Báo Công An Đà Nẵng

Văn hóa văn minh đô thị - Đừng quá say sưa với lời khen hào phóng

Thứ năm, 01/10/2015 09:52

(Cadn.com.vn) - Hơn 9 tháng triển khai thực hiện, chủ trương Năm văn hóa – văn minh Thành phố Đà Nẵng đã tác động đến người dân như thế nào và nhân dân thành phố mong muốn điều gì về chủ trương này? Vấn đề này được đề cập trong hội thảo “Năm văn hóa văn minh đô thị - nhìn từ cộng đồng dân cư” do Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng tổ chức ngày 30-9.

Ông Bùi Xuân – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng phát biểu đề dẫn tại hội thảo.

Người dân quan tâm

Ông Hồ Quang Đồi, Giám đốc Trung tâm Thông tin và nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Thành ủy) cho biết, người dân thành phố Đà Nẵng rất quan tâm đến chủ trương thực hiện văn hóa, văn minh đô thị (VHVMĐT). Đây là kết quả có được từ nghiên cứu xã hội học do Trung tâm tiến hành trong hai tháng 8 và tháng 9 – 2015. Để đánh giá khách quan hiểu biết của người dân thành phố về chủ trương VHVMĐT, Trung tâm đã phát 1.000 phiếu khảo sát cho nhiều tầng lớp nhân dân.

Với nhiều nội dung câu hỏi khác nhau như: bạn có biết về chủ trương VHVMĐT không, có quan tâm đến việc thực hiện chủ trương VHVMĐT hay giải pháp  thực hiện tốt VHVMĐT?  Ông Đồi nói: “Trong 1.000 phiếu khảo sát gửi đến nhiều tầng lớp nhân dân như cán bộ công chức, học sinh sinh viên, tổ dân phố và công nhân, chúng tôi thu hồi được 993 phiếu. Kết quả cho thấy 96% người dân biết thông tin về chủ trương VHVMĐT của thành phố và 4% còn lại không biết. Người dân biết được chủ trương này chủ yếu là nhờ các phương tiện báo chí và truyền hình. Đáng chú ý, tỷ lệ nắm bắt chủ trương qua sinh hoạt đoàn thể khá thấp, chỉ từ 5% - 8%. Cuộc khảo sát cũng cho thấy, có đến 95% người được hỏi tỏ ra quan tâm đến việc thực hiện chủ trương VHVMĐT. Tuy nhiên, lại có 1% cán bộ công chức và 6% học sinh sinh viên nói không quan tâm. Tôi cho rằng đây là hiện tượng cần phải suy nghĩ, khi mà những người trẻ và cán bộ công chức lại thờ ơ với việc thực hiện VHVMĐT”.

Kết quả cuộc khảo sát cũng cho thấy, các chương trình lớn của thành phố về VHVMĐT đều được người dân nắm bắt và thực hiện, 58% người dân được hỏi cho rằng thành phố đã xử lý tốt và khá tốt nạn ô nhiễm môi trường, còn xử lý vấn đề người lang thang xin ăn được đánh giá tốt đến 81%...Các ý kiến cũng cho rằng vẫn chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của người dân thành phố, thiếu kiên quyết trong xử lý, chế tài xử lý chưa mạnh nên việc xây dựng VHVMĐT có nhiều bất cập, không đạt kết quả cao. “Những người được hỏi đều đồng tình với chủ trương thực hiện VHVMĐT của thành phố và cho rằng chủ trương này bước đầu đã mang lại những chuyển biết tích cực. Tuy nhiên, người dân đề nghị phải quyết liệt thực hiện trong thời gian đến”-ông Đồi cho biết.

Lực lượng vũ trang thành phố dọn dẹp cống rãnh.

