Báo Công An Đà Nẵng

Vấn đề nóng, xử lý... nguội!

Thứ tư, 29/03/2023 06:56
Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu tại cuộc họp thường kỳ ngày 28-3.

Thiếu đất xây trường học

Phó Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Anh Thi cho biết, Đề án phát triển trường học giai đoạn 2021-2025 triển khai rất chậm. Tính đến cuối năm 2022, Đà Nẵng đã phê duyệt chủ trương đầu tư 76 công trình với tổng mức đầu tư 1553 tỷ đồng, trong đó 17 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, 15 công trình đang thi công, 44 công trình đang triển khai các bước đầu tư. Như vậy, đã qua gần 2/5 thời gian thực hiện đề án nhưng hầu hết các công trình đang còn giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Số công trình hoàn thành ước đạt 350 tỷ đồng, tương đương 8% giá trị đề án được duyệt.

Theo bà Thi, kết quả thực hiện thấp, nguyên nhân do quỹ đất công hạn chế, việc chọn địa điểm đề xuất đầu tư xây dựng mới cơ sở giáo dục gặp nhiều khó khăn. Mục đích ban đầu của đề án là phát triển trường mới để giảm tải cho các cơ sở giáo dục đã không thực hiện được. Một số vị trí quy hoạch xây dựng trường học đang vướng khâu giải tỏa đền bù nên chưa thể triển khai được, nhất là các trường thuộc quận Sơn Trà, Liên Chiểu, trường THPT Hòa Vang cơ sở 2.

Cũng theo bà Thi, đề án xây dựng tổng mức đầu tư mang tính khái toán theo đơn giá trung bình thấp của năm 2020, không thể tính hết các tình huống bất lợi khác của từng công trình như trượt giá, địa chất, điều kiện thi công, điều kiện sử dụng, yêu cầu kiến trúc, giải tỏa đền bù…nên khi triển khai gặp nhiều khó khăn, chậm trễ, ảnh hưởng tới khả năng cân đối vốn đầu tư công trung hạn. Bên cạnh đó, bà Thi cũng cho rằng, khi xây dựng cơ sở giáo dục mới cần nghiên cứu số lượng giáo viên có đảm bảo không, tránh trường hợp trường đầu tư xong thiếu giáo viên, phải xoay xở, điều tiết rất lúng túng.

Ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch HĐND TP dẫn chứng, Liên Chiểu là quận duy nhất chưa thực hiện được đề án học sinh tiểu học ngày 2 buổi. Với tình trạng này, năm học tới quận Liên Chiểu phải thuê thêm cơ sở để đảm bảo cho học sinh học. Cũng theo ông Sơn, cái vướng lớn nhất trong phát triển cơ sở giáo dục ở Liên Chiểu là thiếu quĩ đất, dù chủ trương đầu tư có rồi. Vì thế, cần nghiên cứu giải pháp rà soát, thu hồi các cơ sở đất công đang cho thuê hết thời hạn hoặc sử dụng không hiệu quả. Vị trí đất nào lớn, phù hợp, dành để xây trường học. Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh thống nhất quan điểm rà soát quĩ đất công đang cho thuê, hết hạn…đề dành xây trường lớp. Ông Chinh cho biết, quận Liên Chiểu đang tổng hợp danh mục vị trí đất, một số vị trí đã gia hạn cho thuê đất đến năm 2024 sẽ thu hồi, thậm chí một số vị trí cho thuê nhưng sử dụng không hiệu quả cũng thu hồi, kể cả một số cơ sở nhà công sản sẽ dành để xây trường học.

Nhiều lớp học ở Liên Chiểu quá tải nhưng không có quỹ đất để xây trường học mới.

