Báo Công An Đà Nẵng

Vấn đề Nga - Ukraine làm nóng Hội nghị Ngoại trưởng G7

Thứ tư, 19/04/2023 07:50
Ngoại trưởng các nước G7 đã trao đổi về các vấn đề an ninh toàn cầu hiện nay. Ảnh: Reuters

Liên quan đến xung đột Nga - Ukraine, Tuyên bố chung cho biết, các ngoại trưởng đã thống nhất được nội dung quan trọng là tiếp tục viện trợ cho Ukraine và thực hiện một cách nghiêm khắc các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, đồng thời phê phán mạnh mẽ việc Nga đặt vũ khí hạt nhân ở Belarus, yêu cầu các nước thứ 3 ngừng cung cấp vũ khí vào Nga, yêu cầu Trung Quốc ngừng hoạt động hỗ trợ Nga.

Tháng 3 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga sẽ bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ của nước láng giềng Belarus. Moscow khẳng định thực hiện động thái này vì bị ép buộc bởi sự mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về phía biên giới Nga. Đây là lần đầu tiên Nga tuyên bố sẽ bố trí vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của một quốc gia khác kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc ba thập kỷ trước.

Các ngoại trưởng nhóm G7 đã chỉ trích tuyên bố của Nga về việc đặt vũ khí hạt nhân ở Belarus là "vô trách nhiệm" và "không thể chấp nhận được". Hội nghị Ngoại trưởng G7 đã khẳng định, "bất kỳ việc sử dụng vũ khí hóa học, sinh học hay hạt nhân nào ở Ukraine" sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng.

Tuy không đưa ra biện pháp trừng phạt mới nào cho Moscow liên quan tới chiến dịch quân sự ở Ukraine, G7 tuyên bố sẽ tăng cường phối hợp để ngăn chặn các nước giúp Nga trốn tránh các biện pháp trừng phạt và mua vũ khí phục vụ cho cuộc chiến. "Lời nhắc nhở" về việc hỗ trợ Nga trong vấn đề Ukraine được coi là một thông điệp gửi tới Trung Quốc, sau khi các quan chức phương Tây liên tục đưa ra tuyên bố cảnh báo Bắc Kinh không được trực tiếp gửi vũ khí cho Moscow.

Trước đó, bên lề cuộc họp G7 ngày 17-4, 5 nước gồm Anh, Mỹ, Canada, Nhật và Pháp đã nhất trí sử dụng các nguồn lực và tiềm năng về ngành năng lượng hạt nhân của mỗi quốc gia để làm suy yếu quyền kiểm soát của Nga đối với chuỗi cung ứng. Động thái này nhằm "làm suy yếu và loại trừ Nga" ra khỏi thị trường nhiên liệu hạt nhân quốc tế nhanh nhất có thể, từ đó cắt đứt các nguồn thu của Nga, một trong những nhà sản xuất uranium lớn nhất thế giới.

Theo Bộ trưởng An ninh năng lượng Anh, các cam kết của G7 thể hiện quyết tâm nhằm cô lập Nga hơn nữa trên phạm vi quốc tế. Trước đó, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết Berlin ủng hộ Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ngành công nghiệp hạt nhân của Nga. Ông Habeck lưu ý công nghệ hạt nhân là "một lĩnh vực cực kỳ nhạy cảm" còn Nga thì không còn được coi là một đối tác đáng tin cậy trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, các thành viên EU cho tới nay vẫn chia rẽ về ý tưởng trên và chưa đạt được thống nhất về việc đưa nhiên liệu hạt nhân vào các gói trừng phạt nhằm vào Nga.

Liên quan các vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên, trong Tuyên bố chung, các Ngoại trưởng G7 yêu cầu Bình Nhưỡng kiềm chế các hành động có nguy cơ gây bất ổn trong khu vực, không tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo.

Về tình hình Afghanistan, các Ngoại trưởng G7 yêu cầu chính quyền Taliban "đảo ngược ngay lập tức" lệnh cấm phụ nữ ở Afghanistan làm việc cho các tổ chức phi chính phủ và Liên hợp quốc. G7 cũng chỉ trích việc Taliban "vi phạm nhân quyền của phụ nữ và trẻ em gái một cách có hệ thống cũng như phân biệt đối xử đối với các thành viên thuộc sắc tộc thiểu số và các tôn giáo khác".

Các Ngoại trưởng G7 cũng kêu gọi "chấm dứt bạo lực ngay lập tức" tại Sudan, sau khi các cuộc đụng độ giữa quân đội nước này và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) khiến gần 200 người thiệt mạng. Các Ngoại trưởng cảnh báo các cuộc giao tranh đe dọa tới an ninh và sự an toàn của người dân Sudan, đồng thời làm suy yếu các nỗ lực khôi phục quá trình chuyển đổi dân chủ của nước này. Nhóm G7 kêu gọi các bên nhanh chóng quay trở lại đàm phán và thực hiện các bước tích cực để giảm căng thẳng.

Về vấn đề hạt nhân Iran, G7 cho rằng "một giải pháp ngoại giao vẫn được chúng tôi ưu tiên trong việc giải quyết những quan ngại quốc tế liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran". G7 cho biết đã ghi nhận ý định của Iran cho phép Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tiến hành hoạt động thanh sát và tạo điều kiện cho IAEA tiếp cận ba cơ sở hạt nhân tại nước này. G7 cũng "kêu gọi Iran tôn trọng các nghĩa vụ về giới hạn hạt nhân và các cam kết thông qua hành động lập tức và cụ thể".

Liên quan đến các vấn đề toàn cầu khác, Tuyên bố chung nhấn mạnh sự đóng góp tất yếu của các nước G7, những vấn đề này cần được thực hiện thông qua đối thoại nhằm xây dựng mối quan hệ mang tính xây dựng và ổn định, thúc đẩy cho hoạt động khôi phục nền kinh tế thế giới, giao lưu nhân dân.

Tại buổi họp báo sau Hội nghị, Ngoại trưởng Nhật Bản Hayoshi Yoshimasa bày tỏ vui mừng trước việc Hội nghị đã thảo luận thẳng thắn và hiệu quả những vấn đề quan trọng, đưa ra được Tuyên bố chung, tạo được tinh thần hợp tác giữa Ngoại trưởng các nước thành viên hướng tới tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh dự kiến tổ chức tại Hiroshima vào tháng 5 tới.

AN BÌNH