Văn hóa văn minh đô thị - nhìn từ ý thức người dân
(Cadn.com.vn) - Từ nhiều năm nay, Đà Nẵng đã có nhiều động thái, cách làm hay nhằm xây dựng con người Đà Nẵng văn minh, lịch sự, đáng mến trong lòng du khách. Tuy nhiên, đó đây vẫn còn một bộ phận không nhỏ những người chưa ý thức được trách nhiệm công dân đối với thành phố. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến bộ mặt văn minh đô thị của Đà thành...
Để trở thành thành phố văn minh, Đà Nẵng ngày càng cần nhiều hơn những hoạt động xã hội trong cộng đồng (trong ảnh: bộ đội dọn vệ sinh, làm đẹp bãi biển Đà Nẵng). Ảnh: L.H.A |
1. Đêm cuối năm, Đà Nẵng se lạnh. Mọi dòng người đổ về Quảng trường 2-9, nên những con đường trong nội thành có vẻ vắng người đi hơn mọi ngày. Đèn tín hiệu vẫn chưa tắt. Đến ngã tư đường Lê Lợi- Lê Duẩn, tín hiệu đèn đỏ. Dừng xe! Chợt một chiếc xe máy vọt qua. Thằng bé ngồi trên xe do bố mẹ chở đứng cạnh xe tôi chợt thốt lên: “Ô! Đèn đỏ mà chú ấy cũng chạy qua kìa, bố!”. Người bố đáp trả: “Ừ! Chú ấy vi phạm giao thông rồi. Chắc do chú ấy vội!”. Thằng bé không cãi lại bố, nhưng có vẻ không hài lòng với câu trả lời đó.
Chợt nhớ cách đây một tuần, khi lên Liên Chiểu nắm thông tin, đến ngã tư đường Nguyễn Sinh Sắc - Kinh Dương Vương, đèn đỏ nên dừng xe ngay sát vạch trắng. Chợt một thanh niên điều khiển xe máy chở bạn gái chạy vù qua trước mặt, vừa chạy vừa cười. Lúc này trời đang mưa, đường vắng. Chợt thấy lo, nếu như lúc ấy một chiếc xe tải chạy qua thì sẽ ra sao với đôi bạn trẻ ấy? Đây không phải là lần đầu tiên tôi chứng kiến hình ảnh không đẹp mắt này. Điều đáng nói là phần lớn những người vượt đèn đỏ ấy mà tôi gặp thường là các bạn trẻ.
Mới đây thôi, tôi cũng bắt gặp một hình ảnh khác không đẹp của các bạn trẻ. Ngay trên đường Hùng Vương, có một nhóm học sinh đạp xe đạp đi hàng ba, hàng tư, vừa đạp xe vừa cười nói, lạng lách giữa phố xá đông người. Đáng buồn hơn là trong số đó có cả các bạn gái. Hậu quả của việc đánh võng, không làm chủ được tay lái, nên hai chiếc xe đạp móc vào nhau.
Một cô bé ngã xuống đường, may là không bị thương tích gì. Điều đáng trách là, thay vì nhận ra lỗi của mình, các bạn trẻ vẫn tiếp tục cười xem chừng thú vị lắm. Nhiều người đi đường nhìn thấy cảnh đó mà không khỏi lắc đầu, thở dài! Tôi cũng đã định tấp xe vào lề đường để chạy lại đỡ cô bé đó lên. Nhưng khi nhìn thấy hình ảnh cô bé đứng dậy cười thích thú, xem như không có chuyện gì, chợt thấy giận nên rồ ga đi luôn.
2. Có những khu phố tôi đi qua, nhiều nơi có tấm bảng viết như thế này: “Rác nhà ai, nhà nấy đổ. Đề nghị không được tập trung rác tại đây”. Mặc dù đã viết như vậy, nhưng ngay phía dưới tấm bảng vẫn có vài bọc ni-lông đựng rác, nhìn rất phản cảm.
Chợt nhớ hồi ba tôi chưa nghỉ hưu, một lần đi làm về, ông bức xúc kể chuyện nhìn thấy một người dân đứng từ tầng 2 thả một bịch rác xuống vỉa hè. Trong khi đó, trước nhà họ không xa có thùng gom rác của Công ty Vệ sinh môi trường... Thấy vậy, ông tìm cách góp ý thì nhận được câu trả lời từ phía người kia rằng “việc ấy đã có nhân viên lao công của công ty vệ sinh làm rồi, ông lo làm gì?”. Nghe câu trả lời ngang phè ấy, ông tức anh ách, bảo rằng nếu ai cũng như ông, có lẽ thành phố này sẽ trở thành một bãi rác...
Một vụ TNGT do vượt đèn đỏ. |
3. Mới đây, trong một lần tiếp xúc vợ chồng anh chị Trịnh Thị Hồng để viết bài, tôi đã được chị kể cho nghe câu chuyện xúc động về ý thức gìn giữ môi trường của người dân khu phố nơi chị (Hòa Phú 5, P.Hòa Minh, Liên Chiểu, Đà Nẵng). Ở khu phố chị thành lập đội thiếu niên tiền phong bảo vệ môi trường. Một lần, có một hộ gia đình mới đến ở, ăn xong hộp xôi, tiện tay vứt ra vỉa hè.
Vừa lúc đó, cô bé Chi đội trưởng Đỗ Thị Nhớ xuất hiện, lễ phép xin chủ nhà cho em nhặt vỏ hộp nhựa này. Ngạc nhiên, chủ nhà hỏi lấy để làm gì, em Nhớ liền nói “để cháu bỏ vào thùng rác ạ! Chắc cô chú mới đến nên không biết ở đây có phong trào bảo vệ môi trường. Nếu cô chú thấy chúng cháu dọn vệ sinh vào chủ nhật hàng tuần, chắc cô chú sẽ không bao giờ vứt hộp ra vỉa hè đâu ạ!”.
Chị còn kể, người dân khu phố chị sống rất hòa đồng, biết giúp đỡ lẫn nhau, thấm tình làng nghĩa xóm. Thế nên mới có chuyện, một gia đình trong khu phố có việc vắng nhà trong nhiều ngày, nhưng những chậu cây cảnh trồng trước nhà vẫn được tưới thường xuyên bởi nhờ những người hàng xóm tốt bụng... Theo chị Hồng, chỉ cần mỗi người có ý thức một chút thôi trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, khu phố nơi mình ở sẽ góp phần làm cho bộ mặt đô thị TP Đà Nẵng luôn xanh, sạch đẹp.
Năm 2015, Đà Nẵng chọn là năm Văn hóa, văn minh đô thị. Thiết nghĩ, để thực hiện tốt chủ trương này, ý thức của người dân đóng vai trò tiên quyết!
Phan Thủy