Dự án bức thiết, tiến độ… ì ạch

Chủ tịch HĐND TP Lương Nguyễn Minh Triết nói, vấn đề bãi đỗ xe công cộng khu vực trung tâm rất “nóng”, nhưng chủ yếu hiện mới chỉ có 2 bãi đỗ xe đầu tư công tại Phan Châu Trinh, Hải Phòng. Còn lại, các vị trí kêu gọi xã hội hóa hiện còn vướng mắc, chưa thực sự thu hút nhà đầu tư. Cần phải có cơ chế tổng thể, chứ kêu gọi nhà đầu tư làm bãi đỗ xe mà xung quanh ngoài vỉa hè vẫn cho đậu đỗ xe ô-tô tràn lan thì không nhà đầu tư nào dám đầu tư. Chưa kể, một số bãi đỗ xe tạm, trời nắng, không có mái che, rất ít xe vào đậu. Đơn cử như bãi đỗ xe chỗ cầu Trần Thị Lý, hiếm thấy xe vào đậu. Trưởng Ban Đô thị Nguyễn Thành Tiến đề xuất TP nên nghiên cứu bãi đỗ xe ô-tô trên 16 chỗ tại trung tâm TP dành cho du lịch. Thực tế hiện nhiều xe du lịch chở khách vào trung tâm, có bãi đỗ xe lớn, sau đó phát triển dịch vụ xe điện để khách đi các điểm tham quan.

Ngoài bãi đỗ xe ở trung tâm thì việc di dời, giải tỏa nhà tập thể xuống cấp, chung cư cũng là vấn đề “nóng”,bức thiết, nhưng xử lý rất chậm. TP có 2 khu tập thể xuống cấp mức độ rất nguy hiểm (cấp độ D) theo Nghị quyết của HĐND phải giải tỏa dứt điểm cuối năm 2022. Tuy vậy, đến nay vẫn còn 9 hộ dân ở KTT 50-52 Lê Lai chưa thể di dời, giải tỏa. Theo Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh, TP đang xử lý quyết liệt, đã có phương án di dời, tuy nhiên hồ sơ khu vực này rất phức tạp. TP thống nhất quan điểm hỗ trợ tiền, không bố trí tái định cư. Ông Lương Nguyễn Minh Triết cho rằng, cần tính phương án thuê nhà để các hộ dân này di dời tới ở tạm trong quá trình xử lý dứt điểm, tránh tình trạng khu tập thể xuống cấp, có để sập đổ bất cứ lúc nào. Khi đó, sẽ phát sinh nhiều hệ lụy.

Hạ tầng một số dự án trọng điểm về giao thông như Trục I Tây Bắc, đường vành đai phía Tây hay các cụm công nghiệp Cẩm Lệ, Hòa Nhơn, Hòa Khánh Nam, các nhà máy xử lý rác, chợ đầu mối Hòa Phước…tiến độ triển khai rất ì ạch. Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách Phan Thị Tuyết Nhung cho biết, CCN Hòa Nhơn phải hoàn thành giải phóng mặt bằng trước 29-3, tuy nhiên đến giờ vẫn còn 8 hộ dân chưa giải tỏa xong. Với CCN Cẩm Lệ (giai đoạn 1) đến nay vẫn chưa có tiêu chí chọn nhà đầu tư. Đặc biệt, do trước đây đầu tư không đồng bộ, xây hạ tầng CCN xong thì không có đường vào, phải nghiên cứu đầu tư tuyến đường vào. Ông Trần Phước Sơn nói, tuyến đường vào CCN Cẩm Lệ đã nghiên cứu từ tháng 11-2021 nhưng đến giờ vẫn chưa có chủ trương đầu tư, hạ tầng CCN xong nhưng chưa đưa vào khai thác được. Tương tự là chợ đầu mối Hòa Phước, ông Sơn cho biết Sở Xây dựng tham mưu không nhất quán, trước kia thì nói không cần qui hoạch chi tiết, giờ lại đòi phải có qui hoạch chi tiết. Việc lòng vòng, chậm trễ mất đi cơ hội thu hút nhà đầu tư. Quảng Nam cũng đang nghiên cứu xây chợ đầu mối, nếu làm sớm, giao thông thuận lợi, tới lúc Đà Nẵng làm xong thủ tục, làm sau, rất khó cạnh tranh để kêu gọi nhà đầu tư.

Tương tự với dự án Trục I Tây Bắc, do vướng giải tỏa gần như dậm chân tại chỗ, kéo dài nhiều năm. Theo Phó Ban đô thị Lê Văn Dũng, năm 2022 HĐND TP đã phải điều chỉnh nâng tổng mức đầu tư lên hơn 350 tỷ đồng để bù vào trượt giá. Nếu dự án cứ vướng mặt bằng, không đẩy nhanh tiến độ, thông tuyến đưa vào sử dụng, sẽ tiếp tục trượt giá đền bù, tiếp tục đội vốn, gây lãng phí đầu tư rất lớn.

HẢI QUỲNH