng ngày, tôi thường chạy xe rảo quanh thành phố, lúc thì ở bãi biển, lúc đậu ở bệnh viện, lúc thì nằm trên các tuyến phố có nhiều khách sạn để tìm khách đi xe. Nay do giá xăng dầu tăng cao, nên hàng ngày tôi đậu cố định ở đường Hồ Nghinh (Q.Sơn Trà) là nơi có nhiều khách sạn, để chờ khách". Lái xe công nghệ Phạm Trung chia sẻ thêm: do giá xăng dầu tăng cao nên anh và nhiều đồng nghiệp nhất quyết không nhận khách ở khoảng cách quá xa so với nơi đậu đỗ xe, trong khi tuyến đường khách đặt đi lại quá ngắn để đỡ tốn chi phí nhiên liệu.

Dịch vụ ta-xi và xe công nghệ hiện gặp nhiều khó khăn, áp lực, trong đó, có áp lực về chi phí xăng dầu. Điều mong đợi nhất hiện nay với những người hành nghề ta-xi và xe công nghệ là trong thời gian đến, giá xăng dầu thế giới giảm mạnh kéo giá xăng dầu trong nước giảm mạnh theo. Trường hợp, giá xăng dầu vẫn neo ở mức cao, họ mong muốn các hãng ta-xi và xe công nghệ có chính sách hỗ trợ kịp thời nhằm góp phần ổn định nguồn thu nhập, đời sống của họ; đồng thời mong muốn Nhà nước tiếp tục có các giải pháp giảm giá xăng dầu, giữ giá xăng dầu ổn định để hỗ trợ duy trì các hoạt động vận tải nói chung, dịch vụ ta-xi và xe công nghệ nói riêng.

PHÚ NAM