Báo Công An Đà Nẵng

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII:

Vấn đề lũ lụt chi phối nghị trường

Thứ tư, 20/11/2013 12:56

(Cadn.com.vn) - Chiều 19-11, các đại biểu (ĐB) làm việc tại Hội trường bắt đầu phiên chất vấn các thành viên Chính phủ và Chánh án TAND tối cao. Người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát.  

Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, QH sẽ tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ gồm: Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son và Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình. Sau đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có báo cáo trước các ĐBQH. Việc trả lời chất vấn sẽ tập trung vào các nhóm vấn đề trọng tâm, để làm sáng tỏ những vấn đề mà cử tri cũng như ĐBQH quan tâm trong lĩnh vực quản lý của từng ngành.

   Bộ trưởng Cao Đức Phát                 Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng                Bộ trưởng Nguyễn Quân

Chấn chỉnh quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp

 Trả lời về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận qua kiểm tra trên thị trường hiện nay đang lưu hành số lượng lớn phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc thú ý, thức ăn chăn nuôi... có chất lượng kém. Chính vì xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nên đích thân Bộ trưởng, trong trường hợp đặc biệt mới ủy quyền cho Thứ trưởng để họp giao ban về nội dung quan trọng này. Trong thời gian tới, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định quyết tâm cố gắng của ngành để giải quyết căn bản những tồn tại, trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp.

Đó là tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý dựa trên cơ sở các văn bản đã ban hành; đã, đang, sẽ xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Toàn ngành phải điều chỉnh 1.250 tiêu chuẩn; hiện đã làm được 624 tiêu chuẩn Việt Nam... Ngành NN&PTNT tiếp tục chấn chỉnh bộ máy về quản lý chất lượng vật tư và thanh kiểm tra trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết hiện nay vẫn đang rất thiếu cán bộ thanh tra ở một số sở. Vấn đề này đang được khắc phục để triển khai thực hiện nhiệm vụ của ngành. Hiện đã có 1.900 người có khả năng thực hiện nhiệm vụ, tuy nhiên Bộ trưởng cho biết con số này vẫn rất khiêm tốn so với khối lượng công việc đồ sộ cần thực hiện.

Phát triển bền vững ngành lúa gạo Việt Nam

Giải đáp băn khoăn của các ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa- Vũng Tàu), Tô Thị Hồng Hạnh (Đắc Nông), Hoàng Hữu Phước (TPHCM), Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, chính sách tạm trữ lúa gạo đã được Bộ báo cáo trước Quốc hội tại nhiều phiên chất vấn, chính sách này chỉ là giải pháp tình thế. Bởi không phải năm nào cũng thu mua tạm trữ lúa gạo. Chỉ khi nào giá lúa xuống thấp, nhân dân không được lãi khoảng 30% như cam kết giữa Chính phủ với nông dân thì mới sử dụng biện pháp để ngăn chặn suy giảm giá do mất cân đối cung cầu tạm thời. Về giải pháp phát triển bền vững ngành lúa gạo Việt Nam, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, thời gian tới Bộ NN&PTNT sẽ triển khai những giải pháp đồng bộ để xây dựng ngành lúa gạo Việt Nam phát triển bền vững, hiệu quả thực sự phát huy lợi thế của đất nước, trong đó tập trung vào rà soát quy hoạch, nâng cao năng suất và giá trị cây lúa.

Huy động tối đa các nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Trả lời câu hỏi của ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) về phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, qua tổng kết 3 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đã cho thấy, đây là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, được nhân dân hưởng ứng và mong đợi. Tuy nhiên, đây là chương trình khó, có thể thực hiện được khi cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc và có cách làm đúng đắn, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân phù hợp- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, 4 và 5 cho thấy để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới Ngân sách Trung ương hỗ trợ cho chương trình xây dựng nông thôn mới 3 năm qua chưa đến 5 nghìn tỷ đồng, trong khi đó ngân sách địa phương bỏ ra 31 nghìn tỷ đồng, nhân dân góp vào gần 70 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết sự đóng góp của nhân dân và ngân sách địa phương chủ yếu là ở các tỉnh đồng bằng, có ngân sách dồi dào. Các địa phương còn khó khăn, nhất là các tỉnh miền núi, thực hiện chương trình còn chậm và gặp nhiều khó khăn. Bộ trưởng kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội ưu tiên hỗ trợ cho các địa phương khó khăn, đặc biệt là đồng bào dân tộc miền núi.

