Văn hóa chợ quê
(Cadn.com.vn) - Ngày trước, người ta gọi người thành phố là "dân kẻ chợ". Nhưng lịch sử của phố thì có sau lịch sử của chợ, bởi chợ là "người mẹ" của phố. "Người mẹ" ấy ra đời từ quê. Văn hóa chợ quê ra đời từ trước công nguyên, khi loài người có nhu cầu trao đổi hàng hóa. Hình thức giao thương sơ khai nhất trong lịch sử thương mại là "vật đổi vật", cách nói hình tượng là "một con dê bằng hai bao gạo". Nước ta ở vùng lúa nước, từ xa xưa đã sinh ra cái chợ quê, đã trở thành ngọn lửa thiêng sáng lên trong tâm thức cộng đồng, là một yếu tố cấu thành nền văn minh làng xã.
Vào đầu thế kỷ XX, ta hình dung lại gương mặt chợ quê qua những trang sách báo. Trong cuốn "L indochine en Ziggzas" năm 1929, ông P.Bi-lô-ti, một nhà nghiên cứu người Pháp đã ghi: "Trên chính con đường, cả một đoàn người nối đuôi nhau đi. Phải chăng họ từ phiên chợ trở về, những người dân quê gánh nặng và đông đảo ấy? Họ bước thoăn thoắt, chiếc đòn gánh tre trên vai cứ lủng lẳng thõng xuống như hai đĩa cân, hai rổ xảo hay thúng mủng. Trong những thúng mủng này chồng chất bao thứ khác nhau: thóc, gạo, chuối, rau cỏ, cau trầu, rơm, nồi đất buộc rất tài tình...". Dưới đây là một đoạn trong tác phẩm "Việt Nam văn hóa sử cương" học giả Đào Duy Anh viết năm 1938: "Ở nhà quê thì cái chợ là nơi dân vùng xung quanh mỗi ngày hay mỗi phiên, để đổi chác đồ thổ sản về nông nghiệp hoặc về công nghiệp cần dùng cho sinh hoạt hàng ngày. Ngoài những người nhà quê đến chợ để bán thổ sản, còn có người lái buôn, chuyên môn như hàng vải, hàng xén, hàng cau, hàng thuốc, hàng thịt, hàng bánh, họ cứ gánh hàng đi chợ này chợ khác để bán rong...". Năm 1968, nhà nghiên cứu phong tục Toan Ánh đang lưu lạc giữa đất Sài Gòn mà nhớ về ngôi chợ quê ông, ở làng Thị Cầu (Võ Giàng, Bắc Ninh): "Ngày phiên chợ làng tôi vui lắm. Trong làng ai có hoa màu gì thì mang ra chợ, cũng như ai đan được ít rổ rá, bện được ít chổi, lúa, phất trần hoặc làm được thêm bất cứ thứ gì trong phạm vi tiểu công nghệ gia đình, đều mang ra chợ bán. Hoặc có ai đó nuôi được lứa gà, lứa vịt đã lớn đều nhân phiên chợ này mà tiêu thụ đi. Có người buôn thúng bán bưng, có các cô hàng xén...".
Một góc chợ quê. |
Ai đó thật có lý khi nói rằng, muốn biết đời sống của một vùng quê nào đó ra sao, thì hãy ra ngắm chợ. Chợ là trung tâm văn hóa, chợ là hồn quê. Cái hồn Việt ấy thể hiện từ Bắc chí Nam, từ xuôi lên ngược. Dù trên bến hay dưới thuyền, dù giữa lòng sông hay trên sườn núi, dù vùng sầm uất trù phú hay vùng nông thôn nghèo, bóng dáng chợ quê cũng không khác nhau mấy. Một lúc nào đó, ở nơi chốn nào đó ta qua trên bước đường tha hương, chợt gặp lại hình bóng ta xưa bên quán lá liêu xiêu. Những quán lá lúc xao động sắc màu. Chợ quê đấy! Lòng chợt ngân lên rưng rưng trong cảm xúc hoài niệm.
Chợ quê đã đi vào tâm thức mỗi người, hòa vào dòng chảy văn hóa ngàn đời của cư dân Việt, với những nét truyền thống thật khó phai mờ. Chợ ghi lại những dấu ấn đặc trưng, nơi bán mua, chứng kiến cuộc mưu sinh và đổi thay. Nhưng đâu chỉ vậy. Thuở thiếu thời, ta đã bao lần trốn học, ra chợ chơi trò đánh đáo, đánh bi; đã thuộc làu những câu hát xẩm của bà lão mù suốt tháng quanh năm ngồi bên góc chợ. Những lời rao của ông lão bán thuốc lào. Mấy người dân tộc quần áo sặc sỡ xuống núi bán thuốc dấu. Tiếng rao tò he vào cả giấc mơ. Trai xóm dưới, gái làng trên chọn góc chợ làm nơi hò hẹn. Con gái lấy chồng làng khác, gặp mẹ trong chợ gửi về biếu cha cút rượu, giấm giúi cho đứa em út tấm quà...
Chợ quê, một không gian sinh động của làng quê. Đốm lửa thiêng ấy là nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ thi nhân. Trong bài "Qua đèo ngang", Bà Huyện Thanh Quan thật tinh tế, vẽ lên một không gian u hoài: "Lơ thơ dưới núi tiều vài chú, lác đác bên sông chợ mấy nhà". Trong thời "Hành phương Nam" lưu lạc bước giang hồ, Nguyễn Bính cảm khái: "Ta đi nhưng biết về đâu chứ, đã dấy phong yên, lộng bốn trời, thì cứ ở đây ngồi giữa chợ, cuồng say mà gọi thế nhân ơi!". Theo bước chân của Đoàn vệ quốc quân trong kháng chiến chống thực dân Pháp, thi sĩ Hoàng Cầm chợt ấm lòng khi nhớ về làng quê, chợ quê Kinh Bắc: "Những cô hàng xén răng đen, cười như mùa thu tỏa nắng...".
Chợ quê - một biểu tượng đẹp của làng quê, nét đẹp dung dị và hồn hậu. Hãy giữ gìn phong cách chợ quê, không gian chợ quê như lưu giữ trong lòng những câu dân ca tình tứ: "Chàng buông vạt áo em ra, để em đi chợ kẻo mà chợ trưa...".
Đăng Bình