Văn hóa, văn minh đô thị là “chân thắng” của sự phát triển
(Cadn.com.vn) - Nhà thơ Bùi Công Minh, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, để có một phút đạp phanh dừng xe nhường đường cho người đi bộ qua đường, người lái ô-tô ở các nước phương Tây phải có bề dày 100 năm văn hóa, không chỉ của từng cá nhân mà là của cả một cộng đồng. Để xây dựng văn hóa, văn minh đô thị Đà Nẵng giai đoạn 2016 – 2020 và xa hơn nữa đạt kết quả như mong đợi, Đà Nẵng rất cần con người biết làm hơn là những con người chỉ biết nói, thậm chí là những con người làm nhiều hơn nói.
Đánh giá tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển văn hóa, văn minh đô thị, năm 2015, lần đầu tiên Thành ủy Đà Nẵng quyết định đề ra chủ đề “Năm Văn hóa, văn minh đô thị 2015” và năm 2016 cũng tiếp tục thực hiện chủ trương này. Để người Đà Nẵng nhận thức văn hóa, văn minh là chuyện lâu dài, là “mưa dần thấm đất” chứ không phải “bùng cháy lửa rơm”, lãnh đạo thành phố giao Ban Tuyên giáo Thành ủy và Viện Kinh tế - Xã hội lấy ý kiến của các chuyên gia nhằm tìm giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa, văn minh đô thị Đà Nẵng giai đoạn 2016 – 2020.
“Nụ cười thân thiện”, cởi mở của cán bộ CAQ Hải Châu khi tiếp xúc với dân. |
Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội đồng khoa học- Lịch sử Đà Nẵng nhìn nhận, thực ra việc “xoay trục” này chủ yếu xuất phát từ hiện trạng phát triển chưa cân đối, thậm chí mất cân đối giữa kinh tế và văn hóa thành phố – “cái cánh” kinh tế có phần vững chãi hơn “cái cánh” văn hóa, văn minh đô thị chứ chưa phải đã xuất phát từ việc nhận thức đúng về vai trò quyết định của văn hóa, văn minh đô thị trong phát triển chung của thành phố. Chừng nào chưa thực lòng xem văn hóa là cái “chân thắng”, còn kinh tế là cái “chân ga” của phát triển thì chừng ấy vẫn chưa thể thoát khỏi tình trạng phát triển chưa cân đối, thậm chí mất cân đối giữa kinh tế và văn hóa, văn minh đô thi.
Cũng theo ông Tiếng, xây dựng và phát triển văn hóa, văn minh đô thị, việc giữ cho được những cái đẹp xưa cũng quan trọng không kém- thậm chí quan trọng hơn so- với tạo nên những cái đẹp mới. Không nhận thức rõ điều này thì Năm Văn hóa, văn minh đô thị chỉ có thể “bùng cháy lửa rơm” rồi tàn, mang tính phong trào chứ không thẩm thấu vào bên trong đời sống tinh thần của người Đà Nẵng.
Xây dựng văn hóa, văn minh đô thị Đà Nẵng có hiệu quả, mang đậm tính nhân văn, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và dần hình thành nét văn hóa của thành phố như xây dựng các quan hệ giao tiếp - ứng xử văn minh nơi công cộng và trong cộng đồng dân cư; xây dựng mô hình điểm về nếp sống văn minh đô thị.
Nhà thơ Bùi Công Minh dẫn chứng, một trăm bài diễn văn hay không bằng một tấm gương sống. Điển hình, như hành động Cảnh sát giao thông CATP Đà Nẵng giúp cậu bé ung thư thực hiện ước mơ được làm Cảnh sát giao thông; hay Chủ nhiệm Câu lạc bộ Công tác xã hội Teen Đà Nẵng Trần Minh Sỹ không ngần ngại lao theo xuống cầu Sông Hàn để cứu sống cô gái nhảy cầu tự tử vì buồn chuyện gia đình; rồi đến Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng phát động giải thưởng “Nụ cười công chức”; CAQ Hải Châu phát động phong trào “Nụ cười thân thiện” trong toàn lực lượng;... chúng ta cần nhiều việc làm cụ thể hơn nữa để phát động và nhân rộng ra trong thực tế cuộc sống.
Thật ấn tượng khi đến giao dịch một số cửa hàng điện thoại di động trên địa bàn luôn được nhân viên đối xử rất niềm nở văn minh với hành động cúi chào vừa liên tục “xin chào, xin mời, cảm ơn, xin chào và hẹn gặp lại quý khách”; tư vấn nhiệt tình, trung thực và sẵn sàng giúp đỡ du khách; không đeo bám, chèo kéo làm phiền khách...
TS Huỳnh Huy Hòa, Viện phó Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng cho rằng: Việc xây dựng văn hóa, văn minh đô thị phải bắt đầu từ từng người dân Đà Nẵng; các chương trình an sinh xã hội giàu tính nhân văn, đặc biệt là chương trình “5 không, 3 có” phù hợp hơn, đặc trưng hơn; hoàn thiện và thực hiện các quy định, chế tài về an ninh trật tự đô thị “văn minh đường phố”, “ý thức bảo vệ môi trường”, xây dựng hình ảnh người Đà Nẵng thân thiện, mến khách, quyết tâm đưa Đà Nẵng trở thành thành phố “khó sống” đối với các loại tội phạm; xác lập các tuyến phố không có “kinh tế vỉa hè”, tạo nét đẹp đường thông, hè thoáng; nâng cao hiệu quả sử dụng các thiết chế văn hóa để nâng cao mức hưởng thụ của người dân...
Có thể khẳng định, đột phá xây dựng và phát triển văn hóa, văn minh đô thị, thực hiện ý chí của lãnh đạo và người dân xây dựng thành phố Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại, làm cơ sở tạo nên những giá trị riêng phù hợp với bản sắc và văn hóa người Đà Nẵng thì văn hóa phải được xem là “chân thắng” của sự phát triển.
Xuân Đương