Đã sang Philippines nghiên cứu bão Haiyan

Đã trả lời 2.007 kiến nghị

Trước khi bắt đầu phiên chất vấn, các ĐBQH nghe ông Nguyễn Đức Hiền, Trưởng Ban dân nguyện của UBTVQH, trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII. Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5 cho thấy tại kỳ họp này, cử tri cả nước đã gửi đến Quốc hội 2.007 kiến nghị. Nội dung các kiến nghị liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế- xã hội; trong đó nổi lên là: tái cơ cấu nền kinh tế; hoàn thiện chính sách về đất đai; nông nghiệp, nông dân, nông thôn, y tế, giáo dục- đào tạo; quản lý, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu; chính sách đối với cán bộ cơ sở, người có công, xóa đói, giảm nghèo; giải quyết khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp... Đến trước kỳ họp thứ 6, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, TAND tối cao và Viện KSND tối cao đã nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết, trả lời 2.007/2.007 kiến nghị. Tuy nhiên, ông Hiền cho biết, còn nhiều kiến nghị, các cơ quan đã tiếp thu, giải quyết, trả lời những vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của cử tri, nên cử tri tiếp tục kiến nghị. UBTVQH đề nghị Chính phủ, các cơ quan hữu quan tiếp tục quan tâm hơn nữa đến việc nâng cao chất lượng giải quyết các kiến nghị của cử tri.

Trong quá trình chất vấn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề có liên quan.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, đối với khu vực bão lũ miền Trung, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng tham mưu cùng các bộ đề xuất giải pháp để ứng phó với bão lũ, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Bộ Xây dựng đã cùng với các địa phương ở 14 tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận tập trung nghiên cứu khoanh vùng trên cơ sở địa hình xác định những khu vực ngập lũ để có những giải pháp cụ thể.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã phê duyệt Quyết định làm thí điểm 700 ngôi nhà tránh lũ ở miền Trung. Mỗi ngôi nhà có hai sàn cứng, khung bê-tông 10 đến 15m2. Chính phủ đang chuẩn bị nguồn vốn tập trung đầu tư cho 40 nghìn hộ dân xây nhà tránh lũ, với mức hỗ trợ 10 triệu đồng từ Nhà nước, Ngân hàng Chính sách cho vay 15 triệu đồng, còn lại người dân bỏ ra và cộng đồng hỗ trợ. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nêu rõ trước tình hình biến đổi khí hậu phức tạp, Bộ Xây dựng đã cử đoàn công tác sang Philippines nghiên cứu ảnh hưởng của cơn bão Haiyan để có giải pháp cụ thể ứng phó với biến đổi khí hậu, ứng phó với nước biển dâng. Bộ chủ động cùng các tổ chức quốc tế nghiên cứu những quy hoạch ven biển phù hợp với điều kiện ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam trong tương lai...

Đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ...

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết đã cùng Bộ NN&PTNT tổng kết Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, qua đó cho thấy khoa học công nghệ có đóng góp nhất định cho sự phát triển nông nghiệp. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 3 Chương trình quốc gia lớn về khoa học công nghệ, trong đó có 2 chương trình gần gũi với nông nghiệp, đó là Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia. Bộ trưởng cho biết nhiều năm qua, Bộ đã quan tâm tới mảng nông nghiệp và phát triển nông nghiệp. Trong 10 chương trình trọng điểm của Nhà nước về khoa học công nghệ có 2 chương trình phục vụ trực tiếp cho ngành nông nghiệp được ứng dụng đem lại hiệu quả. Điều này khẳng định, khoa học công nghệ góp phần quan trọng cho sự phát triển nông nghiệp... Tuy nhiên, điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch QH đề nghị các ĐB làm rõ hơn việc ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, tại sao khá nhiều thành tích như Bộ trưởng nói nhưng năng suất và chất lượng nông sản của ta... vẫn thấp!