Xác định mục tiêu lâu dài

Các tham luận tại hội thảo đều nêu bật những đóng góp quan trọng của cộng đồng dân cư trong thực hiện chủ trương VHVMĐT. Với nhiều mô hình, sáng kiến hay, các tầng lớp nhân dân góp phần từng bước đưa Đà Nẵng trở thành thành phố có nếp sống văn minh đô thị. Ông Nguyễn Hữu Chiến–Phó Giám đốc Sở VH-TT và DL thành phố đánh giá, qua 9 tháng triển khai, chủ trương VHVMĐT đã đạt được những kết quả nổi bật. 3 nhiệm vụ trọng điểm đến thời điểm này đã được giải quyết hiệu quả. Tình trạng phát tờ rơi quảng cáo tại nút giao thông giảm rõ rệt, tại các tuyến đường chính đã cơ bản giải quyết tình trạng quảng cáo, rao vặt trái phép. Hoạt động chèo kéo khách du lịch có chuyển biến, khi một số địa bàn đón khách du lịch điểm đã không còn hiện tượng đeo bám du khách. Công tác xử lý người lang thang xin ăn, ăn xin biến tướng được triển khai hiệu quả.

“Tuy nhiên đó chỉ là kết quả bước đầu, xây dựng VHVMĐT là mục tiêu lâu dài mà Đà Nẵng sẽ phải thực hiện thường xuyên, liên tục, trong đó sự tham gia của người dân có ý nghĩa hết sức quan trọng. Về giải quyết triệt để nạn quảng cáo, rao vặt trái phép sắp đến Sở sẽ phối hợp với Thành đoàn ra quân xóa quảng cáo, rao vặt, sau khi hoàn thành sẽ giao cho tổ dân phố và hộ dân cụ thể quản lý, nếu chỗ nào để tái diễn tình trạng trên thì không được xét duyệt danh hiệu gia đình văn hóa, khu phố văn hóa” – ông Chiến khẳng định.

Dù đạt nhiều kết quả, nhưng sau 9 tháng triển khai thực hiện năm VHVMĐT vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế và khó khăn, nhất là ở cấp cơ sở. Đại diện P.Khuê Mỹ (Q.Ngũ Hành Sơn) cho biết, thời gian qua địa phương đã rất quyết liệt thực hiện xóa rao vặt, quảng cáo trái phép, thậm chí đã giao cho từng hộ dân nhà mặt tiền, gần trụ điện chịu trách nhiệm tẩy xóa nhưng vẫn không thể giải quyết triệt để. Xóa hôm trước thì sáng hôm sau đã có đối tượng đến dán quảng cáo, rao vặt, cần có chế tài mạnh với các chủ thuê bao số điện thoại, chứ tẩy xóa rồi lại dán như thế thì rất khó. Còn giải quyết rác, cây mọc um tùm tại các khu đất trống cũng khó, bởi địa phương không có kinh phí để thực hiện thường xuyên, các chủ khu đất thì chây ì không chịu thực hiện.

Theo ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT thành phố, thực hiện chủ trương VHVMĐT cần phải hướng vào nhân dân và nhìn vào thực tế ở cơ sở. “Những con số khảo sát cho thấy 96% người dân quan tâm đến chủ trương VHVMĐT, nghe số liệu ấy hẳn ai cũng phải mừng và quả thật bộ mặt thành phố chúng ta đã có nhiều thay đổi tích cực. Tuy nhiên, quan tâm là một chuyện, còn có thực hiện hay không mới là điều đáng nói. Để người dân tự nguyện thực hiện những hành vi chuẩn mực khi sống ở đô thị là một khoảng cách rất dài, mà  tôi cho rằng cần có nhiều biện pháp quyết liệt hơn nữa từ lãnh đạo thành phố. Chúng ta không nên say sưa với những lời khen hào phóng mà cần phải nhìn vào thực tiễn từ cộng đồng và khu dân cư để chủ trương VHVMĐT của thành phố sớm thành hiện thực”–ông Tiếng nhấn mạnh.

H. Anh