Báo Công An Đà Nẵng

TƯ VẤN PHÁP LUẬT:

Vấn đề về "quyền im lặng"

Thứ hai, 30/05/2016 08:50

(Cadn.com.vn) - "Quyền im lặng" (viết tắt: QIL) là một trong những vấn đề mà nhiều chuyên gia pháp lý, luật sư cũng như người dân quan tâm. Bởi "QIL", bên cạnh việc bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực tư pháp hình sự, nó còn đảm bảo tính minh bạch của pháp luật. Vậy "QIL" được ghi nhận thế nào theo Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS 2015) có hiệu lực từ ngày 1-7-2016?

Chúng tôi trích đăng ý kiến của Ths. Luật sư Lê Ngô Hoài Phong, Trưởng Chi nhánh Văn phòng luật sư Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng, về vấn đề này như sau: Mặc dù BLTTHS 2015 không có điều khoản nào quy định cụ thể "QIL" nhưng quyền này vẫn được thể hiện gián tiếp ở nhiều điều luật. Đơn cử, Điểm e Khoản 1 Điều 58 quy định người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang và người bị bắt theo quyết định truy nã có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình hoặc buộc phải nhận mình có tội. Khoản 2 các Điều 59, 60 và 61 quy định người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội. Như vậy, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền khai báo và không buộc phải khai báo những gì bất lợi, không buộc phải nhận mình có tội. Đây có thể được hiểu là một nội dung của "QIL". Ngoài ra, Điểm b Khoản 1 Điều 73 quy định người bào chữa có quyền có mặt khi người có thẩm quyền lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu người có thẩm quyền đồng ý thì người bào chữa được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can; Điều 15 quy định trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người bị buộc tội không buộc phải chứng minh là mình vô tội.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn
của Chi nhánh Văn phòng luật sư Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng

Điện thoại tư vấn: 0905102425