Lúc 17 giờ, chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tạm dừng theo yêu cầu của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng. Các nội dung Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời dang dở sẽ tiếp tục trả lời trong phiên chất vấn hôm nay (20-11). Các nội dung này được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

B.T -  TTXVN

Xả lũ gây hại, cần xử lý hình sự

ĐB Nguyễn Văn Phúc

Sáng 19-11, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của QH về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5, ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) tha thiết: “Ngay giờ phút này, bà con Nam Trung Bộ đang bị mưa lũ... Bà con cử tri kiến nghị Chính phủ, Quốc hội cần có giải pháp thật căn cơ để hạn chế thiệt hại về người, tài sản của nhân dân vùng bão lũ”.

Bức xúc với hành vi xả lũ mà không thông báo cho địa phương, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản, ĐB chỉ trích: “Không thể chấp nhận được việc xả lũ mà chính quyền địa phương không biết. Phải điều tra, xử lý kỷ luật thậm chí là xử lý trách nhiệm hình sự vì hậu quả thiệt hại cho nhân dân là rất lớn mà không bị xử lý”. Cũng đề cập vấn đề thủy điện xả lũ, ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) đề nghị xử lý nghiêm, thậm chí xử lý hình sự để bảo đảm các quy trình xả nước được tuân thủ chính xác.

Ngành Y tế mong được khoan dung!

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến

Tham gia giải trình tại buổi thảo luận, trả lời câu hỏi về y đức của ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) và một số đại biểu khác, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận trách nhiệm của Bộ, của ngành đối với vụ việc tại thẩm mỹ viện Cát Tường.

Bộ trưởng cho rằng, vấn đề y đức, đặc biệt là vụ thẩm mỹ viện Cát Tường, dù nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp, dù khách quan hay chủ quan, người đứng đầu Bộ Y tế đều có liên quan trách nhiệm. “Vụ Cát Tường là sự mất nhân tính chứ không chỉ là đạo đức ngành y, nó đã gây đau đớn cho tất cả ngành y, tất cả cán bộ y tế đều không tin đó là sự thật”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng cho biết thêm, lần đầu tiên, Bộ đã tổ chức 11 lớp quy tắc ứng xử đạo đức cho 6.000 cán bộ trong ngành. “Chúng tôi cảm nhận sâu sắc là y đức là vấn đề rất lớn. Mong đại biểu và cử tri có cái nhìn khoan dung và toàn diện hơn, bởi hàng năm với khối lượng rất lớn các ca khám chữa bệnh, không tránh khỏi có tai biến và có cán bộ y tế “con sâu làm rầu nồi canh”, Bộ trưởng nói.

Năm 2015 sẽ khống chế  được nợ đọng xây dựng cơ bản

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh

Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Thành Tâm về tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho rằng nợ đọng xây dựng cơ bản có nhiều dạng, nợ trong kế hoạch nhà nước, ghi cho các bộ ngành nhưng thường làm quá nợ các công trình ghi kế hoạch.

Thứ hai là các công trình thuộc ngân sách địa phương. Có nhiều số liệu báo cáo về vấn đề này, có số liệu là 100 nghìn tỷ, có số liệu là 85 nghìn tỷ...  Số liệu mới nhất Bộ thống kê được là chỉ còn 43 nghìn tỷ.

Ông Vinh khẳng định: Về cơ bản, đến năm 2015, các địa phương sẽ khống chế được nợ đọng xây dựng cơ bản.