Báo Công An Đà Nẵng

Văn hóa bản địa mê hoặc người đẹp ASEAN

Thứ ba, 20/06/2017 09:47

(Cadn.com.vn) - Đêm 18-6, hàng ngàn người đã đổ về quảng trường trung tâm H. Sông Hinh (Phú Yên) để ngắm các người đẹp đến từ nhiều quốc gia Đông Nam Á và thưởng thức “bữa tiệc” giao lưu văn hóa đặc sắc. Như lời ông Ksor Y Phun, Phó Chủ tịch huyện, từ khi thành lập huyện đến nay chưa bao giờ địa phương được đón nhiều người đẹp về giao lưu như vậy. Đặc biệt các người đẹp lại đến từ nhiều nước, mỗi nước có sự cuốn hút riêng mà lâu nay chỉ thấy trên phim ảnh, truyền hình, điều đó giải thích vì sao người dân lại háo hức đón chờ như vậy. Nghệ nhân Hme, làm việc tại Trung tâm văn hóa huyện bảo, phần lớn bà con tới để ngắm người đẹp, nhưng riêng chị còn mong muốn được gặp các thí sinh đến từ Indonesia để “nói chuyện”. Thấy tôi ngạc nhiên, chị giải thích vì ngôn ngữ Ê Đê xuất phát từ vùng đất bên eo biển Malacca, có hệ ngôn ngữ chung với Indonesia. Chị Hme đã được thỏa nguyện khi giao tiếp với thí sinh Renanda Ananta, tất nhiên có từ hiểu, có từ không, nhưng với chị đó là cuộc giao tiếp bất chợt, thú vị, một kỷ niệm khó quên trong đời.

Người đẹp dự Hoa hậu Hữu nghị ASEAN say sưa trải nghiệm văn hóa bản địa.

Tại “bữa tiệc” giao lưu văn hóa, các thí sinh Hoa hậu Hữu nghị đã được thưởng thức những tiết mục biểu diễn nghệ thuật độc đáo của đồng bào địa phương như hát then, biểu diễn múa đâm trâu, hát dân ca giao duyên… Khi người đẹp Sornsarot Vittayaruengsook (Thái Lan) thắc mắc vì sao các tiết mục nghệ thuật ở đây thường có nhiều người biểu diễn, nghệ nhân Hme giải thích: Vì khu vực rừng núi rộng lớn, người dân thường quây quần lại sinh hoạt văn hóa tập thể để mang tính cộng đồng, đoàn kết hơn. Từ đặc điểm quần tụ sinh hoạt văn hóa mà các tiết mục cũng được dàn dựng tập thể, ai cũng có thể được hát hò, nhảy múa. Trong khi đó, người đẹp Tirot Sou (Campuchia) tỏ vẻ quan tâm tới trang phục biểu diễn của các nghệ nhân. Khi được giải thích về những họa tiết trên vải thổ cẩm truyền thống của người dân tộc thiểu số Ê Đê, về quy trình dệt vải thổ cẩm, Tirot Sou rất thích thú và cho biết sẽ mua một chiếc váy thổ cẩm về làm quà. Sôi động và hào hứng hơn, người đẹp Vaness Tiara Tay Ya Men (Singapore) còn lên sân khấu biểu diễn một bài hát nổi tiếng của đất nước mình với phần vũ đạo rất ngẫu hứng của 2 người đẹp khác đến từ Malaysia. Buổi giao lưu thực sự “bùng cháy” khi ánh lửa trại được thắp lên và ché rượu cần được mang ra. Các người đẹp nắm tay hòa đồng với người dân địa phương quây thành vòng tròn lớn nhảy múa trong âm điệu vang vọng của đội cồng chiêng. Càng về đêm, tiếng cồng chiêng càng vang xa, cả vùng đồi núi được đánh thức trong một lễ hội thực sự.

Thí sinh xúc động trước hoàn cảnh gia đình chị HChúc.

Cũng trong chuyến trải nghiệm về miền núi Sông Hinh, các thí sinh Hoa hậu Hữu nghị ASEAN đã tìm tới những gia đình khó khăn để thăm hỏi, trao quà từ thiện. Những món quà thiết thực và lời thăm hỏi chân thành, đầy cảm xúc của các người đẹp khiến người dân cảm thấy ấm lòng. Chị Ksor HChúc ở buôn Lê Diêm, thị trấn Hai Riêng chia sẻ: “Tôi không ngờ các người đẹp lại gần gũi, thân thiện đến vậy. Họ động viên tôi cố gắng hơn, mạnh mẽ hơn, đừng bao giờ mất niềm tin vào cuộc sống. Họ bảo ở đâu cũng có những người khó khăn và ở đâu cũng có những tấm lòng sẵn sàng chia sẻ. Phải biết vượt qua khó khăn để sống vui vẻ hơn”. Khi tới thăm nhà cụ HLan (80 tuổi), chứng kiến cảnh cụ sống một mình trong căn nhà sàn cũ kỹ, nhiều thí sinh đã rớt nước mắt. Thí sinh Thinzar Kyaw (Myanmar) chia sẻ, nhìn hình ảnh cụ HLan làm cô rất nhớ quê nhà, nơi cũng có những bà cụ sống neo đơn lặng lẽ trong phần cuối cuộc đời.

Khép lại hành trình về với miền núi Sông Hinh, trong lòng mỗi thí sinh hẳn có những xúc cảm riêng. Nhưng, ấn tượng về một vùng núi non hùng vĩ, con người thân thiện, văn hóa đặc sắc chắc chắn là điểm chung lưu lại trong ký ức mỗi thí sinh đến từ các quốc gia Đông Nam Á.

HẢI QUỲNH