Văn hóa làng biển-những gam màu sáng, tối
Bài 1: Báu vật làng biển
(Cadn.com.vn) - Cùng với những truyền thuyết, câu ca, hò vè, nghề làm mắm truyền thống, mái đình, thuyền thúng... là những yếu tố vật thể và phi vật thể đã làm nên nét văn hóa làng biển tự bao đời của cư dân miền biển. Theo thời gian và nhiều tác động xã hội hiện đại, nét văn hóa làng biển dường như đã và đang có nguy cơ mai một.
Làm gì để khơi dậy tình yêu biển đảo đối với các thế hệ công dân đặc biệt là công dân làng biển, những người trực tiếp tham gia giữ gìn và bảo vệ chủ quyền trên biển?..., là những câu hỏi đang đặt ra đối với cơ quan quản lý trong việc phục dựng, tôn tạo các giá trị văn hóa làng biển.
Ông Trần Văn Lự chỉ lên đình làng Nam Thọ đang bị xuống cấp. Sau |
Ngôi đình làng có 35 sắc phong
Những ngày giữa tháng 11, chúng tôi tìm đến ngôi làng được xem là giàu có nhất về văn hóa biển của miền Trung trên địa bàn Q. Sơn Trà TP Đà Nẵng để tìm hiểu về 35 sắc phong-làng Nam Thọ. Qua những con hẻm quanh co, từng cơn gió thổi qua mang mùi nồng mặn đặc trưng của làng biển. Đình làng Nam Thọ nằm ẩn mình trong kiệt tổ 22, P.Thọ Quang, Q. Sơn Trà rong rêu phủ kín. Ông Lê Văn Công, một cao niên của làng cho biết: "Ngôi đình này được xây dựng vào năm 1937 để thay thế cho 2 ngôi đình làng cổ xưa thời gian xuống cấp và chiến tranh tàn phá.
Đình vừa là nơi sinh hoạt cộng đồng của cư dân vùng biển trong làng, vừa là nơi thờ cúng các vị thần làng, tiền hiền và 35 sắc phong của làng được vua ban trong các thời kỳ lịch sử". Quan sát từ phía ngoài ngôi đình có thể nhận biết được ngay kiến trúc truyền thống của đình làng 3 gian 2 chái. Mái đình được chạm trổ long phụng chầu mặt nguyệt như thách thức thời gian.
Cổng chính của đình song song với 2 cổng phụ. Sân đình rộng khoảng 20 m, dài 15m, được bao bọc bởi 4 bức tường rào, giữa sân có bình phong cao chừng 2m, rộng 3m, mặt trước chạm trổ hình lân, mặt sau hình cọp. Chính diện đình có hai hàng cột làm bằng gỗ mít, mỗi hàng cột có câu đối bằng chữ Nho... Như vậy, dù mới xây dựng vào những năm của thế kỷ XX nhưng đình làng có kiến trúc rất cổ xưa...
khi "thỉnh" với thần linh, các cao niên trong làng đưa hộp đựng sắc phong xuống để phóng viên được tận mắt xem. |
Nghe thông tin có phóng viên đến tìm hiểu làng, các cụ cao niên tập trung tại đình làng từ sáng sớm. Người được bầu làm "chủ làng" thắp hương kính cẩn, "thỉnh" với tổ tiên, thần linh "báu vật" của làng để phóng viên tận mắt được "mục sở thị". Sau khi "cáo" xong, 2 vị cao niên nâng từ bàn thờ xuống một chiếc hộp gỗ màu đỏ được bao bọc bởi một lớp vải nhung, phía ngoài trang trí hình 2 con rồng. Bên trong lớp gỗ là hộp đựng sắc phong bằng kim loại.
Ông Ngô Văn Đưa (74 tuổi) nói: "Chúng tôi gìn giữ thứ này còn hơn tài sản trong nhà nữa đó cô". Lần lượt, 35 bức sắc phong được lật mở: Sắc Thiên y Ana diễn phi chủ ngọc tôn thần hộ quốc tý dân hiển hữu xả dân phụng sự phụng ngã; Sắc phụng sự đức ngư ông chư thần hộ quốc tý dân nẫm trứ linh ứng hướng lai vị; Sắc hồng huệ phổ tế linh cảm Thiên y Ana diễn ngọc phi; Sắc phụng sự Khổng lồ Giác hải Đạt ma chư thần... của các triều đại Duy Tân, Thiệu Trị, Minh Mạng, Khải Định phong tặng cho làng vẫn còn được gìn giữ nguyên vẹn.
Các cụ trịnh trọng kể lại với chúng tôi về truyền thuyết của làng: "Ông bà xưa kể lại dọc bãi biển và các đỉnh núi ở Sơn Trà đều có các vị thần ngự. Hễ người dân trong làng bị ốm đau, bệnh tật, gặp hoạn nạn... đều tới cầu khẩn các ngài. Vì thế, dân lập đền thờ phụng sự rồi được vua phong sắc". Cũng từ đó, năm nào người dân làng Nam Thọ cũng tổ chức hàng chục lễ cúng bái, tạ ơn thần linh và để truyền lại cho con cháu các sự tích về làng biển, nhân lên tình yêu biển đối với mỗi công dân của làng.
Các bậc cao niên nâng niu lật mở từng bức sắc phong, phía trong là bảng chứng nhận di tích lịch sử cấp thành phố. |
Những trăn trở
Làng Nam Thọ lúc sơ khai có tên là Nam An, người dân sinh sống bằng nghề nông sau đó mới chuyển qua nghề biển. Đến năm 1690 (sau khi lập làng 30 năm), ngôi đình đầu tiên được xây dựng vào ngày 12-6 âm lịch, (sau này được chọn là ngày Giỗ làng), năm Canh Tý (1780) đình làng được xây dựng lại lần 2 thay thế cho ngôi đình trước bị hư hỏng. Ngôi đình hiện tại làng Nam Thọ đang sử dụng được xây dựng lần thứ 3 vào năm 1939, niên Đinh Sửu dưới niên triều vua Bảo Đại thứ 8.
Ông Trần Văn Lự - Phó Ban quản lý đình làng Nam Thọ thổ lộ: "Mấy năm rồi, đình làng bị xuống cấp nặng, những vật dụng của làng để trong đình đều bị hư hỏng hết nhưng do đình là di sản cấp thành phố nên dân làng không được phép tự tu sửa. Tôi đã viết đơn xin ý kiến của các cấp quản lý nhưng đến nay vẫn chưa được cấp phép".
Ông Lự chỉ tay lên mái đình: "Cô nhìn xem, ngói bể hết trơn rồi, mỗi lần trời đổ mưa chúng tôi thấy sốt ruột, cứ thế này mãi thì không biết sắc phong sẽ đi về đâu?". Chúng tôi nhận thấy 4 bức tường đình bị ẩm mốc, loang lỗ do nước mưa thấm vào. Chiếc trống cái được che phủ cẩn thận nhưng nhiều lần bị nước mưa chảy thấm ướt nên nấm mốc trắng xóa.
Hai chiếc trống con trong bộ trống đều đã rách nát mặt da, chỉ còn lại phần gỗ... Bỗng chạnh lòng nhớ đến những câu hát: "Gửi vào đây, vào đây tâm hồn người Việt/ Gửi vào đây vào đây, vui buồn người Việt..." trong bài hát "Mái đình làng biển" của nhạc sĩ Nguyễn Cường. Liệu mai này, người làng biển Nam Thọ còn có nơi gửi gắm buồn vui hay không, đang cần đến sự vào cuộc của các cơ quan ban ngành liên quan.
Hà Giang
(còn nữa)